Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Thuận – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Thứ Năm 09:26 17-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Trước hết tôi hoan nghênh và tán thành rất nhiều nội dung đã được Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội, Ban soạn thảo, Bộ Lao động thương binh và xã hội đã phối hợp cùng với nhiều cơ quan hữu quan chỉnh lý dự thảo Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tôi đồng ý nhiều nội dung trong này.
Qua nghiên cứu chúng tôi thấy có một số vấn đề chung nhất liên quan đến dự án luật này, theo chúng tôi cần có nghiên cứu để hoàn thiện thêm.
Trước hết chúng tôi hình dung với luật này phải đảm bảo được hai yêu cầu:
Yêu cầu thứ nhất, chúng ta phải thể hiện được quan hệ thị trường lao động trong điều kiện hội nhập.
Yêu cầu thứ hai, quan trọng nhất là trách nhiệm của Nhà nước và công dân trong mối quan hệ này.
Đi vào cụ thể chúng tôi thấy như thế này, trước hết để làm được việc đó chúng ta phải tạo được hành lang pháp lý, mà hành lang pháp lý cụ thể là luật này phải tập trung vào mấy vấn đề.
Thứ nhất là đảm bảo cho công dân thực hiện quyền tự do lao động của mình. Ở đây nó có vấn đề phải quan niệm trong điều kiện hội nhập, liên quan đến quyền tự do đi lại, tự do cư trú của công dân và các quyền tự định đoạt số phận của mình thì Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý cho họ.
Trong này chúng ta đề cập mấy vấn đề:
Vấn đề thứ nhất là xung quanh các doanh nghiệp kinh doanh và tôi cũng tán thành doanh nghiệp kinh doanh này có tính chất đặc biệt, có điều kiện phải có giấy phép, cấp phép v.v...
Vấn đề thứ hai là còn một số nội dung khác, ví dụ như lao động của cá nhân, hợp đồng cá nhân, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp đấu thầu, trúng thầu ở nước ngoài họ mang theo người lao động ở Việt Nam thì can thiệp của Nhà nước đến mức độ nào? Ở đây tôi tán thành ý chị Tâm Đan, ở đây vấn đề là quan hệ trước hết xung quanh các doanh nghiệp đấu thầu và doanh nghiệp mà đầu tư ra nước ngoài mang người lao động ở Việt Nam đi thì ở đây Nhà nước phải đặt khuyến cáo thôi, chứ có cần bắt họ phải báo cáo không hay với cách nào? Nếu cách như trong Dự thảo luật tôi e rằng sợ mình cũng can thiệp hơi sâu mà chủ yếu khuyến cáo về 3 vấn đề: Một là mức lương, hai là những bảo đảm cho người lao động ở nước ngoài. Ví dụ xung quanh bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ba là giải quyết những hậu quả.
Tương tự như vậy, các cá nhân họ cũng có quyền tìm kiếm lao động không chỉ ở trong nước mà phải kiếm ở nước ngoài. Trong điều kiện hội nhập hiện nay chúng ta chưa hình dung hết được, nhưng rõ ràng khi đã vào hội nhập quốc tế rồi, quyền lao động của công dân của chúng ta cũng như công dân nước ngoài họ có toàn quyền, ngay người nước ngoài họ cũng có quyền lao động ở Việt Nam, ngược lại người Việt Nam cũng có quyền lao động ở nước ngoài trong xu thế hội nhập, trong xu thế thế giới là mái nhà chung của nhân loại. Chúng tôi thấy xung quanh hai nội dung là những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp đấu thầu, trúng thầu mang người lao động ở Việt Nam đi, trước hết đây là quan hệ lao động của người Việt Nam với nhau, còn quan hệ giữa cá nhân với người Việt Nam mà người ta tìm được những môi trường lao động thuận lợi ở nước ngoài thì để cho họ tự do định đoạt, chứ không nên quy định một cách chặt chẽ là phải có ý kiến Sở Lao động thương binh và xã hội, báo cáo Bộ Lao động thương binh và xã hội thì chúng tôi thấy cái này khả năng không quản được.
Vấn đề thứ hai, xung quanh quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, chúng tôi thấy kể cả dự thảo cũ chúng ta áp đặt là chỉ 2 chi nhánh hoặc 3 chi nhánh, không phải chuyện đó, nếu chúng ta phải quy định những quy định của pháp luật, làm thế nào nếu những doanh nghiệp lừa đảo, cá nhân lừa đảo, chúng ta có pháp luật hình sự, Nhà nước chưa ra tay chuyện này, chúng ta có thể phạt cho khuynh gia bại sản, trong điều này chúng ta có thể làm được chứ. Còn việc họ có bao nhiêu chi nhánh là việc của họ, trong khi chúng ta quản rất chặt, chi nhánh phải có địa điểm, có điện thoại, có người đại diện.v.v..trong này tiếp thu rồi thì có cần thiết phải đặt ra 1 hay 2, hay 3 chi nhánh không, tại sao lại chỉ 3 chi nhánh mà không 4, 5 chi nhánh, việc của họ còn chúng ta quản thật chặt việc quản lý Nhà nước.
Một nội dung nữa trong hành lang pháp lý và trách nhiệm giữa hai bên doanh nghiệp và người lao động, trong này nhiều nội dung rồi, nhưng nó chưa toát được một ý này, người lao động phải được tạo những điều kiện ban đầu để tiếp cận một môi trường mới, xã hội mới tất nhiên chúng ta dạy ngoại ngữ, dạy phong tục tập quán nhưng phải toát được ý đó. Rồi trách nhiệm của doanh nghiệp đi làm cũng phải thấy một điều không phải xuất được nhiều lao động là quý, đúng là quý thật, nhưng cũng phải quan tâm đến đời sống của người lao động, tức là trong quá trình anh có hành lang pháp lý làm sao để anh liên hệ với các cơ quan hữu quan ở bên đó, các người sử dụng làm sao tạo được mức lương tối thiểu cho họ cao hơn. Bây giờ mức lương thấp, đi Malaixia như anh Tráng A Pao nói chúng tôi đi rất nhiều thì chúng tôi thấy có điều kiện như thế. Rõ ràng ở đây chúng ta mới quan tâm đến đưa số lượng đi để thu tiền. Còn chưa quan tâm được một cách đầy đủ kể cả Nhà nước và các doanh nghiệp, chỗ này phải nhấn.
Vấn đề thứ ba, xung quanh trách nhiệm Nhà nước ở đây chúng tôi thấy có mấy vấn đề:
Thứ nhất, nội dung Nhà nước can thiệp ở đây chúng tôi chưa thấy có mà chúng tôi thấy rất cần. Đấy là trách nhiệm quyết định thị trường nghiên cứu và quyết định thị trường nào chúng ta đưa người lao động đi, chứ không phải "thượng vàng, hạ cám" chúng ta bí quá rồi thì đưa đi đâu thì đưa, như thế không được. Chúng tôi thấy thứ nhất là việc quyết định thị trường lao động là trách nhiệm của Nhà nước, đưa đi đâu còn cách đưa thế nào là các doanh nghiệp làm nhưng chúng ta phải định hướng như vậy.
Thứ hai, một trách nhiệm nữa là trong người lao động hiện tại họ cũng đang kêu ca rất nhiều, đây là sự tạo không thuận lợi của các cơ quan trong nước. Ví dụ, cấp visa làm thế nào cũng phải thuận lợi trong này cũng phải nói, chứ không thể không nói. Trong các hành vi bị nghiêm cấm thì nó mới chỉ toát ý được là sách nhiễu, lợi dụng, nhưng chưa toát được ý làm sao để họ tự do đi lại khi họ tìm được nơi họ cần làm.
Thứ ba, trách nhiệm bảo hộ lãnh sự của Nhà nước tôi hoàn toàn tán thành ý của chị Tâm Đan, không phải ở đây chúng ta quy định trong này là những sứ quán nào có bộ phận lao động thì nó có ý nghĩa, còn các sứ quán khác có đâu. Cho nên trách nhiệm của các Đại sứ quán trước hết là về vấn đề lãnh sự, còn chúng ta cũng thấy chuyện ở Libăng vừa rồi, nhưng rất may đấy là vì tiền của quốc tế, chứ tiền của chúng ta chúng tôi chưa chắc công dân Việt Nam đi Libăng đã về được đến nước. Cho nên phải thấy được bản chất của chúng ta tiền thì ít, không có, nên có khi nó cứ đùn đẩy giữa các cơ quan khi có những vấn đề xảy ra đối với người lao động. Những chỗ này phải tính toán trách nhiệm bảo hộ trong này, bảo hộ lãnh sự.
Điểm thứ tư, nếu được cũng phải có những quy định để gắn trách nhiệm của Nhà nước trong thỏa thuận với các quốc gia mà chúng ta định đưa sang, chúng ta có thể ký các thỏa thuận, thỏa ước giữa các Hiện định song phương làm thế nào khi chúng tôi xuất khẩu lao động sang thì phải bảo đảm khuyến cáo các doanh nghiệp của nước ngoài làm thế nào bảo đảm cho họ ở một mức lương tương đối. Nếu chúng ta cứ thả lỏng như thế này để cho xã hội đưa người lao động đi, rồi con cháu chúng ta sang làm không được, nợ nần chồng chất. Ngoài những chính sách ghi trong này chúng tôi đồng ý, đấy là những nội dung xung quanh sự can thiệp của Nhà nước phải nói cho rõ được mấy nội dung như vậy.

Các văn bản liên quan