Góp ý của Thành hội Luật gia Hải Phòng

Thứ Năm 09:41 07-09-2006


            Theo yêu cầu của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải phòng về việc lấy ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo nghị định của Chính phủ về quản lý nhà nước đối với giấy phép kinh doanh. Thành Hội Luật gia Hải phòng đã thảo luận và tham gia ý kiến vào những nội dung trong Dự thảo. Xét về tổng quan chúng tôi nhất trí tán thành việc ban hành Nghị định trên là rất cần thiết. Về nội dung, Dự thảo đã quy định khá cơ bản và đầy đủ những nội dung cần được điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có một số quy định tại phần chung và các điều, khoản tại một số Chương trong Dự thảo còn chưa chuẩn xác, mâu thuẫn với các văn bản Luật đang có hiệu lực, một số thuật ngữ sử dụng chưa ăn nhập với nội dung…cụ thể như sau:

            Những vấn đề góp ý.

            1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

            Theo chúng tôi, để phù hợp với tên gọi của Nghị định cũng như để thống nhất cho việc hướng dẫn các nội dung cơ bản đã quy định trong Luật Doanh nghiệp, thì không nên loại trừ các trường hợp là:

            - Giấy phép thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế;

            - Giấy phép kinh doanh được quy định trong trường hợp khẩn cấp;

            - Giấy phép kinh doanh liên quan đến an ninh quốc gia.

            Vì để phù hợp với quy trình ban hành Luật cũng như các văn bản hướng dẫn trong tiến trình cải cách tư pháp và cải cách hành chính hiện nay. Một mặt vì tên gọi của Dự thảo nghị định là “quản lý Nhà nước đối với Giấy phép kinh doanh” thì nên bao gồm các quy định về việc soạn thảo, ban hành, bổ sung, sửa đổi, đánh giá và thực hiện các quy định đối với tất cả các loại hình giấy phép kinh doanh nói chung đều được quy định vào trong Nghị định này là hoàn toàn phù hợp.

            - Tại Điều 6 - dự thảo quy định các nguyên tắc về giấy phép kinh doanh. Theo chúng tôi các nội dung trên không mang tính quy phạm pháp luật, chưa thể hiện tính chất chỉ đạo đối với một văn bản quy phạm pháp luật. Vì “nguyên tắc” chính là tư tưởng chỉ đạo, thứ nữa chúng tôi nhận thấy các khoản quy định tại điều 6 dự thảo Nghị định mới chỉ dừng lại ở mục đích, vai trò và nghĩa vụ nên tính bắt buộc thực hiện không cao.

            - Tại điểm c khoản 2 - điều 7 quy định không chuẩn xác bởi vì: “Hối lộ trao hoặc dành cho cán bộ, công chức…” không rõ nghĩa vì hành vi hối lộ theo quy định của pháp luật hiện hành được phân chia thành: Nhận hối lộ, đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ. Theo chúng tôi nên lựa chọn để dùng cho đúng với bản chất của hành vi cũng như sự việc.

            - Tại khoản 1 - điều 8: về huỷ bỏ giấy phép kinh doanh. Quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 gây khó hiểu và dễ nhầm lẫn giữa “giấy phép kinh doanh không đủ điều kiện” và “giấy phép kinh doanh không còn đủ tiêu chuẩn” và nên quy định chung thành một điểm tại điều này để thuận tiện cho việc áp dụng.

            - Tại chương II về Hội đồng Quốc gia về giấy phép kinh doanh

            Theo chúng tôi cần cân nhắc lại về việc quy định vấn đề này vì: trong cơ chế thực hiện Nghị định này, cơ quan soạn thảo đã dự kiến thành lập Hội đồng quốc gia về giấy phép kinh doanh, mà Hội đồng là cơ quan liên ngành, do Thủ tướng Chính phủ quyết dịnh thành lập chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, đánh giá việc ban hành và thực hiện các quy định về giấy phép kinh doanh nhằm đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, minh bạch, hiệu quả và hiệu lực của giấy phép. Hội đồng gồm 20 thành viên, một nửa thành viên là cán bộ công chức Nhà nước, một nửa gồm đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và những người khác không phải là cán bộ, công chức Nhà nước. Giúp việc cho Hội đồng có ban thư ký và Văn phòng đăng ký giấy phép. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đưa ra một số ý kiến như sau:

            - Thực tế và theo quy định của pháp luật hiện nay quy trình soạn thảo, ban hành VBQPPL được quy định tại luật Ban hành VBQPPL năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2002) và cụ thể hoá tại Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005.

         Các quy định về giấy phép kinh doanh đều nằm trong nội dung VBQPPL (dưới dạng Luật, Pháp lệnh, Nghị định), vì vậy việc soạn thảo, ban hành các quy định về giấy phép kinh donah cũng phải tuân theo trình tự, thủ tục đã được quy định tại các văn bản nói trên.

            Tuy nhiên, trong Dự thảo này lại quy định về việc thành lập Hội đồng quốc gia về Giấy phép kinh doanh và một trong những nhiệm vụ của Hội đồng này là “giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm định sự cần thiết, tính hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước của giấy phép kinh doanh dự kiến áp dụng; tính cụ thể, đầy đủ, minh bạch và dự đoán trước được của quy định  về giấy phép kinh doanh đó” (khoản 2 điều 10). Tại Chương III của dự thảo quy định, trong quá trình soạn thảo, ban hành các quy định về giấy phép kinh doanh thì cơ quan soạn thảo phải trình dự thảo lấy ý kiến của Hội đồng trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành (Điều 20). Việc thành lập Hội đồng như một cơ quan thẩm định độc lập đối với dự thảo quy định về giấy phép kinh doanh là không phù hợp với quy định của Luật ban hành VBQPPL.

            Đồng thời việc tồn tại Hội đồng như dự thảo thiết lập rất khó bảo đảm về năng lực phán xét về sự cần thiết có hay không có giấy phép kinh doanh (đối với tất cả các loại giấy phép). Vì vậy việc đặt thêm một khâu thẩm định của Hội đồng quốc gia về giấy phép kinh doanh là không cần thiết, làm phức tạp hoá quy trình xây dựng pháp luật.

            - Thứ nữa cần cân nhắc thêm tính hiệu quả và hợp lý trong hoạt động của Hội đồng. Dù được thành lập với một nửa số thành viên là đại diện cộng đồng doanh nghiệp thì hiệu quả hoạt động của Hội đồng không chắc được nâng cao vì vẫn chỉ mang tính kiêm nhiệm. Việc thành lập Hội đồng cũng như các cơ quan giúp việc của nó chắc chắn đặt ra vấn đề tổ chức, nhân sự, kinh phí thực hiện nên cần phải được cân nhắc, xem xét lợi ích, hiệu quả của nó. Mặt khác Hội đồng với thành phần bao gồm cả tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước nhưng lại thực hiện các nhiệm vụ thuộc quản lý Nhà nước (Đ10).

            - Hạn chế và khó khăn nữa là việc thành lập Hội đồng sẽ làm giảm đi tính chủ động, tích cực của tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp vào quá trình cải thiện hệ thống giấy phép kinh doanh. Việc đánh giá tính cụ thể, tính đầy đủ, tính minh bạch và tính dự đoán trước được của giáy phép kinh doanh cần được thực hiện bởi chính các đối tượng chịu tác động của giấy phép kinh doanh xuất phát từ hoạt động thực tiễn. Thông qua sự phản biện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về giấy phép kinh doanh. Trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo ra cơ chế tiếp thu, xử lý nhanh chóng hiệu quả các ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

            Từ đó, chúng tôi thấy nội dung của vấn đề này quy định trong dự thảo có phần đi người với quy trình cải cách hành chính, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cần chỉnh lý cho phù hợp với tinh thần Cải cách hành chính cũng như Luật Doanh nghiệp. Trong khuôn khổ cải cách hành chính, Chính phủ nên áp dụng biện pháp để khắc phục tình trạng tiêu cực hiện nay hơn là phát sinh bộ máy cồng kềnh và chắc chắn sẽ kém hiệu quả.

            - Tại điều 22 dự thảo: quy định “Tất cả các loại giấy phép kinh doanh phải được đăng ký tại Văn phòng đăng ký giấy phép” việc quy định như vậy theo chúng tôi là không ổn, cần cân nhắc lại vì: Dự thảo quy định việc đăng ký giấy phép kinh doanh nhưng không xác định được giá trị pháp lý của việc đăng ký này. Cụ thể như việc đăng ký đối với các loại giấy phép của các Bộ, ngành là nhằm mục đích gì? Trong khi đó, theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL thì các quy định về giấy phép kinh doanh trong Luật, Pháp lệnh, Nghị định sẽ có hiệu lực mà không phụ thuộc vào việc đăng ký tại Văn phòng này. (Điều 10 - Luật Ban hành VBQPPL) và Nghị định số 161/2005/NĐ-CP đã quy định về việc đăng công báo VBQPPL nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân là đối tượng của văn đó có điều kiện tiếp cận, thực hiện văn bản. Như vậy, các quy định về giấy phép kinh doanh nằm trong các Luật, Pháp lệnh, Nghị định cũng phải được đăng công báo. Chính vì lẽ đó thì nếu quy định đăng ký giấy phép kinh doanh nhằm mục đích minh bạch hoá là không cần thiết, gây lãng phí do sự trùng lặp với mục đích của việc đăng công báo VBQPPL đã được quy định.

            Trên đây là những vấn đề mà Thành Hội Luật gia Hải phòng đã nghiên cứu và tổng hợp qua các ý kiến đóng góp của CBHV, xin gửi tới Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam để hoàn thiện dự thảo.

Các văn bản liên quan