Ý kiến của Văn phòng luật sư Đăng Minh, Hải Phòng

Thứ Năm 09:36 07-09-2006

Sau khi nghiên cứu Dự thảo Nghị định, văn phòng luật sư Đăng Minh xin góp ý một số vấn đề sau:

            1/- Bỏ đoạn 2 của K1 - điều 6 vì ở đoạn 1 đã quy định “Giấy phép kinh doanh có hiệu lực từ khi được quy định tại luật, pháp lệnh hoặc Nghị dịnh”. Chúng ta đã biết thẩm quyền ban hành Luật là Quốc hội, Pháp lệnh là UBTVQH còn Nghị định thuộc về Chính phủ. Do đó không cần thiết phải nhắc lại ý trên ở đoạn 2 vì nếu như trong luật, nghị định, pháp lệnh không quy định phải có giấy phép thì không một cơ quan nào có quyền yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh phải xin giấy phép.

            2/ Đoạn 2 khoản 4 điều 6 cần được sửa đổi và bổ sung như sau: “Trong trường hợp từ chối cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đưa ra được lý do bằng văn bản. Người bị từ chối cấp giấy phép có quyền khiếu nại về lý do bị từ chối”

            Các lý do từ chối do cơ quan cấp Giấy phép đưa cần phải được xem xét lại trước khi kết luận lý do đó có hợp pháp hay không. Xuất phát từ đó cần phải quy định cho người hoặc tổ chức bị từ chối cấp có quyền được khiếu nại lý do đó. Trên cơ sở đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đánh giá tính hợp pháp của lý do từ chối do cơ quan cấp giấy phép đưa ra.

            3/ Chúng tôi không nhất trí với tinh thần của Nghị định là thành lập Hội đồng quốc gia về giấy phép kinh doanh vì:

            + Thứ nhất: Việc thẩm định các quy định về giấy phép kinh doanh là trùng lặp với chức năng của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Nếu so sánh cụ thể chức năng của 3 cơ quan này, và xem tờ trình xây dựng Nghị định thì thấy chức năng của Hội đồng thẩm định không có gì đáng kể so với thẩm định của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp.

            + Thứ hai: Thực tế các ngành nghề cần quản lý bằng Giấy phép hiện nay là rất lớn, nó thuộc về nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Do đó chỉ với 20 người (bao gồm cả bộ máy quản lý và các chuyên gia) thì không thể có đủ năng lực cũng như khả năng chuyên môn để thẩm định ở các lĩnh vực đa dạng khác nhau. Nếu như xây dựng hệ thống cơ quan này nhiều người hơn để có đủ chuyên gia ở tất cả cả các lĩnh vực thì lại trái với tinh thần cải cách hành chính hiện nay của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa trước khi một loại giấy phép nào đó được đưa ra thực tế thì nó cũng đã được Bộ Tư pháp và Văn phòng chính phủ thẩm định.

Các văn bản liên quan