Góp ý của văn phòng luật sư Công Minh, Hải Phòng

Thứ Năm 09:34 07-09-2006

           Văn phòng luật sư Công Minh là Hội viên thông tấn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được Công văn số 231/CNHP-SMEPC ngày 03/08/2006  mời tham dự hội thảo “lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định về quản lý hệ thống Giấy phép kinh doanh”

            Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định, chúng tôi có ý kiến như sau:

            1. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí về việc ban hành Nghị định về quản lý Nhà nước đối với hệ thống giấy phép kinh doanh. Bởi Giấy phép kinh doanh là một trong số các công cụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó hình thành cơ chế hợp lý giám sát đối với việc soạn thảo, rà soát, đánh giá bổ sung, sửa đổi và thực thi các quy định về giấy phép kinh doanh.

            2. Về bố cục Nghị định: Chúng tôi đồng ý với bố cục gồm 5 chương, 28 ĐIều, chúng tôi đánh giá cao việc soạn thảo và ban hành Nghị định này, nhất trí với nội dung dự thảo nên giữ nguyên bố cục này.

            Chúng tôi nghiêng về quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thuận với ý kiến cho rằng: Giấy phép kinh doanh có tính “đặc thù” riêng: Bởi: Giấy phép kinh doanh là một trong các công cụ quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, thực chất đây là văn bản quy phạm pháp luật trao quyền cho cơ quan Nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực nhất định.

          Để đảm bảo sự can thiệp của cơ quan Nhà nước một cách hợp lý thì việc soạn thảo, ban hành, rà soát, bổ sung, sửa đổi và thực thi các quy định về Giấy phép kinh doanh cần phải có sự giám sát của một cơ quan độc lập và chuyên nghiệp. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Nghị định hướng dẫn thi hành chưa chuyên sâu, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập WTO.

            3. Về sửa chữ, hành văn trong Nghị định:

            + Tại Khoản 4 Điều 10 cần sửa lỗi chính tả: Thực hiện rà soát quy định về một, một số hoặc tất cả các giấy phép kinh doanh, khi xét thấy cần thiết, hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên có liên quan. Cần sửa là tất cả

            + Điều 12 Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng, Khoản 2 quy định: “ Điều lệ hoạt động cụ thể của Hội đồng được thông qua tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng và được Thủ tướng Chính phủ ban hành”. Nên bỏ cụm từ “cụ thể” mà chỉ cần: “điều lệ hoạt động của Hội đồng được thông qua tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng và được Thủ tướng Chính phủ ban hành” là đủ; Bởi thực chất Điều lệ hoạt động bao giờ cũng cụ thể, không cần thiết nói đến từ này.

            + Điều 13: Ban thư ký của Hội đồng, Khoản 2 Điểm e quy định: “Cung cấp phương tiện và dịch vụ hậu cần phục vụ cho các cuộc họp và các hoạt đọng khác nhau của Hội đồng”. Không nên dùng hai liên từ và trong cùng một câu, nên bỏ từ và liên từ đầu thay vào đó là dấu phẩy vẫn đảm bảo đủ nghĩa, dễ hiểu: ”Cung cấp phương tiện, dịch vụ hậu cần phục vụ các cuộc họp và các hoạt động khác nhau của Hội đồng”.

            + Điều 16: Nội dung cơ bản của quy định về Giấy phép kinh doanh, Khoản 1 Điểm m, quy định: “Cơ chế” khiếu nại hoạc khởi kiện hành chính trong trường hợp bị từ chối hoặc kéo dài thời hạn cấp Giấy phép kinh doanh vượt quá thời hạn quy định của pháp luật”. Nên thay từ “Cơ chế” bằng từ “Thủ tục” hợp lý và đúng luật hơn: bởi đây là thủ tục quy định về trình tự thủ tục khiếu nại hoặc khởi kiện trong lĩnh vực cấp Giấy phép kinh doanh, xin hiệu chỉnh lại là: “Thủ tục khiếu nại hoặc khỏi kiện hành chính trong trường hợp bị từ chối hoặc kéo dài thời hạn cấp Giấy phép kinh doanh vượt quá thời hạn quy định của pháp luật”.

            Trên đây là một số ý kiến của Văn phòng luật sư Công Minh gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phục vụ cho hội thảo.

Các văn bản liên quan