Góp ý của ĐBQH Danh Út – Kiên Giang

Thứ Hai 15:36 05-11-2007
Kính thưa Quốc hội.

Đoàn Kiên Giang đăng ký hai người, Nguyễn Văn Luật và Danh Út, đồng chí Luật bận công tác, đoàn cử tôi, tôi xin phát biểu.
Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản tôi nhất trí với nội dung báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin phát biểu một số vấn đề trong dự thảo luật mà bản thân quan tâm.

Thứ nhất, về quy định tại Điều 20, giảm trừ gia cảnh. Quy định tại Khoản 1, Điều 20, mức giảm trừ gia cảnh, tôi thấy chưa thực tế . Dự thảo quy định 4 triệu cho cá nhân đối tượng nộp và người phụ thuộc 1,6 triệu. Tôi thấy nền kinh tế nước ta luôn phát triển và giá cả cũng luôn tăng. Tôi đề nghị khoản giảm trừ gia cảnh nên tăng lên của người nộp là 5 triệu và người phụ thuộc 2 triệu, như vậy mới thực tế hơn.

Về người phụ thuộc quy định tại Khoản 3, Điều 20, xác định mức giảm trừ gia cảnh còn một số vấn đề cần được quan tâm như sau:

Thứ nhất, các đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 20 và dự thảo Nghị định của Chính phủ tôi thấy chưa đầy đủ. Thứ hai, điều luật giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định những người mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng khác. Nhưng nghiên cứu dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, cụ thể tại Khoản 3, Điều 9 quy định về người phụ thuộc thì hầu như nhắc lại các Điểm a, b, c Khoản 3 trong Điều 20 Dự thảo luật. Chỉ có một điểm mới là Điểm đ với nội dung: ông, bà, cô, dì, chú, bác, cháu không nơi nương tựa, không có thu nhập mà đối tượng nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng. Dự thảo nghị định về vấn đề này chưa đạt được yêu cầu đặt ra trong thực tế. Dư luận xã hội rất quan tâm đến các đối tượng là người phụ thuộc. Đòi hỏi trong dự thảo luật và Nghị định của Chính phủ phải có những quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hạn chế tiêu cực.

Trên cơ sở các nguyên tắc của Bộ Luật dân sự và Luật Hôn nhân, gia đình và trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng và nguyên tắc xác định thu nhập chịu thuế của dự thảo luật này, tôi xin kiến nghị:

Nên sửa lại Khoản 3, Điều 20 dự thảo như sau: "người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng bao gồm: con, vợ, chồng, cha, mẹ" như dự thảo luật thì tôi đồng ý, nhưng có ý kiến thêm về người phụ thuộc cần đưa vào luật  hoặc Nghị định của Chính phủ có 4 đối tượng mới cần quan tâm.

Một, vợ, chồng sau khi ly hôn đang được bên kia: chồng hoặc vợ, trước khi ly hôn là đối tượng nộp thuế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Hai, em, anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi dưỡng mình và anh chị đã thành niên chung sống với anh chị em cần được giảm trừ gia cảnh.

Thứ ba, ông, bà nội, ông, bà ngoại nói chung trong gia đình không có khả năng lao động, không có tài sản mà trực tiếp đối tượng nộp thuế nuôi dưỡng cũng nên quan tâm vấn đề giảm trừ gia cảnh.

Thứ tư, người được đối tượng nộp thuế cấp dưỡng theo bản án quyết định có hiệu lực của pháp luật, của Tòa án cần được tính trong giảm trừ gia cảnh.

Vấn đề thứ hai, về nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng của đối tượng nộp thuế không tồn tại vĩnh viễn mà có thời hạn. Do đó, đề nghị xem xét, bổ sung quy định khoản mới, tức là Khoản 4 vào Điều 20 Dự thảo luật như sau: đối tượng nộp thuế không được hưởng giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc khi nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người phụ thuộc đã chấm dứt. Tôi xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan