Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Ngân – Hải Dương

Thứ Hai 15:20 05-11-2007

Kính thưa Chủ toạ kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội, tôi tham gia một số ý kiến về Luật thuế thu nhập cá nhân. Tôi cho rằng dự luật này đã được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và lần này Ban soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến trình ra Quốc hội. Tôi rất nhất trí về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cũng như hiệu lực của luật thuế được thực hiện từ ngày 1/1/2009  như đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tôi xin được báo cáo với Quốc hội.

Thứ nhất, về giảm trừ gia cảnh. Theo quan điểm của tôi, tôi nhất trí việc chúng ta thực hiện mức miễn, trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, thay vì chúng ta áp dụng mức khởi điểm trên 5 triệu đồng như hiện nay chúng ta đang thực hiện. Vì như vậy đảm bảo tính công bằng hơn, có xét đến điều kiện cụ thể của người lao động có thu nhập chịu thuế. Hiện nay ý kiến khác nhau, người có thu nhập cao cho rằng mức giảm trừ gia cảnh này là thấp, còn người có thu nhập thấp cho rằng mức giảm trừ như thế là cao, số tiền 4 triệu đồng/1tháng như trong dự luật cao hơn đó hay thấp hơn đó như những ý kiến khác nhau đó.

Qua số liệu của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cung cấp, tôi thấy thu nhập GDP của chúng ta thấp hơn các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, nhưng mức giảm trừ gia cảnh của chúng ta hiện nay là cao nhất. Tất nhiên có ý kiến đại biểu cho rằng có xem xét điều kiện an sinh xã hội ở chỗ này.

Tôi cho rằng đến năm 2009 theo dự báo, nếu Quốc hội đồng ý cho luật này thực hiện từ năm 2009 thì lúc đó dự báo thu nhập đầu người của chúng ta khoảng 1.100 đôla, bình quân khoảng 1,5 triệu/người/tháng. Như vậy nếu như giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/người và phụ thuộc là 1,6 triệu thì vừa phải, thậm chí quá thấp so với những người có thu nhập cao. Nhưng nó lại là cao so với đa số nhân dân Việt Nam vào thời điểm đó thu nhập chỉ 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu chúng ta phân tích thấp hay cao chúng ta tính tới năm 2009 bình quân người dân Việt Nam cũng chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng thì đa số nhân dân Việt Nam không ai phải nộp thuế này, chỉ một bộ phận ít người có thu nhập cao mới nộp. Tôi cho rằng mức như dự luật đề ra là phù hợp.

Vấn đề thứ hai, có miễn thuế cổ tức cho người lao động là cổ đông được mua cổ phần ưu đãi trong doanh nghiệp Nhà nước hay không? Những doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá theo quan điểm của tôi thống nhất với các đại biểu đã phát biểu trước. Theo tôi không nên miễn thuế cho đối tượng này, vì sẽ không công bằng đối với các lao động ở doanh nghiệp khác, không công bằng ngay cả với những cổ đông tại doanh nghiệp này, tôi chưa nói chúng ta vi phạm cam kết của tổ chức WTO. Hơn nữa sẽ bất bình đẳng với những người lao động là công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang đang làm việc ở các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng là phục vụ cho Nhà nước, nhưng không được hưởng cổ phần ưu đãi, mà tất cả lợi tức này có được từ nguồn vốn tài sản đất đai của Nhà nước giao cho doanh nghiệp Nhà nước chứ không phải bản thân tự có. Do đó tôi đề nghị phải thu khoản này.

Trong bản giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nêu, chúng ta đưa khoản này vào miễn thuế nhằm gắn bó người lao động với doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm đối với người lao động. Tôi cho đó là quan điểm rất đúng đối với chế độ ta, tuy nhiên trong thực tế, báo cáo với Quốc hội có bao nhiêu người lao động có khả năng mua hết số cổ phần ưu đãi và người ta sẽ bán ngay, bán lúa non cổ phần ưu đãi mà người ta mua được để mong thu được khoản chênh lệch kha khá đảm bảo cuộc sống. Như thế vô hình chung chúng ta đưa ra diện này vào miễn thuế, chúng ta lại miễn thuế cho những người có tiền mua gom hết cổ phần ưu đãi của người lao động. Vì thế tôi đề nghị Quốc hội nên cân nhắc việc này, theo tôi để cho công bằng, bình đẳng xã hội và để chúng ta thực hiện cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới, đưa diện này vào thu thuế.

Một vấn đề nữa đó là khoản tiền lương làm đêm, làm thêm giờ, hiện nay theo pháp luật về thuế thu nhập cao hiện hành, chúng ta đang thu khoản này nhưng mà hiện nay theo dự luật mới thì chúng ta đưa khoản này ra khỏi diện nộp thuế. Tôi cũng nghiên cứu và xin Quốc hội cân nhắc với lý do hiện nay Bộ Luật lao động chúng ta quy định là không khuyến khích làm thêm giờ, mà cố gắng tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong giờ. Trong trường hợp cần phải làm thêm giờ thì một năm cũng không làm quá 200 giờ và nếu như có làm việc ba ca thì người làm việc ca đêm được luân phiên với nhau, làm ban đêm thì được nghỉ ban ngày. Tiền làm thêm giờ hay làm ban đêm thường cao hơn tiền làm ban ngày và làm trong giờ. Theo quy định của luật tiền làm thêm giờ cao gấp 1,5 - 3lần so với làm việc trong giờ và cũng được gọi là tiền lương và tiền công. Như thế tôi cũng đề nghị nên áp dụng như chúng ta đang áp dụng theo luật thuế hiện hành, tức là cũng nên cân nhắc đưa khoản này vào diện nộp thuế. Vì nó sẽ không tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp khi người ta hạch toán làm trong giờ, ngoài giờ, làm ca 1, ca 2, ca 3, như thế nó cũng phù hợp với Luật lao động và cũng bình đẳng và đa số những người lao động thu nhập thấp cũng không phải nộp khoản thuế này.

Một ý kiến nữa, không có ý kiến khác nhau nhiều lắm nhưng tôi xin phân tích để Quốc hội biết, hiện nay chúng ta không đưa tiền lương hưu vào diện nộp thuế, như thế rất đúng và phù hợp với Luật bảo hiểm xã hội. Đa số người Việt Nam, công chức viên chức làm việc về hưu cũng không thuộc diện nộp thuế nếu chúng ta đưa vào thu thuế. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân tích thêm chỗ này, trong những người hưởng lương hưu hiện nay cũng có một bộ phận không nhiều, tức là rất cao nằm trong diện chịu thuế đó là những người làm việc trong các tổ chức Quốc tế, làm việc tại các xí nghiệp liên doanh hưởng lương rất cao và khi về hưu thì thu nhập của người ta cũng đến mức chịu thuế. Tuy nhiên để thống nhất chính sách thuế, tôi cũng thống nhất không đưa diện này vào diện chịu thuế, thực ra số này không cao và cũng thể hiện trong một chính sách thuế nhất quán. Xin cám ơn

Các văn bản liên quan