Góp ý của ĐBQH Nguyễn Đức Kiên – Sóc Trăng

Thứ Hai 15:21 05-11-2007

Kính thưa Quốc hội.

Về dự án Luật thuế thu nhập cá nhân trước hết tôi xin bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết phải ban hành luật này trong việc quản lý và vận hành nền kinh tế của đất nước. Ở đây căn cứ theo gợi ý của Đoàn chủ tịch và Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi xin được phát biểu một số vấn đề:

Thứ nhất, tôi hoàn toàn tán thành với mục tiêu cần thiết ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân trong đó nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vì Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho công dân được hưởng các quyền được học tập và chăm sóc sức khỏe, an ninh cộng đồng, cho nên phải có những chi phí để thực hiện và công dân phải có trách nhiệm để đóng góp đảm bảo cho hoạt động này. Vì vậy quan điểm của tôi là khi có các vấn đề về xung đột lợi ích giữa bên nộp thuế và bên thu thuế, tức là Nhà nước thì luật cũng cần phải xử lý theo hướng ưu tiên Nhà nước là ưu tiên cho xã hội. Nhưng luật cũng không được mang tính tận thu và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người nộp thuế. Căn cứ từ vấn đề này thì chúng tôi sẽ lần lượt phát biểu thêm các điều cụ thể trong luật.

Về đảm bảo công bằng thì chúng tôi nhận thức được như trích nghị quyết ở trong đây, thì có nói là đảm bảo mọi đối tượng chịu thuế phải công bằng xã hội và tạo động lực phát triển. Như vậy thì chúng tôi nhận thức để đảm bảo công bằng là bao gồm 2 lĩnh vực là công bằng giữa những người nộp thuế với nhau và công bằng giữa người nộp thuế và người sử dụng tiền thuế.
Thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế trực thu, áp dụng cho mọi cá nhân có thu nhập trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và thực hiện theo nguyên tắc là người có thu nhập thấp thì nộp thấp, người có thu nhập cao thì nộp cao theo hướng phần có thu nhập của người có thu nhập cao bằng phần thu nhập của người có thu nhập thấp thì được nộp thuế như nhau. Vì vậy, chúng tôi bày tỏ quan điểm là đối với phần cổ tức từ  cổ phần ưu đãi trong các doanh nghiệp Nhà nước thì cần phải nộp thuế. Nếu chúng ta nhìn lại quá trình tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của chúng ta từ năm 1993 đến đây và theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, Khóa IX và Hội nghị Trung ương 9, Khóa IX về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì chúng ta thấy nếu chúng ta không thu thuế thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ những người làm công, những người tham gia từ trước đến nay trong hệ thống chính quyền và hệ thống cách doanh nghiệp của Nhà nước.

Đối với những người đấy thì nếu làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước mà được cổ phần hóa thì đã được Nhà nước ưu đãi một lần. Đối với những cán bộ làm trong cơ quan hành chính sự nghiệp, trong các doanh nghiệp mà hiện nay Nhà nước quy định là không được cổ phần hoá, Nhà nước giữ 100% vốn thì lại không được hưởng lợi từ khoản đó. Vì vậy, tôi chia sẻ nhiều ý kiến các đại biểu phát biểu trước tôi là đối với khoản này cần phải nộp thuế. Vì mỗi một người công dân ở đất nước chúng ta cũng chỉ được ưu đãi đến một lần chứ không thể ưu đãi đến lần thứ hai.

Về vấn đề thứ hai, sự công bằng giữa người nộp thuế và người sử dụng thuế. Tôi đồng tình với soạn thảo của luật là mở rộng diện cá nhân phải nộp thuế và hạ thuế suất ở những mức thu nhập khởi điểm đóng thuế. Cũng nên xác định rõ như trong chiến lược cải cách tiền thuế đến năm 2010 đã nêu rõ: Cần sớm xác định các  bước đi thích hợp để tăng tỷ trọng nguồn thu trong nước cho phù hợp.

Ở đây tôi nhận thức bước đi phù hợp là như thế nào? Bước đi phù hợp ở đây tôi nhận thức được là bên cạnh việc mở rộng diện thu thuế và tăng nguồn thu từ nội địa bằng nguồn thuế trực thu thuế thu nhập cá nhân thì chúng ta cũng cần phải có những lộ trình để cho mọi người được hưởng các thành quả trực tiếp từ việc sử dụng tiền thuế đấy.

Tôi đề nghị cần sớm có lộ trình để xây dựng luật và xây dựng những chính sách để đảm bảo cho đa phần những người dân được hưởng phúc lợi từ việc đóng thuế. Chứ bản thân tôi qua thảo luận trong hội trường thì chúng tôi cũng thấy băn khoăn vì việc chúng ta liên tục thảo luận vấn đề xã hội hoá, vấn đề đóng góp trong giáo dục, đóng góp trong  y tế, như vậy sẽ rất có nhiều tác dụng ngược trong việc chúng ta đặt vấn đề thu thuế.

Ở đây xin góp ý một chút, cũng như đại biểu của Vĩnh Long có nói, chúng ta trong quá trình sử dụng kinh nghiệm quốc tế thì chúng ta đưa ra là hơn 180 nước đang sử dụng hệ thống thuế này, con số này là con số rất ấn tượng và theo tôi nghĩ là có tính thuyết phục cao. Nhưng tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo khi sử dụng kinh nghiệm, tài liệu nước ngoài nên cung cấp đầy đủ hơn, một bức tranh toàn cảnh hơn cho các đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ bức tranh đó đã được trao cho các đại biểu Quốc hội Khoá XI, còn đến đại biểu Quốc hội Khoá XII này thì đã mặc nhiên chúng ta coi là những vấn đề đã rồi, cho nên có những vấn đề làm cho các đại biểu khó khăn hơn. Cá nhân tôi tin  rằng cũng như nhiều các đại biểu khác, nếu được cung cấp đầy đủ thông tin thì chúng tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu thông qua cũng như giải thích cho cử tri khi biết được lộ trình thực hiện luật và tình hình thực hiện luật của các nước như thế nào. Bây giờ chúng ta chỉ trích theo quan điểm của người soạn thảo luật thì sẽ rất khó.

Về tính khả thi của luật, tôi không băn khoăn về thời điểm mà tôi băn khoăn về việc kết cấu luật. Luật của chúng ta tôi đọc, nghiên cứu thì thấy luật của chúng ta không rõ là luật khung hay luật gì. Luật quy định có 36 điều, trong đó 10 điều phải chờ Nghị định của Chính phủ nhưng khi đọc Nghị định của Chính phủ thì Nghị định của Chính phủ có 82 điều. Như vậy một nghị định lại lớn hơn luật, điều đó người dân, cử tri người ta sẽ nhìn thấy trách nhiệm làm luật của Quốc hội chúng ta hơi xuê xoa, không làm được chúng ta đẩy sang cho Chính phủ. Điều cần phải cân nhắc nhất là khi đọc, nghiên cứu Nghị định của Chính phủ, trong Nghị định của Chính phủ lại có tới 12 điều giao cho Bộ Tài chính tiếp tục hướng dẫn. Như vậy trong kỳ này Quốc hội chúng ta sẽ thảo luận và thông qua một luật, nhưng chúng ta cũng không biết luật đấy bao giờ sẽ được thực hiện và thực hiện như thế nào? Bởi vì tình trạng luật thì thoáng, các Nghị định, các Thông tư hướng dẫn vẫn gây khó khăn như cử tri phản ánh trong diễn đàn Quốc hội nhiều năm nay.

Nếu chúng ta thông qua luật như thế này thì nó lại tiếp tục xảy ra. Cá nhân tôi đề nghị những điều nào trong Nghị định có thể đưa vào luật, đề nghị Ban soạn thảo cũng cân nhắc, chúng ta thảo luận đưa luôn, để làm sao Nghị định hướng dẫn nó nhỏ hơn luật là cái thứ nhất. Thứ hai, đây là một Bộ luật rất quan trọng, nếu sau này, khi xét xử vi phạm luật thì khó có thể đưa ra Toà để xét xử là vi phạm Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, về mặt luật pháp nghe nó khó, mà trong quy định sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sắp tới đây, chúng ta cũng quy định chức năng của các Bộ cũng hạn chế dần việc ban hành như thế.
Tôi xin thêm một vấn đề nhỏ về tính công bằng trong luật. Ở đây chúng ta quy định kiều hối gửi về không bị đánh thuế, nhưng các khoản khác đầu tư trong bất động sản lại bị đánh thuế. Chúng tôi thấy ở đây có sự không công bằng, bởi vì có hai gia đình như nhau mà một gia đình có con ở nước ngoài gửi tiền về cho bố, mẹ, anh, em đầu tư ở trong nước thì được miễn thuế khoản vốn đầu tư đấy. Nhưng nếu một gia đình ở Việt Nam có đất, bán đất đi thì chúng ta lại phải chịu thuế của tiền chuyển nhượng bất động sản đấy rồi tiền đấy mới được đem vào đầu tư. Như vậy về mặt công bằng của những người nộp thuế tôi thấy ở đây chưa công bằng.

Ví dụ, Điều 15 này quy định là "Chính phủ xác định nguyên tắc và phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản trong trường hợp không xác định được giá hoặc giá ghi trên hợp đồng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố công bố". Như vậy, cách ghi ngược như thế làm người ta đọc, người ta hiểu ngay là bản thân ngay từ đầu chúng ta đã nghi ngờ hợp đồng dân sự, hợp đồng bán nhà, chuyển nhượng đất của các công dân đem ra nộp thuế là bất hợp pháp và chúng ta không tin tưởng họ, mà chúng ta phải bảo là "ông phải tính theo thuế của tôi, ông phải nộp theo tôi mới đúng. Tôi luôn luôn là đúng, còn các ông có thể là các ông gian lận". Nếu mà đặt vấn đề ngay từ đầu đối với dân như thế chắc là khó. Như vậy, ngay từ ban đầu chúng ta đã không bày tỏ sự tin tưởng của cơ quan thực hiện pháp luật đối với người mong muốn được thực hiện pháp luật. Xin có một số ý kiến báo cáo Quốc hội. Xin cám ơn

Các văn bản liên quan