Góp ý của ĐBQH Đỗ Căn – TP Hà Nội

Thứ Hai 15:18 05-11-2007

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi cơ bản nhất trí với tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như đại biểu Quốc hội chúng ta đã biết, trong chương trình của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khoá XII chúng ta thông qua 7 dự án luật. Trong 7 dự án luật thì Luật thuế thu nhập cá nhân là luật hết sức quan trọng, được đông đảo nhân dân và cử tri của cả nước hết sức quan tâm. Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và các địa phương rất tích cực, tuyên truyền, rất sâu rộng trong suốt thời gian vừa qua. Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XII tiếp tục tiếp thu, sửa chữa, chỉnh lý một số nội dung hết sức thiết thực. Trên cơ sở thực tiễn và gợi ý của Đoàn Thư ký kỳ họp, tôi xin phép tham gia một số vấn đề cụ thể như sau.

Vấn đề thứ nhất, có cần thiết phải ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân không? Theo tôi việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân rất cần thiết, nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về lĩnh vực tài chính. Ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm thực hiện công bằng xã hội, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thu nhập và điều tiết phân phối lại thu nhập. Thu hẹp sự bất hợp lý, sự chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân góp phần cải thiện hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân nhằm góp phần ổn định nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
Vấn đề thứ hai, về tên gọi của luật. Tôi đồng tình như dự thảo của Luật thuế thu nhập cá nhân, vì tên luật như vậy là phù hợp với nội dung và bản chất của luật. Điều chỉnh kiểm soát các loại thu nhập cá nhân phù hợp với xu hướng phát triển của nước ta cũng như thông lệ của quốc tế.

Vấn đề thứ ba, về đối tượng nộp thuế. Xin đề nghị điều chỉnh thu nhập chịu thuế, cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến phát biểu. Đề nghị Quốc hội bổ sung xem xét chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, vì kinh doanh tư nhân cũng đảm bảo điều kiện về qui mô sản xuất kinh doanh, về vốn, về lao động và đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp. Cho nên để bình đẳng với các doanh nghiệp khác, thì doanh nghiệp tư nhân cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Phần thu nhập còn lại thực chất là do lao động và đầu tư vốn trực tiếp của chủ doanh nghiệp để bình đẳng với các cổ đông trong các doanh nghiệp cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, thì chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Vấn đề thứ tư, về thu nhập chịu thuế. Thời gian làm việc thêm giờ, phụ cấp ba ca, tôi nhất trí không thuộc thu nhập chịu thuế như trong dự thảo của luật đã quy định. Bởi vì thực tế Luật Lao động của nước ta không quy định phụ cấp làm thêm 3 ca, mà quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm được trả cao hơn lương làm việc vào ban ngày. Đây cũng là điều kiện để khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tạo thêm sản phẩm cho xã hội. Do vậy không đưa vào diện thu nhập chịu thuế.

Thứ hai là có đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lợi tức cổ phần không, thì một số đại biểu đã phát biểu. Tôi xin làm rõ thêm. Theo quan điểm của tôi thì lợi tức cổ phần cũng phải thuộc diện đánh thuế thu nhập cá nhân, vì thu thuế cổ tức không phải là đánh thuế hai lần và đây là hai chủ thể khác nhau, hai loại thu nhập khác nhau. Thuế thu nhập doanh nghiệp điều tiết vào thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, còn thuế thu nhập đối với cổ tức, điều tiết thu nhập của cá nhân có được từ đầu tư vốn. Qua tìm hiểu thực tế của các nước trên thế giới cũng đã thu thế thu nhập cá nhân đối với cổ tức.

Thứ ba là có đánh thuế đối với cổ phần ưu đãi mà người lao động trong doanh nghiệp được mua không? Một số đại biểu Quốc hội đã có bàn về vấn đề này. Chúng tôi cũng xin làm rõ thêm. Theo tôi thì cũng phải đánh thuế đối với cổ phần ưu đãi mà người lao động trong doanh nghiệp được mua, bởi vì bản thân người lao động là cổ đông của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và bản thân người lao động đã được ưu đãi hơn so với các cổ đồng bên ngoài, do được mua cổ phiếu với mức giá thấp hơn. Về bản chất cổ phần của người lao động cũng là khoản vốn do người lao động đầu tư vào doanh nghiệp, nên cổ tức nhận được cũng phải được tính nộp thuế cũng như các nhà đầu tư khác bên ngoài doanh nghiệp. Mặt khác, nếu chỉ đánh thuế đối với cổ đông ngoài công ty dẫn tới trường hợp cổ đông bên ngoài sẽ đầu tư cổ phiếu qua người lao động công ty để lách luật, trốn thuế.
Do vậy đề nghị chuyển mục cổ phần ưu đãi mà người lao động trong doanh nghiệp được mua từ Điều 5 về Thu nhập miễn thuế sang Điều 3 là đối tượng chịu thuế.

Vấn đề thứ năm là giảm trừ gia cảnh. Về nguyên tắc, mọi cá nhân có thu nhập đều có nghĩa vụ đóng góp thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, trong tình hình điều kiện kinh tế, xã hội, về phong tục tập quán, về điều kiện sống và mức sống của người dân, về khả năng nộp thuế của người dân, đề nghị thuế thu nhập cá nhân không áp dụng thu thuế ngay từ đồng thu nhập đầu tiên như Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Thứ hai, về mức giảm trừ gia cảnh, Dự thảo luật  quy định đối với cá nhân đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/ tháng, và đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/ tháng. Trong Dự thảo luật quy định một con số cố định như vậy là chưa hợp lý với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Đặc biệt là giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua thường xuyên biến động và  lộ trình tăng lương mà Chính phủ tiếp tục thực hiện ở các năm tới. Do vậy, tôi đề nghị quy định một mức trung bình cho cả hai đối tượng tính theo số lần mức tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Cụ thể là: đối với cá nhân đối tượng nộp thuế là 10 lần tiền lương tối thiểu, đối với mỗi người phụ thuộc là 4 lần tiền lương tối thiểu. Đây là mức trung bình cho các đối tượng. Để sát với thực tiễn, đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể cho hai đối tượng ở từng vùng, từng miền, giữa khu vực nông thôn với thành thị,  để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng vùng. Quy định như vậy thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ không phải sửa luật, để đảm bảo lâu dài và tính khả thi của luật được thực hiện cao hơn.

Thứ ba, về nguyên tắc xác định giảm trừ gia cảnh, đối với người phụ thuộc, chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế. Nếu không quy định chặt chẽ dễ xảy ra hiện tượng là một người phụ thuộc mà mấy người nộp thuế đều được giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ tối đa đối với người phụ thuộc, không nên khống chế tối đa với người phụ thuộc, vì quan hệ của người nộp thuế và người phụ thuộc là đa dạng, đan xen nhau, đồng thời phải tính tới đạo lý và truyền thống của dân tộc ta. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết đối với đối tượng phụ thuộc và thủ tục xác nhận người phụ thuộc để tránh việc lợi dụng vấn đề mà nảy sinh tiêu cực.

Vấn đề thứ sáu về hiệu lực thi hành, như dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Tuy còn một chút băn khoăn về thời điểm thực hiện của Luật thuế thu nhập cá nhân, song căn cứ vào tình hình thực tế, trên cơ sở thừa kế các quy định hiện hành, như thực tế Luật quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 và Pháp lệnh thuế thu nhập cao mà chúng ta đang áp dụng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chúng ta cũng đang thực hiện, cơ quan thuế đã mã số thuế cho cá nhân nộp thuế thu nhập cao. Chính phủ cũng đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chiến lược cải cách hiện đại hoá ngành thuế. Đồng thời đang triển khai Đề án không dùng tiền mặt, triển khai đề án quản lý thị trường chứng khoán phi tập trung, thúc đẩy trung tâm đăng ký bất động sản v.v.....

Quốc hội thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân được áp dụng vào ngày 1/1/2009 thì việc kê khai và quyết toán thuế sẽ được thực hiện vào quý I/2010. Do đó cơ quan thuế của chúng ta có 2 năm để chuẩn bị triển khai và thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp và cơ chế trên, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý thu nhập với các căn cứ đó là hoàn toàn có cơ sở để thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực vào thời điểm ngày 1/1/2009. Xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan