Góp ý của ĐBQH Trần Văn Kiệt – Vĩnh Long

Thứ Hai 14:24 05-11-2007

Kính thưa Quốc hội.

Trên cơ bản, tôi thống nhất với Dự thảo dự án Luật thuế thu nhập cá nhân và tiếp thu chính lý, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tôi xin tham gia phát biểu một số vấn đề mà bản thân tôi quan tâm.

Quốc hội cũng biết là luật thu nhập cá nhân đúng là một  lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với xã hội, được nhiều người trong xã hội quan tâm. Mặc dù luật khi có hiệu lực thì số người tham gia lĩnh vực này rất ít. Nhưng tôi tin rằng, tình hình kinh tế xã hội phát triển, đời sống nhân dân đi lên, thì những năm sau số người tham gia chịu thuế không phải là nhỏ, nó tạo nên nguồn thu nhập cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng yêu cầu để phát triển kinh tế xã hội.

Đi vào những vấn đề cụ thể, những vấn đề đáng quan tâm hiện nay thì cũng báo với Quốc hội là luật này đã được Quốc hội Khóa XI cho ý kiến, nhưng còn nhiều điều khoản mà sự điều chỉnh của Ban Soạn thảo quá chậm, tiếp thu nhiều vấn đề còn hạn chế. Do đó, chúng tôi vẫn tiếp tục phát biểu nữa.

Các lĩnh vực ở Điều 2, 3, 4, 5, 6 thì theo quy định đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, miễn thuế, giảm thuế thì đúng nhưng quy định như thế thì chi tiết quá. Nếu cái gì đã chi tiết quá thì thiếu hoặc thừa. Luật đã quy định đối tượng nào phải chịu thuế, còn luật không quy định, thì coi như họ không phải chịu thuế. Đã chịu thuế rồi thì không quy định loại không chịu thuế, làm chi tiết quá thì luật chúng ta còn nhiều kẽ hở, nhiều sai xót. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét vấn đề này, tôi đề nghị có thể bỏ bớt đối tượng không chịu thuế để cho nó phù hợp. Nếu không khéo thì luật như một bản kê thì không hay lắm.

Vấn đề thứ ba, Luật thuế thu nhập cá nhân, chỉ có 5 chương, 36 điều. Qua xem xét trong đó có trên dưới 10 điều giao Chính phủ hướng dẫn. Nếu tính tỷ lệ, trên dưới 60% là trách nhiệm Quốc hội, còn trên dưới 30% thì giao Chính phủ. Tôi không hiểu, bởi vì Quốc hội cũng góp nhiều vấn đề này, luật cần rõ, chi tiết, cụ thể, khi luật có hiệu lực có thể thi hành được. Luật này có hiệu lực cũng khó thi hành, nếu Chính phủ chậm hướng dẫn như những luật trước đây, đúng là một vấn đề vô cùng khó. Do đó tôi không hiểu tại sao giao cho Chính phủ nhiều quá? Có phải là một gánh nặng cho Chính phủ không? Hay tại vì lý do cái đó Quốc hội bế tắc, không có cách hoặc không có sự thống nhất, từ đó mới giao lại cho Chính phủ. Vấn đề đó tôi đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo xem xét, giao quá lớn có phải do năng lực, trình độ của Quốc hội không? Hay do giữa Quốc hội và Chính phủ chưa thống nhất, mà những điều khoản đó phải giao Chính phủ. Làm cho luật khi ra đời phải chờ, chờ mãi, nếu Chính phủ kịp thời thì càng tốt, nếu không luật phải nằm trong tủ. Vấn đề đó tôi đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo xem xét lại.

Thứ tư, Điều 20 quy định về giảm trừ gia cảnh thì điều này đại biểu phát biểu rồi và so sánh rồi, so sánh với một số nước. Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng gửi nhiều văn bản đến đại biểu Quốc hội so sánh với một số nước khu vực và ở trên thế giới, gửi tư liệu, thông tin đó càng tốt, nhưng phải xem xét lại là chính sách an sinh xã hội của nơi đó như thế nào, chứ không phải xem ho thấp hơn ta thì ta ngon, mà chính sách an sinh ở nơi đó như thế nào để chúng ta mới đem so sánh, nếu an sinh họ được cấp nhà, cấp đất, tạo mọi điều kiện cho thành viên xã hội sống, thì thu nhập ở mức độ đó cũng được.

Thứ hai, chỉ giá tiêu dùng của họ hàng năm phải tăng bao nhiêu, nếu tăng 7-8% như nước ta thì thôi 1,6 triệu, 4 triệu đó lộ trình đến năm 2009 đúng là vô cùng khó, khó cho người ăn lương, khó cho các doanh nghiệp, khó cho nhiều người trong xã hội, nên tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét. Nếu quy định là 4 triệu và 1,6 triệu khi quy ra USD thì trên 200USD cho một người, nếu một nước mà người thu nhập có trên 200 USD/người phải chịu thuế, thì đúng là có những cái hình như có gì đó vô lý.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét cần nâng mức giảm trừ này lên cũng như nhiều đại biểu, 5 triệu , 2 triệu là hợp lý hơn. Nếu quy định 5 triệu, 2 triệu, tôi cho rằng luật một vài năm hoặc khi có hiệu lực phải sửa nữa, phải nhờ Quốc hội bàn bạc, thảo luận, sửa lại, nó không hay. Do đó tôi đề nghị số lương tối thiểu bao nhiêu thì nên quy định, chúng ta có thể quy định mức giảm trừ 10 - 12% gì đó cho phù hợp, nếu chúng ta quy định đồng tiền thì đúng là luật này sẽ sửa liên tục. Tôi đề nghị lương tối thiểu 10 hoặc 12 giảm trừ gia cảnh thì hay, còn nếu chúng ta quy định cứng nhắc trong luật số chịu như thế thì đúng là tới lúc nào đó phải sửa, cứ quanh năm, luật chưa có hiệu lực đã phải sửa rồi, không nên chờ đến năm 2009 nữa. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét vấn đề này để chúng ta ghi cụ thể vào đó, để luật của chúng ta ra đời, tất nhiên trong quá trình thực hiện phải sửa, nhưng phải có thời gian nhất định, nếu chưa có hiệu lực mà đã phải sửa thì không hay lắm.

Vấn đề cuối cùng, đúng là luật chúng ta chưa quy định rõ quản lý và cơ chế giám sát, vấn đề này còn nhiều kẽ hở. Tôi ví dụ ở Việt Nam đại bộ phận chúng ta lưu thông tiền mặt, cơ sở để quản lý việc này như thế nào. Nếu bây giờ quy định đến năm 2009 lộ trình này thì các ngành chức năng có đảm bảo chuẩn bị kịp không. Bây giờ chúng ta nói là lưu thông tiền mặt, tiêu xài tiền mặt thì vấn đề kê khai của họ như thế nào, tư tưởng của họ như thế nào? Không phải nói là họ kê khai trung thực đâu, như từ nãy đến giờ nhiều đại biểu phát biểu, số người cần hưởng chế độ phụ thuộc tăng vô hạn, vì bây giờ Quốc hội quy định không giới hạn, vì không giới hạn số người, thì bây giờ anh, em, dòng họ, cha, mẹ, con, cháu hoặc họ hàng, đúng là nhiều vấn đề, nó không rõ. Nếu vậy là chúng ta tạo ra sơ hở, tạo tiêu cực càng lớn. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cơ chế quản lý, cơ chế giám sát hiện nay như thế nào để làm thế nào khi luật ra đời có tính khả thi để thực hiện được. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan