Góp ý của Luật gia Dương Thanh Minh (Bộ Tư pháp)

Chủ Nhật 09:39 26-08-2007

Việc xây dựng và ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân ngoài các ý nghĩa kinh tế, xã hội và thực tiễn quốc tế còn nhằm cụ thể hoá nhiệm vụ đã được xác định tại các Nghị quyết của Đảng, Chiến lược cải cách thuế đến năm 2010 và Quyết định số 201/QĐ-TTg.

Về cơ bản, chúng tôi cho rằng, dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến lần này đã được xây dựng công phu, đảm bảo tính phù hợp chung các yêu cầu về chính sách thuế vừa đảm bảo sự phù hợp riêng với đặc thù, đặc điểm kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, nhằm tiếp tục hoàn thiện hơn nữa dự thảo luật, trên cơ sở nghiên cứu chúng tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:

1. Về chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và thành viên tổ hợp tác

Theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 3 của dự thảo thì chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và thành viên tổ hợp tác là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Liên quan đến những đối tượng này có một số ý kiến như sau:

+ Về đối tượng nộp thuế là chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thế, có hai ý kiến góp ý như sau:

Thứ nhất, tại điểm b khoản 2 chỉ quy định về đối tượng nộp thuế là chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thế là chưa phù hợp và chưa công bằng. Bởi, trong hộ sản xuất, kinh doanh cá thể gồm có các thành viên hộ và những người này cũng có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ, do đó không chỉ chủ hộ mà các thành viên cũng phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì hộ gia đình là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này bị bãi bỏ bởi khoản 2 Điều 33 của dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, hộ gia đình có phải là đối tượng chịu thuế không và thuộc đối tượng điều chỉnh của đạo luật nào, chưa được quy định rõ ràng.

+ Về đối tượng nộp thuế là thành viên tổ hợp tác

Theo quy định tại điểm c khoản 2 thì thành viên tổ hợp tác là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tổ hợp tác là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, đối với tổ hợp tác thì thành viên phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân còn tổ hợp tác phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, cần rà soát lại nhằm bảo đảm tính thống nhất, tránh đánh thuế hai lần trên một đối tượng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp tổ hợp tác là đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp còn hộ sản xuất, kinh doanh cá thế không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo chúng tôi là chưa công bằng, do đó cần xem xét lại.

2. Về thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế

2.1. Về cách thức quy định

Về cách thức vừa quy định thu nhập chịu thuế (Điều 4) vừa quy định về thu nhập không chịu thuế (Điều 5) như tại dự thảo là chưa hợp lý mà nên quy định theo phương pháp loại trừ. Theo đó, nếu quy định về những thu nhập chịu thuế thì được hiểu những thu nhập khác không phải chịu thuế. Đồng thời, đề xuất cách thức quy định cụ thể như sau:

Những quy định tại Điều 5 nên đưa vào Điều 4 thành các trường hợp loại trừ của Điều 4 (ví dụ, đưa quy định tại các khoản 6, 7, 9 và 12 Điều 5 thành trường hợp loại trừ của khoản 5 Điều 4). Đồng thời, bỏ những quy định loại trừ, nếu tại Điều 4 không quy định về khoản thu nhập đó. Như vậy, trong thu nhập chịu thuế sẽ có những thu nhập ngoại lệ không chịu thuế và những thu nhập không quy định là thu nhập chịu thuế thì không phải nộp thuế và không phải tiếp tục quy định về những thu nhập này.

2.2. Về nội dung quy định

+ Thu nhập từ giao dịch động sản

Trong thực tế có một số loại động sản có giá trị lớn và đem lại thu nhập lớn cho cá nhân khi xác lập các giao dịch như chuyển nhượng, cho thuê… nhưng chưa được quy định là thu nhập chịu thuế tại dự thảo. Vì vậy, đề nghị rà soát và bổ sung thu nhập chịu thuế từ giao dịch bằng loại tài sản này.

Trong trường hợp có sự lo ngại vì khó quản lý tài sản là động sản và giao dịch bằng động sản thì có thể rà soát và giới hạn một số loại tài sản có thể quản lý được, ví dụ như ô tô, tàu thuỷ…

+ Về thu nhập từ giao dịch bằng bất động sản

Liên quan đến thu nhập từ giao dịch bằng bất động sản, chúng tôi có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 5 Điều 4 của dự thảo thì chỉ “thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản” là thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về kinh doanh bất động sản.. thì các giao dịch về bất động sản rất rộng, bao gồm: thuê, thuê mua bất động sản, cho thuê lại bất động sản, tặng cho, thừa kế bất động sản… Do đó, đề nghị rà soát và bổ sung vào dự thảo, tránh bỏ lọt nguồn thu và bảo đảm tính công bằng về nghĩa vụ nộp thuế đối với các thu nhập bằng giao dịch bất động sản.

Thứ hai, đề nghị xem xét lại các thu nhập không chịu thuế quy định tại các khoản 6, 7 và 9 Điều 5, vì những giao dịch liên quan đến bất động sản thường đem lại giá trị thu nhập lớn. Hơn nữa, hiện nay cơ chế đăng ký bất động sản ở nước ta còn yếu, do đó việc xác định các yếu tố như “người chuyển đổi, chuyển nhượng chỉ có một nhà, đất ở duy nhất” (khoản 6), thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản trong gia đình (khoản 7) và thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa những người trong gia đình (khoản 9) rất khó khăn và dễ bị lợi dụng để trốn thuế.

Trong trường hợp này có thể quy định mức thu thuế thấp hơn so với các mức thu khác.

+ Về Khoản 11 Điều 5

Tại khoản này quy định: “(…) thu nhập từ đánh bắt hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của chủ hộ ngư dân”. Chúng tôi cho rằng, hoạt động đánh bắt hải sản đương nhiên là đánh bắt hải sản chưa chế biến. Do đó, quy định này cần tách bạch thành hai loại hoạt động bao gồm: (i) đánh bắt hải sản của hộ ngư dân và (ii) chế biến hải sản thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của chủ hộ ngư dân.

+ Về thu nhập từ lãi tiết kiệm

Theo quy định tại khoản 14 Điều 5 thì thu nhập từ lãi tiết kiệm là thu nhập không chịu thuế. Theo chúng tôi quy định này cần xem xét lại vì những lý do sau:

Thứ nhất, hoạt động giửi tiết kiệm cũng là hoạt động sinh lợi. Người gửi tiết kiệm thường là những người có thu nhập ổn định.

Thứ hai, với mức thu dự kiến được quy định trong dự thảo trước là 5% của mức lãi tiết kiểm vượt trên 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức nộp này không lớn, hơn nữa căn cứ vào mức lãi suất hiện hành thì để có được số lãi này người gửi phải có một số tiền gửi khoảng 500.000.000 đồng. Đây là số tiền lớn mà ít người trong xã hội có được.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 14 thì thu nhập từ lãi tiết kiệm là thu nhập không chịu thuế, tuy nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của dự thảo thì thu nhập từ “lãi cho vay” là thu nhập chịu thuế. Điều này thể hiện sự không công bằng về nghĩa vụ nộp thuế và không hợp lý trong cách tính thu nhập chịu thuế.

3. Về giảm trừ gia cảnh

a) Về mức giảm trừ gia cảnh

Chúng tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng là chưa hợp lý. Bởi mức này không phù hợp đối với những thành phố có mức sống cao như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… nhưng lại lớn đối với một số tỉnh, thành phố có mức sống thấp và quá lớn đối với các vùng nông thôn, miền núi… Do đó, cần quy định lại mức giảm trừ này phù hợp với mức sống, điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, mỗi vùng dân cư. Ngoài ra, cần xem xét thêm yêu tố lạm phát trong thực tế.

b) Về phạm vi đối tượng và mức tối đa giảm trừ gia cảnh

Theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 19 của dự thảo thì giảm trừ gia cảnh chỉ áp dụng đối với “người phụ thuộc”“tổng mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cho mỗi đối tượng nộp thuế không quá 10 triệu đồng/tháng”. Đồng ý với một số ý kiến đóng góp, chúng tôi cho rằng, quy định này đã hạn chế một số hoạt động xã hội đang đụơc Đảng và Nhà nước ta khuyến khích, như nuôi dưỡng trẻ em tàn tật, nôi dưỡng người già cô đơn và các hoạt động mang tính hảo tâm khác. Do đó, không nên bó hẹp khái niệm “người phụ thuộc” chỉ trong quan hệ huyết thống mà cần mở rộng hơn đối với các quan hệ xã hội mang tính hảo tâm khác, đồng thời cần có mức trần ngoại lệ đối với những trường hợp này.

5. Về thuế suất theo từng lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ

Tại khoản 3 Điều 24 của dự thảo quy định về mức thuế suất đối với các hoạt động, gồm: hoạt động thương mại (điểm a); hoạt động cung cấp dịch vụ (điểm b); hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động sản xuất, kinh doanh khác (điểm c). Chúng tôi cho rằng, cần xem xét lại quy định tại Điều này vì hoạt động thương mại (điểm a) theo quy định của Luật Thương mại bao gồm cả các hoạt động quy định tại điểm b và điểm c của khoản này. Nếu không có sự xác định rõ ràng sẽ dẫn đến chồng chéo, tuỳ tiện trong áp dụng thuế suất, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đàng của người dân.

Các văn bản liên quan