Góp ý của luật sư Phan Thông Anh – GĐ Công ty Luật hợp danh VN

Thứ Ba 14:23 14-08-2007


Góp ý cho Luật thuế thu nhập cá nhân
----------------
Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam
Tr ọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
 

Thuế thu nhập cá nhân là một văn bản luật có tác động rất lớn đến đời sống xã hội trong cộng đồng dân cư và hiện nay còn nhiều tranh cải, nhiều quan điểm khác nhau về đối tượng chịu thuế, về mức khởi điểm nộp thuế, về khoản giảm trừ gia cảnh ; về các khoản thu nhập chịu thuế và thuế suất của từng loại thu nhập. . . .kể cả những quy định chưa rỏ ràng về cá nhân nộp thuế và cá nhân được giảm trừ cần phải được làm rõ để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét thông qua để có thể thực hiện được kể từ ngày 01/01/2009.Với tư cách là một chủ thể bị sự tác động của văn bản luật này, chúng tôi xin có một số ý kiến góp ý như sau :
 
1)-Về đối  tượng nộp thuế :

Theo quy định của dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân điều 2 về đối tượng nộp thuế, điều 3 giải thích từ ngữ thì có bảy đối tượng nộp thuế khi có thu nhập chịu thuế bao gồm :

1)-Cá nhân người Việt Nam có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam;

2)-Cá nhân người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm dương lịch

3)-Cá nhân người Việt Nam có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam là cá nhân hoạt động sản xuất,kinh doanh; cá nhân hành nghề độc lập ( được điều chỉnh bằng 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 03 năm 2007 ) ;

4)-Cá nhân người Việt Nam có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam là chủ hộ sản xuất kinh doanh,cá thể  (được điều chỉnh bằng Nghị định 88/2006 ngày 29/08/2006 về đăng ký kinh doanh, có hiệu lực ngày 27/09/2006)

5)- Cá nhân người Việt Nam có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam là thành viên của nhóm sản xuất kinh doanh,tổ hợp tác.

6)-Cá nhân là người Việt Nam không có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam

7)-Cá nhân là người nước ngoài không có thời gian cư trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm dương lịch

Trong bảy nhóm đối tượng này Luật quy định theo cách tiếp cận nhóm cá nhân không hoạt động kinh doanh và có hoạt động kinh doanh, nhóm người nước ngoài và người Việt Nam nhưng quy định mức giới hạn năng lực hành vi của cá nhân đó là độ tuổi thế thì ỡ những độ tuổi khác nhau có phát sinh thu nhập có mức nộp khác nhau không hay chỉ một mức giống nhau  như người mới thành thai hưởng thừa kế di sản theo chúng tôi cần làm rõ vấn đề này để trong quá trình thực hiện không bị vướng mắc hay áp dụng tùy tiện. 
  
Riêng nhóm thứ 4 (Chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể) cần phải xem xét quy định bổ sung để tránh việc một chủ thể kinh doanh phải nộp hai loại thuế. Hiện nay chủ hộ kinh doanh cá thể đang nộp loại thuế thu nhập (khoán) do Chi cục thuế Quận huyện khoán, nếu đã quy định phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì phải quy định loại bỏ phần thuế các hộ kinh doanh cá thể đang nộp hiện nay và cần quy định rõ trong điều khoản áp dụng chứ không thể quy định chung chung như trong dự thảo “ bãi bỏ các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2003 “ mà theo chúng tôi cần quy định cụ thể các chủ hộ kinh doanh cá thể theo Nghị định 88 sẽ chấm dứt việc nộp thuế khoàn hiện nay.
 
2)Về thu nhập chịu thuế : 

Phạm vi những khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân quy định trong điều 4 về cơ bản chúng tôi nhất trí nhưng có một số khoản cần làm rõ hơn và một số khoản cần loại ra khỏi khoản thu nhập chịu thuế như sau : 

2.1-Phần lợi tức cổ phần :  vì trước khi phân chia cổ tức cho các cổ đông thì doanh nghiệp đó phải hạch toán và nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước rồi ( không thể một khoản thu nhập mà nhà nước đánh thuế hai lần ). 

2.2-Phần lãi trái phiếu doanh nghiệp : vì trước khi phân chia lãi cho trái phiếu thì doanh nghiệp đó phải hạch toán và nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước rồi (tránh đánh thuế hai lần ) ; song song đó khi chúng ta đã quy định trái phiếu chính phủ được miễn nộp thuế thu nhập thì theo chúng tôi cũng cần miễn luôn cho trái phiếu doanh nghiệp vì bản thân trái phiếu là một chứng khoản nợ, mức lãi suất thu nhập từ trái phiếu rất nhỏ so với thu nhập từ cổ phiếu.
 
3)Cần quy định lại trong luật về các khoản thu nhập không chịu thuế hoặc các khoản thu nhập không chịu thuế chứ không thể quy định cả hai như hiện nay 

Quy định như điều 4 và điều 5 như thế là chưa phù hợp vì có những khoản thu nhập không nằm trong danh mục điều 4 và không nằm trong danh mục điều 5 thì có phải nộp thuế hay không phải nộp thuế .Đây là vấn đề kỹ thuật lập pháp của ta là liệt kê nhưng liệt kê thiếu hoặc không dữ tính trước được thì khi phát sinh thu nhập lại nằm ngoài phần điều chỉnh cả các khoản thu nhập chịu thuế và các khoản thu nhập không chiu thuế.Do đó theo chúng tôi chỉ cần quy định một nhóm đó là các khoản thu nhập chịu thuế trong luật điều đó được hiểu tất cả những thu nhập còn lại là không chịu thuế hoặc ngược lại trong luật chỉ quy định một nhóm đó là các khoản thu nhập không chịu thuế  điều đó được hiểu tất cả những thu nhập còn lại phải nộp  thuế .
 
 
4)-Về mức khởi điểm thuế thu nhập và giảm trừ gia cảnh : 

Do mức độ trượt giá hiện nay rất cao và nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế nên nhà nước có khả năng phải can thiệp để kềm giữ tốc độ phát triển cân đối của nên kinh tế quốc dân và theo dự kiến văn bản luật này sẽ có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 01/01/2009 theo chúng tôi để đảm bảo giá trị của thu nhập thật sự nên chọn mức thu nhập chịu thuế khởi điểm là 5.000.000 đồng và phần giảm trừ gia cảnh chúng tôi chọn phương án 2 là  phần giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế nên là 5 triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/năm) và phần giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc nên là 2 triệu đồng/tháng. 

Phần giảm trừ gia cảnh là vấn đề hết sức quan trọng đối với người nộp thuế, khái niệm của người phụ thuộc là đối tượng nào ? Về cá nhân được giảm trừ gia cảnh chưa được quy định rõ chỉ là những người dưới 18 tuổi đang đi học hay không giới hạn những người phụ thuộc, còn những người trên 18 tuổi còn đi học thì có được giảm trừ hay không ; chỉ dừng lại là cha mẹ nuôi con cái hay ngược lại con cái nuôi cha mẹ cần phải quy định rõ còn những đối tượng khác cháu mồ côi, dì dượng, chú bác nuôi dưỡng thì như thế nào ? cha mẹ không có thu nhập ông bà ngoại nuôi cháu ngoại giảm trừ ra sao ? Theo chúng tôi cần phải quy định rõ để tránh sự nhập nhàng, tùy tiện sau này của các cơ quan thu thuế và theo chúng tôi phần giảm trừ này không nên giới hạn mà nên quy định mở tối thiểu người phụ thuộc học xong đại học (tối thiểu là 23 tuổi) và nên mở rộng đối với những người trong gia đình bị mồ côi; bị tàn tật, bị nhiễm chất độc da cam thì không có ngưỡng hạn chế, số đối tượng này được giảm trừ suốt đời cho đến khi họ chết.
 
5)-Khoản giảm trừ cho các hoạt động từ thiện xã hội : 

Hiện nay nhà nước đang vận động toàn dân cùng chung tay góp sức thực hiện công tác từ thiện xã hội và phong trào này đang thực hiện rất tốt các phòng trào xây dựng nhà tình thương, suất ăn cho bệnh nhân nghèo, xe lăn, mỗ mắt đục thủy tinh thể . . . . . .và đang ngày càng lan rộng và chúng ta thực hiện giúp đỡ cả cho Lào và Campuchia thể hiện tấm lòng và nghĩa cử nhân ái của người Việt Nam và vấn đề này đối với các doanh nghiệp hoạt động từ thiện trên địa bàn trú đóng thì được đưa vào chi phí kinh doanh thế thì tại sao khoản chi hoạt động từ thiện xã hội này không được giảm trừ và theo chúng tôi cần quy định bổ sung nội dung giảm trừ bao gồm cả các khoản chi hoạt động từ thiện xã hội và không nên phân biệt phải làm từ thiện trên địa bàn mình cư trú mới được giảm trừ như doanh nghiệp hiện nay.
 
6)-Về biểu thuế đối với cá nhân cư trú và phương thức nộp thuế :

6.1-Đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn với thuế suất là 25 %

Chúng tôi thừa nhận rằng đầu tư cho chứng khoán có tỷ suất lợi nhuận khá cao so với các hoạt động đầu tư khác nhưng sự rủi ro đối với hoạt động đầu tư này cũng không nhỏ do đó dự thảo với tỷ lệ nộp thuế thu nhập cho khoản này 25 % là quá cao. Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán cần phân biệt ra hai nhóm,

a)-Nhóm thứ nhất là mua bán trên sàn thì nên áp dụng thuế suất trên thu nhập giữa giá bán trừ giá mua vì giá bán, giá mua nhà nước có thể kiểm soát được và hết sức rỏ ràng và chỉ nên áp dụng tỷ lệ thuế 15 %

b)-Nhóm thứ hai là mua bán dưới sàn thì nhà nước không thể kiểm soát được giá mua và giá bán nên áp dụng tỷ lệ từ 3% đến 5 % trên cơ sở tổng trị giá chuyển nhượng.
 
6.2-Đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thuế suất là 25 % 

Về vấn đề này chúng tôi cho rằng dự thảo đưa ra quy định không có căn cứ và không có thực tiễn khi quy định phương thức tính thu nhập từ chênh lệch của giá bán theo thị trường (nếu giá bán thấp hơn bảng giá đất của UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thì lấy bảng giá đất này) với giá vốn của bất động sản và các chi phí có liên quan đến bất động sản.

Tiêu chí để xác định giá vốn bất động sản là giá nào ? giá mua trên hợp đồng mua bán hay giá tự khai của chủ bất động sản ? chi phí có liên quan là chi phí nào ? ( chi phí vay của ngân hàng để đầu tư cho bất động sản có được chấp nhận không ?. . . .không biết sẽ có bao nhiêu vấn đề sẽ được xử lý và sẽ rất dễ dẫn đến sự không minh bạch

Theo quan điểm của chúng tôi nên thu thuế theo phương thức lấy bảng giá đất của bảng giá đất của UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hàng năm nhân với một tỷ lệ thuế suất từ 5 % đến 10 %.
 
 
 
 

Các văn bản liên quan