Giảm trừ gia cảnh bao nhiêu?

Thứ Hai 16:02 23-07-2007

 

 

 

Giảm trừ gia cảnh bao nhiêu?

Lao Động Cuối tuần số 27 Ngày 15/07/2007 Cập nhật: 6:18 AM, 15/07/2007

   Nguyễn Quang A

(LĐCT) - Giảm trừ gia cảnh bao nhiêu? Đấy là một trong những vấn đề tranh luận nổi bật của hai cuộc hội thảo ở Hà Nội và Hồ Chí Minh về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ 15.6.2007.

Dự thảo đưa ra mức giảm trừ gia cảnh (4 triệu đồng, 5 triệu, hay mức khác = x) đối với cá nhân có thu nhập chịu thuế và giảm tiếp 40% mức đó (1,6 triệu, 2 triệu, hay 0,4x) cho mỗi người phụ thuộc mà người chịu thuế phải nuôi dưỡng (nhưng không quá 10 triệu).

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, mức giảm trừ gia cảnh so với GDP/đầu người như sau: Trung Quốc 94%, Malaysia 66,8%, Thái Lan 165%, Indonesia 188%, Việt Nam (theo dự thảo 4 triệu/tháng + 2 người phụ thuộc) là 660%. Cho nên cũng chẳng lạ khi cả hai chuyên gia Nhật Bản và EU tại hội thảo ở Hà Nội đều cho rằng, cơ quan thuế Việt Nam "quá hào phóng" về khoản giảm trừ gia cảnh dự kiến.

Hầu hết 23 báo cáo và ý kiến tại hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh đều có đề cập đến vấn đề giảm trừ gia cảnh, nhưng chỉ có 11 báo cáo và 2 ý kiến nêu rõ chính kiến của mình về vấn đề này. Trong 13 ý  kiến đó có:

* 4 đồng ý với dự thảo (mức 4 hay 5 triệu [Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và 2 đại biểu quốc hội khoá mới, 1 học giả]);

* 7 người (6 báo cáo, 1 ý kiến phát biểu) cho rằng không nên có giảm trừ gia cảnh hoặc nếu có thì ở mức thấp hơn 4 triệu;

* 2 (một bài viết và một luật sư của Mặt trận TQVN nêu ý kiến) phản đối kịch liệt dự thảo và đòi "nâng cao khoản giảm trừ gia cảnh" không chỉ để "tái tạo lại sức lao động" mà cho "cả việc tái mở rộng sức lao động", phải "tính đúng giá trị sức lao động theo lý luận Mác-Lênin", hay thậm chí còn  gay gắt hơn.

Về các ý kiến đồng ý với dự thảo luật có lẽ không cần bàn thêm (3 trong 4 người đó cũng khó có thể nêu ý kiến khác nếu có).

Đầu tiên hãy xem xét các ý kiến đòi nâng mức giảm trừ gia cảnh (lên 6, 7, 10 triệu hay cao hơn) mà 2 ý kiến nêu tại hội thảo chỉ là đại diện. Loại ý kiến này cho rằng chính sách thuế chỉ nhắm đến tận thu, "dẫn đến thu vào người nghèo nhiều hơn người giàu, cứ nhè vào người có thu nhập thấp để tăng thu" bằng mức khởi điểm thuế và mức giảm trừ gia cảnh thấp. Bỏ, giảm mức giảm trừ gia cảnh hay hạ mức khởi điểm chịu thuế sẽ "ảnh hưởng đến người nghèo", sẽ làm "mất lòng dân"; nâng mức giảm trừ là "khoan sức dân"...

Nghe có vẻ rất nhân văn. Thế nhưng họ đã không chú ý đến khoản 11 Điều 5, theo đó thu nhập của tất cả các hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp và làm muối không phải chịu thuế. Tức là những người nghèo (và giàu!) trong các lĩnh vực này (chiếm 70% dân số) không hề bị ảnh hưởng và chẳng có lý do nào để kêu ca. Vấn đề là người nghèo ở đô thị, cán bộ nhà nước và những người hưởng lương thấp.

Người ta cũng không tính cụ thể nên cứ kêu ca. Nếu mức giảm gia cảnh hạ xuống 3 triệu/tháng thì người có thu nhập 4 triệu phải nộp thuế 50.000 đồng (1,25% thu nhập), có lẽ tương tự như bao nhiêu khoản "đóng góp" vô danh khác. Những người chủ trương bỏ hay hạ mức giảm gia cảnh kiến nghị hạ mức thuế suất ban đầu 5% xuống 1-2% cũng làm cho khoản thuế ở mức ban đầu này chỉ mang tính tượng trưng. Tóm lại những lời kêu ca của những người phản đối thuộc nhóm này không có mấy cơ sở.

Lập luận của những ý kiến chủ trương bỏ hay hạ mức giảm trừ gia cảnh và giảm mức 5% xuống (hay thêm mức thuế suất) 1-2% như sau. Diện phải nộp thuế sẽ mở rộng nhiều (tất cả hay phần lớn những người hưởng lương và tiền công) nên đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ đóng thuế, tạo khả năng theo dõi, kiểm soát thu nhập tốt hơn.

Không xảy ra những phức tạp rất khó lường liên quan đến người phụ thuộc (khai, xác nhận,... tạo cơ hội cho "hành dân") nên thuế đơn giản, dễ hiểu, dễ thu hơn. Do phần lớn quan chức sẽ phải đóng thuế, khai thuế, nên sẽ góp phần đáng kể vào công cuộc chống tham nhũng. Nếu để mức giảm gia cảnh như dự thảo thì hầu như toàn bộ viên chức nhà nước sẽ không phải đóng thuế.

Và tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Đăng Dung đã rất có lý khi nêu vấn đề vì sao các quan chức nhà nước và hầu hết cán bộ công chức đều thuộc diện "không phải đóng thuế". Nếu thông qua luật như vậy, ông nói, "điều này có nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục loại trừ một bộ phận quan trọng của xã hội sẽ không phải đóng thuế.

Nói ra thì "phản cảm" nhưng có phải chúng ta làm luật chỉ để nhắm đến việc thu thuế của những người dân bình thường? Các bộ trưởng, thứ trưởng của chúng ta đang thật sự nhận khoản thu nhập là bao nhiêu? Có thật là chưa đến mức phải đóng thuế?".

Tôi nói thêm, nếu Quốc hội thông qua mức giảm trừ gia cảnh mà trên 50% đại biểu quốc hội "không phải đóng thuế" thì sẽ vô cùng tai tiếng! Nhiều người, kể cả hai chuyên gia nước ngoài ở hội thảo Hà Nội, cũng lưu ý đến những hệ quả khó lường khác của cách tính giảm trừ gia cảnh theo dự thảo, thí dụ đi ngược lại chính sách dân số.

Ban soạn thảo chắc nên xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh. Các đại biểu quốc hội mới sẽ phải ra quyết định khó khăn về vấn đề này. Chúng ta hy vọng họ sẽ cân nhắc và có quyết định sáng suốt.

Các văn bản liên quan