Góp ý của Luật gia Cao Bá Khoát – GĐ Công ty tư vấn K và Cộng sự

Thứ Sáu 14:29 20-07-2007


GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN


Luật gia Cao Bá Khoát
Giám đốc công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự


Mới đây, Quốc hội đã đưa dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân để thay thế Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, như vậy là toàn dân có thể tham gia đóng góp ý kiến. Đây là một trong những Luật quan trọng, sẽ là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Cho nên cần phải có những ý kiến đóng góp từ nhiều phía để làm sao cân bằng được lợi ích giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, đảm bảo quyền lợi cơ bản của mỗi người và công bằng xã hội.

Thuế thu nhập cá nhân đánh vào thu nhập của riêng cá nhân nhằm mục đích trích một phần tài sản của mỗi cá nhân để phục vụ các lợi ích chung của xã hội. Với quan điểm người nào thu được càng nhiều của cải từ xã hội thì người đó càng phải trích nhiều của cải để phục vụ lại xã hội, do đó thu nhập càng cao thì thuế phải nộp càng nhiều.
Tuy nhiên, Luật thuế thu nhập cá nhân phải đứng trên tư duy nuôi dưỡng nguồn thu, phục vụ lợi ích cho người dân, tránh đánh thuế trùng, vì luật thuế thu nhập cá nhân là luật thuế được ban hành sau các luật thuế đánh vào thu nhập như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế giá trị gia tăng. Do vậy cần rà soát tất cả các quy định có thể gây trùng thu, đảm bảo tính đồng bộ của thuế thu nhập cá nhân với các luật thuế đã ban hành.

1. Điều cơ bản là phải nuôi dưỡng nguồn thu


Mô hình thuế thu nhập của Hồng Kông
Theo bài “Hongkong Excellent Taxes” của chuyên gia nghiên cứu về thuế Alan Reynolds đăng ngày 2-5-2005 trên trang web của Học viện Cato N. W. Washington D.C., thuế thu nhập ở Hồng Kông được xây dựng theo tinh thần thuế suất đồng loạt như sau:
Có hai loại thuế thu nhập cho người đóng thuế lựa chọn:
1. Thuế thu nhập theo mức thu:Thu nhập được chia ra làm 4 nấc (4 mức thu) với các thuế suất 2%, 8%, 14% và 20%. Chấp nhận loại thuế này, người đóng thuế có thể trích giảm những khoản chi cho từ thiện tối đa là 25% thu nhập để tính thuế, hoặc trích giảm tối đa cả năm là 13.000 đô la Mỹ trong thu nhập để tính thuế nếu phải chi trả tiền mua nhà, mua xe hơi (dưới dạng trả góp, trả dần). Ngoài ra người đóng thuế được tính những khoản trích giảm khác từ thu nhập để tính thuế - ví dụ như chi cho học tập của bản thân, nuôi người già là người thân thuộc, tiền bảo hiểm cho về hưu.
2. Thuế thu nhập theo thuế suất chuẩn (standard rate): 16% thu nhập, không có khoản trích giảm nào để tính thuế. Nói chung những người có thu nhập cao thường chọn loại thuế này.
Thuế suất đồng loạt 17,5%, đánh vào lãi của các công ty, 16% đánh vào lãi của các hộ kinh doanh cá thể (coi đây là thuế thu nhập cá nhân), thuế suất đồng loạt 16% đánh vào bất động sản.
Hồng Kông không có thuế giá trị gia tăng, không có thuế nhập khẩu. Thu nhập của cổ đông từ lợi tức cổ phần không đưa vào thu nhập cá nhân để tính thuế, vì đã đánh vào lãi của công ty 17,5% (trong khi đó thuế đánh vào lãi của hộ kinh doanh cá thể là 16%).
Reynolds khuyên nước Mỹ nên học Hồng Kông cách tính thuế

Trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu, chúng ta phải tính mức thuế suất sao cho hợp lý nhất đối với thu nhập của người dân. Với mức thuế suất như trong dự thảo thì có thể nói Việt Nam đang thực hiện chính sách tận thu, mà hậu quả của nó là có thể làm kiệt quệ nguồn đóng góp cho ngân sách nhà nước. Để thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, chúng ta cần phải rà soát lại mức thuế suất không chỉ của Luật thuế thu nhập cá nhân mà còn cả các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu… sao cho đảm bảo một mức thuế hợp lý trên bình diện toàn xã hội, tránh tình trạng mức thuế suất của loại thuế nào cũng cao. Một câu hỏi được đặt ra là khi đã đánh thuế thu nhập cá nhân thì có nên đánh thuế giá trị gia tăng nữa hay không? Và khi đã đánh thuế thu nhập cá nhân rồi thì có nên tính đến việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay không? Bởi vì suy cho cùng thì thuế là đánh vào thu nhập của toàn xã hội để nuôi nhà nước, xây dựng đất nước và mang lại phúc lợi cho xã hội. Ở Việt Nam trước đây chưa có thuế thu nhập cá nhân nên đánh thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng ở mức cao (28% và 10%) cũng có thể tạm coi là hợp lý, nhưng khi đã ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân thì nhà nước cũng nên tính lại mức thuế suất sao cho hợp lý đối với người dân. Nếu cứ để các mức thuế suất cao như hiện nay thì có thể làm kiệt quệ nguồn thu, tạo ra nguy cơ xã hội không năng động, hạn chế đầu tư.

2. Đánh thuế theo tổng thu nhập thực chứ không nên đánh thuế theo khoản thu nhập

Dựa trên tư duy nuôi dưỡng nguồn thu để khuyến khích toàn xã hội kinh doanh là nguyên tắc căn bản của Luật thuế thu nhập cá nhân, chúng tôi cho rằng căn cứ tính thuế công bằng, khoa học và hợp lý nhất hiện nay chính là thu nhập thực tế của riêng cá nhân trong kỳ tính thuế. Thu nhập này là tổng tất cả các khoản thu nhập riêng lẻ có nguồn gốc khác nhau. Đánh thuế thu nhập cá nhân là đánh vào tổng thu nhập chứ không phải đánh vào từng khoản thu nhập.
Việc trong dự thảo Luật phân chia nguồn thu nhập thành nguồn thu nhập chịu thuế (Điều 4) và nguồn thu nhập không chịu thuế (Điều 5) sẽ làm xuất hiện nguy cơ trốn thuế mà cơ quan thuế không kiểm soát được. Bởi vì có một điều chắc chắn rằng trong xã hội không chỉ có những nguồn thu nhập được liệt kê trong dự thảo mà còn có nhiều nguồn thu nhập khác nữa; đấy là chưa tính đến có những nguồn thu nhập mới sẽ xuất hiện cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Không biết rằng pháp luật sẽ xử lý như thế nào đối với những nguồn thu nhập chưa có trong dự thảo? Không lẽ chúng ta phải sửa đổi luật mỗi khi xuất hiện nguồn thu nhập mới hoặc phát hiện ra là đã bỏ sót nguồn thu nhập nào đó?

Tuy nhiên việc quản lý thu nhập thực của cá nhân vẫn đang gặp khó khăn vì nước ta tiêu tiền mặt, đang ở trong tình trạng kinh tế mặt tiền và tiền mặt. Nhưng dù sao cũng cần nghiên cứu cho tương lai gần!
Điều 8 của Dự thảo quy định về kỳ tính thuế đã phân chia kỳ tính thuế thành 3 loại, trong đó mỗi loại được áp dụng đối với một số nguồn thu nhập cụ thể:

·                    Kỳ tính thuế theo năm dương lịch áp dụng đối với thu nhập từ sản xuất, kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công.

·                    Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng xổ số, trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại, trò chơi có thưởng; thu nhập từ tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại, chuyển giao công nghệ; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng.

·                    Kỳ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được áp dụng theo quy định của Chính phủ.

Việc phân chia kỳ tính thuế như trên sẽ dẫn đến hệ quả là người dân phải nộp thuế theo khoản thu nhập riêng lẻ chứ không phải theo tổng thu nhập thực tế. Đây chính là một sự không công bằng bởi vì có những khoản thu nhập có giá trị âm như lãi suất chứng khoán, doanh thu trong hoạt động kinh doanh. Rõ ràng là người dân đã phải chịu thiệt thòi. Tổng thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế của họ bằng không, thậm chí có thể âm nhưng có thể họ vẫn phải nộp thuế chỉ vì có khoản thu nhập tính thuế nào đó của họ mang lại giá trị dương.

Một vấn đề nữa là việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo từng kỳ tính thuế khác nhau sẽ gây ra sự phiền hà cho người dân. Cứ mỗi khi có khoản thu nhập phát sinh thì người dân lại “lóc cóc” đến cơ quan thuế để kê khai nộp thuế. Như vậy cơ quan thuế đã “nhường” phần bất lợi cho người dân còn mình thì nhận lấy phần thuận lợi. Đáng ra, nếu có một kỳ tính thuế chung thì mỗi kỳ tính thuế người dân chỉ phải đến cơ quan thuế một lần, nhưng cứ theo quy định trong dự thảo thì cứ có thu nhập phát sinh thì người dân phải đến nộp thuế. Nên chăng để người dân tự đăng ký kỳ nộp thuế. Đối với cá nhân kinh doanh thì đăng ký theo năm. Đối với người khác thì có thể theo kỳ mà người dân thấy thuận lợi nhất.

Rõ ràng việc đánh thuế thu nhập căn cứ vào nguồn thu nhập và việc không có một kỳ tính thuế chung tất yếu dẫn đến sự không công bằng và không hợp lý trong việc đánh thuế thu nhập cá nhân. Và để khắc phục nhược điểm này cần phải thống nhất quan điểm rằng: tổng thu nhập thực trong kỳ tính thuế chính là căn cứ duy nhất để tính thuế thu nhập cá nhân và không nên chia kỳ tính thuế thành nhiều loại như trong dự thảo mà phải có một kỳ tính thuế chung. Kiểm soát tốt thu nhập thực tế của cá nhân chính là cơ sở cốt yếu để thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân một cách công bằng và hiệu quả. Chúng ta không nên chỉ vì không kiểm soát được thu nhập thực tế mà quay sang kiểm soát nguồn thu nhập rồi từ đó đánh thuế theo khoản thu nhập riêng lẻ. Bởi vì chính việc này sẽ làm cho Luật thuế thu nhập cá nhân có nguy cơ trở thành một Luật không công bằng cho người dân.

3. Việc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản chung: đôi điều cần bàn.

Thuế thu nhập cá nhân là thuế đánh vào thu nhập riêng của cá nhân, do đó Luật cần làm rõ như thế nào là thu nhập riêng của cá nhân. Trong Dự thảo quy định cá nhân kinh doanh cũng là đối tượng phải chịu thuế thu nhập cá nhân (Khoản 5 Điều 11) và khái niệm cá nhân kinh doanh được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Dự thảo: “Cá nhân kinh doanh là chủ thể của hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm: (i) cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, cá nhân hành nghề độc lập; (ii) chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể; (iii) thành viên của nhóm sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác”

Theo chúng tôi thu nhập của hộ sản xuất, kinh doanh cá thể là thu nhập chung của cả hộ, không phải thu nhập riêng chủ hộ. Dự thảo quy định chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể là đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì không hiểu họ phải chịu thuế đối với thu nhập của cả hộ hay chỉ chịu thuế đối với phần thu nhập của riêng mình? Đối với vấn đề này chúng ta nhất thiết phải làm rõ đâu là thu nhập của hộ, đâu là thu nhập của chủ hộ và các thành viên khác? Cần phải nhận thức rõ ràng rằng: chỉ khi  nào thu nhập của hộ được chia cho chủ hộ và các thành viên khác (tức là thu nhập chung chuyển thành thu nhập riêng) thì lúc đó mới đánh thuế thu nhập cá nhân. Chẳng có gì vô lý bằng việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào thu nhập chung của hộ gia đình. Có lẽ tư duy về sở hữu tài sản cần được quy định rõ ràng hơn.

Đối với thu nhập của tổ hợp tác chúng ta cũng phải nhận thức rằng đó là thu nhập chung của cả tổ hợp tác chứ không phải là thu nhập riêng của bất cứ thành viên nào cả, vì vậy chúng ta cũng không thể đánh thuế thu nhập cá nhân. Nhưng điều đó không có nghĩa là các thành viên của tổ hợp tác sẽ trốn được thuế thu nhập cá nhân. Vướng mắc ở đây chỉ là vấn đề thời điểm phát sinh thuế thu nhập cá nhân mà thôi. Vậy cứ khi nào thu nhập chung của tổ hợp tác biến thành thu nhập riêng của thành viên thì ta đánh thuế thu nhập cá nhân. Cho nên như đã nói ở trên, việc kiểm soát thu nhập thực của riêng cá nhân là vấn đề sống còn của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Ví dụ: Một hộ gia đình sở hữu một xe ô tô chở khách tuyến Nam Định – Hà Nội, họ không thành lập doanh nghiệp, không thuê người ngoài, chồng lái xe, vợ thu tiền, con trai thì phụ xe. Sau khi trừ chi phí, thu nhập trung bình hàng tháng của họ là 20 triệu. Trong trường hợp này nếu bắt chủ hộ đóng thuế thu nhập cá nhân thì không hợp lý bởi vì tài sản chung của gia đình sao lại phải chịu thuế thu nhập cá nhân?

4. Đối với chủ doanh nghiệp tư nhân nên đánh thuế thu nhập cá nhân hay thu nhập doanh nghiệp, không nên đánh trùng

Dự thảo luật đánh thuế chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, thành viên tổ hợp tác nhưng lại không đánh thuế chủ doanh nghiệp tư nhân trong khi doanh thu của doanh nghiệp tư nhân đồng nhất với thu nhập của chủ doanh nghiệp. Hơn nữa, như chúng ta biết, chủ hộ kinh doanh cá thể, thành viên tổ hợp tác và chủ doanh nghiệp tư nhân đều phải chịu trách nhiệm vô hạn về nghĩa vụ tài sản đối với việc kinh doanh của họ. Do vậy, không còn gì vô lý hơn khi chủ hộ kinh doanh cá thể, thành viên tổ hợp tác là đối tượng của Luật thuế thu nhập cá nhân còn chủ doanh nghiệp tư nhân lại là đối tượng của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Xét về bản chất pháp lý thì cần phải áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, không nên áp dụng Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đối với họ như hiện nay.

5. Cần làm rõ hơn khái niệm người phụ thuộc

Một vấn đề nữa cần phải nói tới là khái niệm “người phụ thuộc”. Khái niệm “người phụ thuộc” được quy định tại Khoản 6 Điều 3 như sau: Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật”

Khái niệm người phụ thuộc như trên sẽ làm nảy sinh nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến tình trạng người nộp thuế có thể lợi dụng sơ hở này để trốn thuế và cơ quan thuế lợi dụng để gây khó khăn cho người dân. Có nhiều câu hỏi ở đây được đặt ra; ví dụ như: Sinh viên học xa nhà sống dựa vào bố mẹ thì có được coi là người phụ thuộc không? Người đến tuổi lao động, có sức khoẻ lao động nhưng không có việc làm thì có được coi là người phụ thuộc không? Người ở nhà nội trợ thì có được coi là người phụ thuộc không? Người già hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu hay trợ cấp thất nghiệp thì có phải là người phụ thuộc không? Người tàn tật trong độ tuổi lao động thì có được coi là người phụ thuộc không? Thương bệnh binh hạng nặng không thể lao động được thì có được coi là người phụ thuộc không?.... Tóm lại, dự thảo luật cần bổ sung, làm rõ như thế nào là người phụ thuộc, người phụ thuộc có đặc điểm gì để nhận dạng? Cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận người phụ thuộc để miễn trừ gia cảnh?

6. Cần tạo thuận lợi cho việc tính thuế thu nhập đối với thu nhập của vợ chồng.

Về thu nhập của vợ và chồng chúng ta nên quan niệm thu nhập của vợ chồng có thể được bù trừ cho nhau để đảm bảo mức thuế có lợi nhất cho gia đình họ.

Nếu vợ và chồng, một người có thu nhập cao và một người có thu nhập thấp hoặc chỉ có một người đi làm, một người ở nhà nội trợ thì ta phải tính tổng thu nhập của họ sau đó giảm trừ gia cảnh mà hai người được hưởng rồi mới tính thuế thu nhập của cả hai người. Trường hợp tổng thu nhập của cả hai vợ chồng thấp hơn mức giảm trừ của cả hai người cộng lại thì không phải đóng thuế thu nhập. Trường hợp tổng thu nhập của hai vợ chồng cao hơn mức giảm trừ của cả hai người thì phải đóng thuế thu nhập nhưng họ được đóng theo phương thức có lợi nhất cho họ.

Ở đây chúng tôi xin dẫn chứng một vài ví dụ cụ thể như sau:

Ví dụ 1: Chồng có thu nhập 7 triệu, vợ có thu nhập 1 triệu thì không phải đóng thuế vì tiền giảm trừ gia cảnh của hai người ít nhất cũng đã là 8 triệu.

Ví dụ 2: Chồng có thu nhập tính thuế là 6 triệu, mức thuế 10%, chịu thuế 600 nghìn; vợ có thu nhập tính thuế là 2 triệu, mức thuế 5%, chịu thuế 100 nghìn. Tổng thuế thu nhập phải chịu là 700 nghìn. Chúng ta có thể cho họ một sự lựa chọn khác như sau: vợ chồng có thể bù trừ mức thu nhập tính thuế cho nhau sao cho có lợi nhất. Tổng thu nhập tính thuế của vợ chồng là 8 triệu, trong đó chồng sẽ chịu thuế 200 nghìn, mức thuế 5%, ứng với 4 triệu, vợ cũng chịu thuế 200 nghìn, mức thuế 5%, ứng với 4 triệu; tổng thuế phải chịu của hai người lúc này chỉ là 400 nghìn thay vì mức 700 nghìn.

Tóm lại để Luật thuế thu nhập cá nhân công bằng và được thực thi một cách có hiệu quả, chúng ta cần quán triệt một số quan điểm sau:

1.             Căn cứ tính thuế chỉ có thể là thu nhập thực của cá nhân chứ không phải là nguồn thu nhập của cá nhân. Cho nên cần phải kiểm soát thu nhập thực chứ không kiểm soát nguồn thu nhập, bởi tính thuế dựa vào nguồn thu nhập tức là đánh thuế theo khoản thu nhập. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng và không triệt để.

2.             Thuế thu nhập cá nhân là thuế đánh vào thu nhập riêng của cá nhân. Cho nên cần phải tách bạch rõ đâu là thu nhập của riêng cá nhân và đâu là thu nhập không phải của riêng cá nhân. Đối với doanh nghiệp tư nhân cần phải đánh thuế thu nhập cá nhân chứ không phải đánh thuế thu nhập doanh nghiệp vì doanh thu của doanh nghiệp cũng chính là thu nhập của cá nhân chủ doanh nghiệp.

3.             Đối với tài sản vô hình chưa đánh thuế vội mà phải chờ khi nào tài sản vô hình chuyển đối thành tài sản hữu hình thì mới đánh thuế. Bởi vì tài sản vô hình tuy có giá trị nhưng không phải lúc nào cũng tồn tại ở dạng “thực”.
4.             Cần phải làm rõ hơn khái niệm “người phụ thuộc” để tránh tình trạng hiểu không thống nhất.

5.             Để bảo hộ gia đình cần tính thuế một cách hợp lý đối với thu nhập của những người có quan hệ gia đình;

6.             Nghiên cứu lại mức thuế suất của các sắc thuế để tìm ra một thuế suất hợp lý. Chúng tôi cho rằng thuế suất của Việt Nam nói chung là quá cao.

Trên đây là một số đóng góp vào dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Hy vọng nó có tác dụng cho sự nghiên cứu chính sách thuế cho phù hợp.

Các văn bản liên quan