Một số góp ý Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân

Thứ Hai 09:18 09-07-2007


MỘT SỐ GÓP Ý
DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
 
 

 TS. Võ Đình Toàn
Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp
 
 
1. Về đối tượng nộp thuế

Việc xác định đối tượng nộp thuế trong Dự thảo đã giải quyết được vướng mắc trong Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành là phân biệt cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân hay nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tính chất (nguồn gốc) phát sinh thu nhập là từ kinh doanh hay phi kinh doanh. Cách thiết kế này tương đồng với quy định của nhiều nước, tương thích với xu thế lập pháp chung của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nếu so sánh với quy định của pháp luật của một số nước cũng cần bàn thêm một số vấn đề.

Thứ nhất, theo thiết kế trong Dự thảo, đối tượng kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân phải là cá nhân, chủ hộ gia đình. Vậy, vấn đề đặt ra là cá nhân kinh doanh trong nhóm kinh doanh là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân hay là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật Thái Lan, cá nhân kinh doanh đơn lẻ hay kinh doanh trong nhóm kinh doanh (không có tư cách pháp nhân) đều là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Do đó, để thuận lợi trong việc thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, cần quy định rõ cá nhân kinh doanh có bao gồm cá nhân kinh doanh đơn lẻ và cả cá nhân kinh doanh trong nhóm kinh doanh hay không?

Thứ hai, nếu quy định cá nhân, chủ hộ gia đình kinh doanh là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh mới chỉ bảo đảm sự bình đẳng giữa cá nhân, hộ gia đình kinh doanh với cá nhân, chủ hộ gia đình không kinh doanh mà chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa cá nhân, chủ hộ gia đình kinh doanh với cá nhân kinh doanh dưới hình thức thành lập doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đầu tư với tư cách là thành viên hợp danh của công ty hợp danh hay cá nhân đầu tư dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Xét về bản chất kinh tế thì thu nhập của cá nhân từ kinh doanh dưới mọi hình thức tổ chức (cá thể, doanh nghiệp…) đều giống nhau. Chính vì vậy, cần đặt ra vấn đề bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các cá nhân kinh doanh dưới các hình thức khác nhau. Trên thực tế, nhiều trường hợp kinh doanh cá thể (không thành lập doanh nghiệp) nhưng lại sử dụng số lượng nhân công làm thuê tương đối lớn. Theo quy định hiện hành, nếu chủ cơ sở kinh doanh sử dụng lao động làm thuê từ 10 người trở lên thì cơ sở đó thuộc diện áp dụng Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện cho việc thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, cần có quy định: “Chủ cơ sở kinh doanh có cơ sở kinh doanh thuộc diện áp dụng Luật Doanh nghiệp thì nộp thuế thu nhập theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”. Thiết nghĩ, với thiết kế này sẽ bảo đảm được sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các cá nhân kinh doanh theo triết lý: Người trực tiếp kinh doanh hoặc có thuê mướn nhân công nhưng số lượng không lớn thì nộp thuế thu nhập cá nhân, còn cá nhân kinh doanh có thuê mướn nhân công với số lượng lớn đạt mức quy định thì bất luận tổ chức kinh doanh dưới hình thức cá thể hay thành lập doanh nghiệp, đều là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Về thu nhập chịu thuế, thu nhập không chịu thuế

Về thuế thu đối với tiền lãi cho vay, cần quy định rõ hình thức cho vay có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Bởi vì, việc đầu tư dưới hình thức cho vay có nhiều loại như cá nhân cho tổ chức tín dụng vay (kể cả hình thức gửi tiền tiết kiệm), cho tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, cá nhân vay. Trong các hình thức thu nhập từ cho vay, lãi tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng cần có chính sách miễn trừ hợp lý. Nếu tiền lãi gửi tiền tiết kiệm là khoản thu nhập không lớn cần miễn thuế, mức này cần được quy định cụ thể. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ Luật Thu của Thái Lan, tiền lãi từ tiền gửi tiết kiệm dài hạn ở ngân hàng tại Thái Lan không quá 10.000 Bath/năm sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Dự thảo thiếu quy định về khấu trừ thuế đối với tiền lãi cổ phần. Trong quy trình kinh doanh, lãi cổ phần chia cho cổ đông được thực hiện sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, nếu không khấu trừ thuế đối với phần lãi cổ phần mà cổ đông được chia sẽ rơi vào tình trạng bị đánh thuế trùng lặp, điều này là bất hợp lý. Thực tế, để giải quyết tình trạng này pháp luật của các nước có quy định khấu trừ thuế đối với tiền lãi cổ phần. Ví dụ, theo pháp luật Thái Lan, đối tượng cư trú tại Thái Lan nhận được tiền lãi cổ phần từ công ty hay tổ chức hùn vốn có tư cách pháp nhân tại Thái Lan sẽ được khấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân phải nộp một khoản tiến bằng 3/7 tổng số tiền lãi cổ phần nhận được (Nguồn: Báo cáo hệ thống thuế thu nhập Thái Lan - Đoàn khảo sát của Tổng Cục thuế – 1995). Hiện nay, Việt Nam đã vận hành thị trường chứng khoán, do đó, chính sách thuế thu nhập hợp lý sẽ tác động tích cực tới các nhà đầu tư trên thị trường này.

3. Về thuế suất

 Về cơ bản, chúng tôi cho rằng, thiết kế các mức thuế suất và khoảng giãn cách giữa các mức thuế suất trong Dự thảo là chấp nhận được, vì tương đồng với tỷ lệ thu của nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, đứng trên lợi ích tổng thể của nền kinh tế, có thể thấy, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đang có một vị trí quan trọng đối với thu ngân sách nhà nước (năm 2004 tổng số thu thuế thu nhập cá nhân đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,4% GDP và chiếm 6,7% tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và lệ phí (Nguồn: Vietnamnet, 13:7, 19/5/2006). Việc mở rộng diện đối tượng nộp thuế tuy ban đầu sẽ gây ra tâm lý khó chịu cho người dân, nhưng đây là việc cần làm để tạo khả năng Nhà nước kiểm soát được thu nhập của dân cư, từng bước minh bạch hóa thu nhập cá nhân trong xã hội (trong đó có một bộ phận là công chức, viên chức nhà nước). Một ví dụ cần nêu để thấy được bức tranh ở các nước trong việc quản lý thu nhập cá nhân, đó là, ở Thụy Điển những năm cuối của thế kỷ trước, tổng số tờ khai thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn tổng số dân của nước này.
 

Các văn bản liên quan