Ý kiến của ĐBQH Huỳnh Thành Lập – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Sáu 15:15 10-11-2006


Kính thưa Quốc hội,

Thuế không chỉ là nghĩa vụ mà là quyền của mỗi công dân để đóng góp xây dựng đối với đất nước, sau khi giảm trừ gia cảnh phần đối với người nộp thuế, phần đối với người phụ thuộc dù đóng một đồng thuế cũng thấy vinh dự của công dân góp vào xây dựng đất nước. Vấn đề mức giảm trừ gia cảnh ra sao và hành thu như thế nào, quản lý để không thất thoát trong điều kiện nhân dân chi tiêu tiền mặt là chủ yếu, không qua hệ thống ngân hàng kho bạc. Do đó, tôi thống nhất tên gọi Luật thuế thu nhập cá nhân, 10 năm gần đây trong kinh tế thị trường khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp có xu hướng ngày càng tăng từ 3,7 lần năm 1993 tăng lên 13,5 lần năm 2004.

Do đó, cần thiết ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân để điều tiết hợp lý thu nhập, hạn chế sự chênh lệch quá lớn giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, tăng cường công tác kiểm soát thu nhập, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi đồng tình cho rằng áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân lần này được xem là bước tập dượt, tuy nhiên, cần phải có bước đi phù hợp, tạo điều kiện cho mỗi công dân có cơ hội làm quen dần với loại thuế này. Sau một số năm sẽ tổng kết doanh nghiệp, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, do đó có một số nội dung trong Tờ trình tôi chưa đồng tình và tôi cho rằng vì chưa phù hợp, với hoàn cảnh, điều kiện hiện nay, cần phải có thời gian, ví dụ tính thuế thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm là chưa nên thực hiện.

Về đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, tôi nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế ngân sách. Đối tượng kê khai và nộp thuế không phân biệt độ tuổi, cứ có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và trên ngưỡng tính thuế thì phải kê khai và nộp thuế, thể hiện trách nhiệm nghĩa vụ và quyền của mọi công dân đóng góp xây dựng đất nước.
Về thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, tôi chưa đồng tình với ý kiến đại biểu cho là có đại biểu phát biểu không thu thuế thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm là bênh vực cho người giàu, bênh vực đại gia, nói như vậy là vội vã, đại gia có tiền, họ sẽ đưa vào kinh doanh, ngoài ra họ còn phải đi vay ngân hàng để họ đầu tư.

Ý kiến cuả tôi, không nên quy định thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, vì tiền gửi tiết kiệm là tiền dành dụm, tích góp dần, lo cho hậu sự, phòng bệnh đau, lo cho con cháu. Những người này, vì lớn tuổi, vì năng lực và số tiền tích cóp được không đủ để đưa vào kinh doanh, đa số cán bộ hưu trí, người cao tuổi, người già, người neo đơn gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng để hàng tháng có ít lãi từ gửi tiết kiệm để chi tiêu, bổ sung cho chi phí gia đình. Hơn nữa, khi tiền vào ngân hàng, được ngân hàng sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, qua sản xuất, kinh doanh, tiền lãi đã được tính thuế rồi, phần lãi còn lại chi cho người gửi tiết kiệm, nay thu thuế thu nhập nữa thì chưa hợp lý. Một số cô bác, cử tri hưu trí gặp tôi, đề nghị tôi thưa với Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính là nên xem đồng lương hưu trí và hoàn cảnh đa số cán bộ hưu trí không chỉ chi tiêu hàng ngày bằng đồng lương hưu trí mà còn từ tiền lãi tiết kiệm tích cóp được.

Về thu nhập từ thừa kế, quà tặng. Theo Tờ trình của Chính phủ, thu nhập từ thừa kế hoặc quà tặng chia làm hai loại. Tôi đồng ý loại thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân từ bất động sản là tài sản thừa kế, quà tặng giữa vợ và chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi với con đẻ, con nuôi, ông bà nội ngoại với cháu nội, cháu ngoại, anh chị em ruột với nhau.

Tuy nhiên, đối với loại thu nhập cá nhân gồm thu nhập từ thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu doanh nghiệp, bất động sản. Tôi đề nghị chỉ khi nào thừa kế, quà tặng là hiện vật phát sinh lợi ích kinh tế có thu nhập như bán, thu lãi cổ tức thì mới được coi là thu nhập chịu thuế như ý kiến của Ủy ban Kinh tế ngân sách.

Về giảm trừ gia cảnh, tôi nhất trí với cá nhân có thu nhập sau khi giảm trừ gia cảnh vượt trên ngưỡng thuế nhất định thì mới nộp thuế, giảm trừ gia cảnh là khoản tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo như dự thảo luật thì chia thành 2 phần.

Còn đối với người nộp thuế, dự thảo đưa ra phương án 4 triệu đồng một tháng, tôi đề nghị mức 5 triệu đồng một tháng, vì kế thừa khởi điểm chịu thuế Pháp lệnh thuế thu nhập cao.
Còn đối với người phụ thuộc vào người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng tôi thống nhất phần giảm trừ cho những người phụ thuộc mà một người nộp thuế phải nuôi dưỡng tối đa không vượt quá 10 triệu đồng một tháng, tương đương với trường hợp người nộp thuế nuôi 6 người phụ thuộc.

Cuối cùng tôi kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến toàn dân dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, hỏi nhân dân về giảm trừ gia cảnh ra sao, có nên mức giảm trừ khác nhau ở khu vực nông thôn và đô thị, giá cả đô thị đắt đỏ hơn, có nên thu thuế tiền lãi của người gửi tiết kiệm hay không và việc hành thu như thế nào, hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng, kho bạc. Kính thưa Quốc hội, phần phát biểu này của tôi cũng còn thời gian và cũng liên quan tới thuế, nhân đây cũng xin ké theo báo cáo với Quốc hội là xin Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến Tờ thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về Luật quản lý thuế về việc không nên giao cho ngành thuế chức năng điều tra thuế, vì còn không còn cơ hội phát biểu nữa, đến lúc ngày 21, 22 bấm nút thông qua rồi nên xin phát biểu như vậy, mong Chủ tọa và Quốc hội thông cảm. Ý kiến của tôi đã hết, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan