Ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Xim – Tỉnh Hà Tây

Thứ Sáu 15:03 10-11-2006

Kính thưa Quốc hội!

Trên cơ sở Dự thảo của Luật Thuế thu nhập cá nhân, tôi rất yên tâm rằng, có lẽ tôi phấn đấu đến hết đời cũng không được nộp thuế thu nhập cá nhân này. Và tôi cũng rất yên tâm, rất khách quan, khi phát biểu ý kiến về Luật Thuế này.

Tôi xin được tham gia một số ý kiến sau đây:

Thứ nhất, về tên của Luật, hiện nay có hai ý kiến khác nhau là lấy tên của luật là Luật  Thuế thu nhập cá nhân hay là Luật Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Với suy nghĩ của mình, tôi cho rằng, theo tính toán của Chính phủ đến năm 2009, thì thu nhập bình quân của người Việt Nam khoảng độ 2,7 đến 2,8 triệu trên một đầu người. Theo điều tra xã hội năm 2003 thì mức chênh lệch 10% giữa người có thu nhập cao với 10% số người có thu nhập thấp là chênh nhau 13,5 lần. Độ doãng này, càng ngày càng lớn hơn. Với thời điểm này và đến năm 2009, tôi tin rằng, nó sẽ lớn hơn 13,5 lần. Với lý do như trên thì tôi ước tính đến năm 2009 và sau đó thì số người có thu nhập cao phải vào cỡ trên 10 triệu/1 người/1 tháng, như thế mới gọi là người có thu nhập cao.

Còn mức đánh thuế của chúng ta hiện nay, đối với những người có thu nhập từ 4-5 triệu/người/tháng thì tuy không phải là số người có thu nhập cao mà chỉ là số người có thu nhập khá. Nếu như những năm tiếp theo thì đây là số người có thu nhập trên trung bình mà thôi, Trên cơ sở đó, tôi đề nghị lấy tên luật là Luật Thuế thu nhập cá nhân là hợp lý.

Thứ hai, về vấn đề bố cục của luật tôi đề nghị có hai vấn đề sau:

Quốc hội đã ban hành khá nhiều luật thuế, ví dụ Thuế doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.v.v.... song khái niệm về thuế là gì thì có lẽ chưa có văn bản nào quy định một cách rõ ràng, cụ thể. Tôi nghĩ đây cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền cho nhân dân hiểu mục đích, ý nghĩa và vinh dự của người được đóng thuế. Cho nên tôi đề nghị trong luật nên bố trí một điều luật hoặc ít nhất trong giải thích từ ngữ nên có một điểm giải thích thuế là gì? Trên cơ sở đó giải thích cho người dân hiểu được ý nghĩa của nó, vinh dự của nó, dù phải đóng 5 xu hay một hào cho Nhà nước người ta cũng thấy vinh dự. Tôi nghĩ rằng đây là một điều kiện tuyên truyền xác định được trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước.

Thứ hai, tôi đề nghị ở Điều 22 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thu thuế và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nộp thuế. Đây là một vấn đề nộp thuế và rất quan trọng của luật thuế, cần quy định một cách cụ thể là người nộp thuế phải có việc làm gì, như thế nào, nghĩa vụ của nó ra sao, quyền của người nộp thuế ra sao, đồng thời quy định rõ hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thu thuế về trình tự ra sao? Tôi đề nghị ở Điều 22 phải tách thành 2 điều, tức là quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thu thuế và quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế và quy định cụ thể các bước, các nội dung của các vấn đề này, tôi thấy nó sẽ phù hợp hơn.

Vấn đề thứ ba, tôi đề cập đến đó là thu nhập chịu thuế từ kinh doanh. Ở đây có hai vấn đề là thu nhập chịu thuế của hộ gia đình kinh doanh thì được trừ gia cảnh, đối với hộ gia đình kinh doanh thì tính thu nhập đó cho một cá nhân là chủ hộ. Nhưng đối với những hộ gia đình kinh doanh mà do nhiều người trong gia đình đó kinh doanh, có thể cả vợ, cả chồng, cả một số con thành niên cùng tham gia kinh doanh đó thì chúng ta tính thu nhập của hộ kinh doanh đó như thế nào để trừ gia cảnh và trừ gia cảnh cho đối tượng nào? Tôi đề nghị cái đó cũng cần phải tính cụ thể nó mới hợp lý.

Thứ hai, ở trong Khoản 3, Điều 11 có quy định chi phí khác bảo đảm cho vấn đề sản xuất và kinh doanh ấy, tôi đề nghị là nếu như dùng điều quét và khoản quét như vậy thì có lẽ nó cũng hơi rộng quá và cũng khó để xác định. Nên tôi đề nghị rằng căn cứ một số luật mà Quốc hội đã ban hành là một số chi phí khác. Ví dụ chi phí quảng cáo, tiếp thị mà theo quy định trong hạn mức của luật quy định là cũng được tính vào phần trừ trước khi tính khoản thuế thu nhập, tôi nghĩ rằng đó cũng cụ thể hơn.

Vấn đề thứ tư, thuế thu nhập từ vốn đầu tư. Ở đây nó có vấn đề như sau:

Đối với các thu nhập từ vốn đầu tư. Ví dụ như là khoản tiền lãi, trái phiếu, tín phiếu, lợi tức v.v... thì không được trừ gia cảnh. Vì ở đây không quy định như vậy. Ở đây nó phát sinh ra một vấn đề là nếu như một người ta chỉ sống chủ yếu bằng tiền ấy thì liệu rằng người ta có bị trừ gia cảnh không? Ví dụ như là tôi đến tuổi mà hết tuổi lao động mà tôi có một ít vốn đầu tư vào doanh nghiệp và tôi chỉ sống bằng tiền lợi tức thôi, mà mức lợi tức ấy nó chỉ là rất thấp, có khoảng độ, đủ mức sống thì liệu rằng có người nộp thuế thu nhập cá nhân hay không? Phần này chúng ta nghiên cứu để cho cụ thể hơn.

Thứ ba, trong điều này quy định rằng tổng mức thu từ tất cả các khoản đó đều phải tính tới thu nhập cá nhân nhưng mà tổng mức thu ấy ở mức nào thì tính hay là cứ có thu nhập là tính, đề nghị chúng ta cụ thể hơn.

Cuối cùng, thời hiệu thi hành, theo dự kiến luật sẽ được thông qua và đề nghị được thi hành từ 1/1/2009. Tôi thấy rằng đây là một luật mà có liên quan khá rộng rãi tới xã hội, tới nhân dân. Cho nên tôi đề nghị nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Nếu như theo dự kiến đến ngày 1/1/2009 mới có hiệu lực thi hành thì cũng nên có thời gian chuẩn bị thật kỹ và khi thông qua có thể triển khai thi hành được ngay. Cho nên có thể trên cơ sở đó cũng đã dành nhiều thời gian trong vấn đề lấy ý kiến tổng hợp và làm sao hoàn chỉnh để cho nó sát thực hơn và nên để thông qua đến thời gian, ví dụ năm 2008 chúng ta thông qua thì đến năm 2009 chúng ta triển khai là phù hợp. Chứ còn nếu chúng ta thông qua, xong rồi để đó, để đến năm 2009 mới thực hiện tôi cho rằng không cần thiết.Xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan