Ý kiến của ĐBQH Trần Văn Tấn – Tỉnh Tiền Giang

Thứ Sáu 14:55 10-11-2006

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu Tờ trình dự án luật của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội về Luật Thuế thu nhập cá nhân tôi có ý kiến cụ thể như sau:

Ý kiến thứ nhất, về sự cần thiết ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, tôi nhận thức trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, cá nhân không chỉ có thu nhập từ tiền lương, từ tiền công mà còn có các khoản thu nhập khác từ hoạt động hành nghề độc lập, do mỗi loại thu nhập có chính sách điều tiết thuế khác nhau, chưa có một chính sách thuế áp dụng cho thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ làm công, nên việc thu thuế của các cá nhân này còn chưa đầy đủ. Thời gian qua Nhà nước chỉ thu được thuế đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ những cá nhân kinh doanh tuân thủ pháp luật, dẫn đến không công bằng giữa các cá nhân nộp thuế. Trong những năm tới trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường và các thành phần kinh tế, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thu nhập cá nhân ngày càng tăng. Vì vậy tôi thống nhất việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm góp phần tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế xã hội.

Hai là hoàn thiện hệ thống chính sách thuế để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế góp phần đảm bảo tính ổn định và nguồn lực cho ngân sách Nhà nước.
Ý kiến thứ hai, về tên gọi của luật. Tôi đề nghị tên luật là: Luật thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Vì Dự án luật đã quy định ngưỡng thu nhập 4 triệu đồng/1 tháng để tính thuế thu nhập cá nhân. Thực chất, đây là quy định đối với người có thu nhập cao, chứ không phải bất cứ cá nhân nào có thu nhập, dù ít hay nhiều là phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, toàn bộ nội dung Dự án luật đã thể hiện nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế rất cụ thể là người có thu nhập cao thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn hơn, thì nộp thuế ít hơn, người có thu nhập thấp thì chưa phải nộp thuế.

Ý kiến thứ ba, về đối tượng nộp thuế được quy định tại Điều 2. Tôi thống nhất với Dự án luật quy định đối tượng nộp thuế là cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài có thu nhập chịu thuế, bao gồm cả cá nhân tự kinh doanh và cả người là chủ hộ hoặc đại diện hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề. Quy định này, phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì các nước đã áp dụng chung một biểu thuế cho cả dân cư trong nước và người nước ngoài, tạo sự bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế.

Ý kiến thứ tư, về đối tượng chịu thuế được quy định tại Điều 4. Tôi băn khoăn về quy định tại Khoản 3 về lãi tiền gửi tiết kiệm thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, với 4 lý do như sau:
Một, chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích người dân gửi tiền mà không giữ tiền. Thực hiện chủ trương này, nhiều người dân tăng cường quan hệ giao dịch qua ngân hàng. Nếu Dự án Luật quy định đánh thuế vào lĩnh vực này thì nhất định sẽ làm hạn chế việc gửi tiền, hoặc người dân sẽ gửi tiền ở nhiều ngân hàng của những địa phương khác nhau, hoặc sẽ chuyển sang tích trữ vàng và ngoại tệ. Vì vậy, sẽ làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các quỹ tính dụng. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư của ngân hang đối với toàn bộ nền kinh tế.

Hai, lãi suất tiết kiệm hiện tại chỉ đủ bù vào trượt giá lạm phát, hơn nữa, kiểm soát tiền gửi tiết kiệm để đánh thuế là vi phạm bí mật tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng.

Ba, nếu cá nhân cố gắng làm việc để có thêm tiền dành gửi tiết kiệm để lấy lãi mà cũng phải nộp thuế thì chẳng khác nào cá nhân đó bị đánh thuế 2 lần, lần thứ nhất, cá nhân phải nộp thuế cho khoản thu nhập trên mức chịu thuế, lần thứ hai, khi nhận tiền lãi ngân hàng.

Thứ tư, trong khi thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ, tín phiếu, trái phiếu kho bạc, thì không thuộc diện chịu thuế, còn lãi tiền gửi tiết kiệm thì phải chịu thuế là không đảm bảo sự công bằng. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể thu lãi tiền gửi tiết kiệm thì được gì cho ngân sách, tổng thu hàng năm được bao nhiều, ngân hàng có bị mất nguồn tiền gửi tiết kiệm không, phải có căn cứ cụ thể để Quốc hội xem xét quyết định.

Cũng tại Điều 4, về quy định tại Khoản 5, chỉ quy định thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Thực tế cho thấy ngoài chuyển nhượng, mua, bán bất động sản nhiều người còn có nguồn lợi nhuận rất lớn từ việc cho thuê nhà, môi giới nhà đất, dịch vụ tư vấn nhà đất. Vì vậy, tôi đề nghị dự án luật nên bổ sung các trường hợp này vào đối tượng chịu thuế. Đồng thời, tôi cũng thống nhất với nhiều ý kiến của đại biểu, cần bổ sung đối tượng chịu thuế đối với cá nhân thu nhập bất thường, ngẫu nhiên vào thu nhập chịu thuế.

Ý kiến thứ năm, về đối tượng không thuộc diện chịu thuế được quy định tại Điều 5, Khoản 1, Khoản 2 có quy định các khoản phụ cấp và trợ cấp không thuộc diện chịu thuế, nhưng còn nhiều khoản phụ cấp mà cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, công tác ở những vùng, khu vực khó khăn, hoặc đang làm việc trong một số ngành nghề cần quan tâm, khuyến khích như phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù, chưa được quy định trong Dự án luật. Vì vậy, tôi đề nghị Dự án luật cần có sự kế thừa các chính sách hiện hành để không làm ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của những đối tượng này.

Ý kiến thứ sáu, về giảm trừ gia cảnh được quy định tại Điều 18, tôi thống nhất Dự án luật quy định việc giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế. Quy định này thể hiện bước tiến bộ, đảm bảo sự công bằng, phù hợp với thông lệ quốc tế so với pháp lệnh hiện hành. Tuy nhiên tôi không đồng ý quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 18, phần giảm trừ đối với cá nhân người nộp thuế là 4 triệu đồng / tháng vì 3 lý do sau:

Một là theo pháp lệnh hiện hành thu nhập tối thiểu phải chịu thuế là 5 triệu đồng / tháng. Nhưng theo Dự án luật đến năm 2009 phần giảm trừ đối với cá nhân người nộp thuế là 4 triệu đồng / tháng. Trong khi trượt giá từ thời điểm Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao có hiệu lực từ ngày 1/7/2004 đến nay khoảng 7-8% / năm. Còn từ nay đến năm 2009 tỷ lệ trượt giá là bao nhiêu? Chưa xác định được., mà Dự án luật quy định phần giảm trừ đối với cá nhân người nộp thuế là 4 triệu đồng / tháng thì chưa có sức thuyết phục. Tôi đề nghị cần tính toán trượt giá từ nay đến khi Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực để đưa ra mức khởi điểm chịu thuế sao cho hợp lý.

Hai là hiện tại thu nhập tối thiểu chưa giảm trừ gia cảnh phải chịu thuế là 5 triệu đồng, nhưng số người thực tế nộp thuế thấp hơn rất nhiều so với người lẽ ra phải nộp thuế. Như vậy, đã có một số lượng lớn những người có thu nhập hơn 5 triệu đồng trốn được thuế. Nếu Dự án luật lần này chỉ nhằm mục đích động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư và tiến tới kiểm soát thu nhập và để người dân có nghĩa vụ với Nhà nước thì tại sao không tạo thói quen cho người có thu nhập trên 5 triệu đồng tiếp tục nộp thuế.

Ba là nếu luật nhằm mục đích tăng nguồn thu cho ngân sách thì việc tổ chức quản lý và thu đủ từ người có thu nhập tối thiểu trên 5 triệu đồng một tháng đã là rất lớn, phải chăng vấn đề đặt ra ở đây là sự yếu kém của hệ thống quản lý và thu thuế đang tồn tại, hệ thống đó không kiểm soát được những người có thu nhập tối thiểu trên 5 triệu đồng, việc giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế là 4 triệu đồng/ tháng thì việc tổ chức thu còn phức tạp hơn nhiều, liệu có khắc phục được tình trạng trốn thuế không?

Thứ hai, phải tăng biên chế của cơ quan thuế.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 18 phần giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm phải nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật là 1,6 triệu/tháng, theo tôi quy định này có thể phù hợp với những người sống ở địa bàn nông thôn, bất hợp lý đối với những người sống ở thành phố lớn có giá cả sinh hoạt cao hơn. Những người phải nuôi con ăn học sau đại học và những người có nuôi mẹ già, anh chị đau ốm sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể về những đối tượng này trong dự án luật, để khi thực hiện dễ được thực thi.

Thưa Quốc hội. Thuế là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước nhưng vì lợi ích cá nhân trực tiếp không ít người muốn nộp thuế, do đó việc người dân có nhiều ý kiến về việc Quốc hội xem xét thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân trong thời gian qua và sắp tới là lẽ đương nhiên. Tôi còn nhớ một nguyên tắc tổng quát trong việc đánh thuế của nhà kinh tế người Pháp với đại ý như sau: Đánh thuế cũng như việc nhổ lông ngỗng, làm sao để nhổ được nhiều lông ngỗng nhất là con ngỗng yêu thích nhất.Cuối cùng tôi đề nghị Luật thuế thu nhập cá nhân sau khi Quốc hội có ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần lấy ý kiến nhân dân để người dân góp ý và cơ quan soạn thảo giải trình thật phân minh tác động của Luật thuế thu nhập cá nhân đối với đời sống người dân, với ngân sách và hơn nữa là với sự tăng trưởng ceủa nền kinh tế. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan