Ý kiến của ĐBQH Trần Hồng Việt – Tỉnh Cần Thơ

Thứ Sáu 14:46 10-11-2006
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp1

Kính thưa Quốc hội!

Chúng ta biết ngành kinh tế đất nước của chúng ta trong những năm qua là không ngừng phát triển. Thu nhập, mức sống của người dân đã được cải thiện, trong đó một bộ phận dân cư trở nên khá giả, giàu có. Nhưng ngược lại, có một bộ phận do điều kiện, do hoàn cảnh không may mắn nên mức sống rất thấp. Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng dãn xa. Vì vậy, chúng tôi thấy sự cần thiết phải có một chính sách điều tiết thu nhập, nghĩa là đánh thuế vào những người có thu nhập cao để góp phần tạo nguồn hỗ trợ cho nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người bị thất nghiệp hoặc những người bị bất hạnh trong cuộc sống. Đây là một nhu cầu cần thiết, bức xúc. Đó cũng là một chính sách có tính nhân văn, nó phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới hiện nay, nên tôi rất đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Thuế thu nhập này.

Về tên gọi. Từ sáng tới giờ, tôi cũng đồng ý với một số ý kiến các đại biểu đã phát biểu trước tôi. Nếu tên Luật là Thuế thu nhập cá nhân thì tên gọi này sẽ làm người ta hiểu khi có thu nhập là có đóng thuế. Như vậy là không phù hợp với nội hàm của dự luật mà Chính phủ trình ra đây. Nên gọi là Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì nó phù hợp với nội dung của luật hơn và dân cũng dễ hiểu. Bởi vì theo tính toán ở trong này, nếu như người có thu nhập dưới 60 triệu đồng/năm là không tính thuế. Chỉ từ khi nguồn thu nhập từ 60 triệu đồng/năm trở lên thì mới tính thuế, tức là tương đương với 3750$, trong khi mặt bằng bình quân GDP của xã hội cho đến năm 2000 ước tính cũng phải 1000$, vì vậy người chịu thế này có mức thu nhập khi giảm trừ cao gấp 3,7 lần thu nhập bình quân của xã hội, đây là thu nhập cao, cho nên Luật thuế nên lấy tên là Luật thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì phù hợp hơn, sát hơn nội hàm của dự luật.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh ở Điều 1. Điều 1 quy định về đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, miễn thuế, giảm thuế và căn cứ tính thuế. Riêng chỗ đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế trong phạm vi điều chỉnh này thì đây là hai chủ thể hay là một chủ thể. Đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế nếu là hai chủ thể khác nhau thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc thực thi luật này. Vì người nộp thuế có thể là người chịu thuế,  có thể nhờ một người khác đi nộp thuế, nhưng người đi nộp thuế hộ đến cơ quan thuế để nộp mà lại để thất thoát, hoặc chiếm dụng của người chịu thuế thì ông chịu thuế này có được miễn giảm thuế hay không? Rõ ràng theo dự luật là không được, vì trong phạm vi điều chỉnh này tôi nghĩ không nên quy định người nộp thuế mà là đối tượng chịu thuế để tập trung vào một đối tượng cụ thể.

Về Điều 4 đối tượng chịu thuế. Tôi đồng ý như ý kiến của một số đại biểu đã phát biểu trước là tôi đồng ý không đưa tiền lãi tiết kiệm, lãi trái phiếu vào đối tượng chịu thuế. Thực ra khoản thuế này còn rất nhỏ, nhưng đưa vào đối tượng chịu thuế sẽ gây phản ứng, do nền kinh tế Việt Nam của chúng ta còn thấp, chính sách an sinh xã hội không được bảo đảm, người ta phải tính toán, lo cho hậu vận khi về già, không phải người nào gửi tiết kiệm cũng là người giàu, họ đã thoả mãn nhu cầu cuộc sống, phần lớn họ phải cắt giảm những khoản chi tiêu thường xuyên của họ trong suốt quãng đời, 20, 30 năm lao động để họ lo cho tuổi già hoặc lo cho con cháu của họ sau này. Bây giờ nếu chúng ta đưa vào tính thuế thì tôi sợ khó có khả thi, vì họ sẽ chuyển sang dự trữ vàng hoặc ngoại tệ, thậm chí chia nhỏ ra nhiều sổ khác nhau, chúng ta lúc đó cũng không quản lý được mà ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước chúng ta.

Điều 5, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, tôi đề nghị bổ sung thêm một đối tượng ngoài đối tượng quy định ở Điều 5, tức là đối tượng có thu nhập 1 lần từ chính sách thu hút nhân tài của các địa phương mà sáng nay tôi nghe đại biểu Cừ có đặt ra. Hiện nay, tôi biết nhiều tỉnh có đề ra chính sách thu hút nhân tài, tức là đưa ra cụ thể những người có học vị thạc sỹ, tiến sỹ ở các tỉnh khác nếu tự nguyện về ký hợp đồng làm việc cho tỉnh đó, thời hạn 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn thì sẽ được hỗ trợ một khoản, một lần có thể 20 triệu, 30 triệu thậm chí 50 triệu, đây là một khoản thu nhập lần đầu. Cho nên, tôi đề nghị để có chính sách thu hút nhân tài thì nên đưa vào dự luật này miễn thuế cho đối tượng đó, bởi nó không phải nằm trong trợ cấp điều động như Khoản 2, Tiết d, Tiết đ ở Điều 5 này.

Điều 18, giảm trừ gia cảnh, theo như tính toán của dự luật, tính khởi điểm là 48 triệu, tức là sau khi giảm trừ, nếu quy ra đôla thì khoảng 3 nghìn đôla/năm. Đến lúc đó, GDP bình quân đầu người khoảng 1 nghìn đôla của năm 2000 thì mức này cao gấp 3 lần mức GDP bình quân của xã hội, lúc bấy giờ sau khi giảm trừ gia cảnh, thì mức này theo tôi  chưa phải là mức cao. Tôi đề nghị nên 5 triệu mỗi tháng, tức là 60 triệu một năm, giảm trừ gia cảnh như nhiều ý kiến trước tôi đã phát biểu. Tuy nhiên tôi có suy nghĩ e ngại rằng yếu tố trượt giá đồng tiền thì nó như thế nào đây? Cho nên có thể đưa ra một cách tính, tức là người chịu thuế thu nhập sau khi giảm trừ gia cảnh thì có mức thu nhập bằng 3,5 lần trở lên so với GDP bình quân đầu người thì người đó chịu thuế thu nhập, như vậy nó sẽ linh động hơn mình tính cái đó. Hàng năm Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn này và tính toán GDP Bộ Tài chính sẽ tính để có hướng dẫn. Mà tôi nghĩ rằng cái này thế giới, Quốc tế cũng không cho mình thay đổi hay cái gì mức nó khác biệt mà chúng ta tính theo GDP bình quân. Tức là anh nào sau khi giảm trừ hết mà có thu nhập gấp 3, 5 lần GDP bình quân thì anh đó sẽ chịu thuế thu nhập, như vậy sẽ linh động hơn.

Tôi đồng tình với một số ý kiến trước tôi, tôi thấy luật này cần xem xét nghiên cứu, bổ sung một số điều cụ thể thêm mà không nhất thiết cần phải có nghị định. Tôi đọc nghị định này gần như sao chép nguyên Dự luật này, có một số điều khoản mới, nhưng những điều khoản đó có thể đưa vào Dự luật, cho nên không nhất thiết phải có nghị định. Tới đây cơ quan chức năng hướng dẫn sẽ thực hiện được rồi.Tôi đồng tình với Dự luật này nhưng tôi băn khoăn về tính khả thi, tôi e rằng tính khả thi của dự luật không cao do chúng ta chưa kiểm soát được, chưa có những giải pháp khoa học để kiểm soát thu nhập của dân cự. Cho nên khi luật ban hành rồi thì Chính phủ phải có giải pháp như thế nào hết sức tích cực, chủ động để có kiểm soát chặt chẽ thu nhập này, thì luật này nó mới có tính khả thi. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan