Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa – Tỉnh Nghệ An

Thứ Sáu 14:44 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội!

Qua nghiên cứu tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ngân sách thì chúng tôi thấy, chúng ta đã rất cẩn trọng khi đề cập đến một Dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng và liên quan đến một vấn đề được coi là rất mới mẻ, nhạy cảm và cũng không dễ gì được xã hội đón nhận nhanh chóng trong điều kiện của đất nước ta hiện nay.

Trong số các ý kiến mà sáng nay các đại biểu đã phát biểu, thì chúng tôi thấy vấn đề có nên đưa thuế từ lãi suất tiết kiệm vào trong nội dung điều chỉnh của Dự thảo Luật này không thì còn có nhiều ý kiến khác nhau. Về quan điểm của chúng tôi thì có lẽ trong Dự thảo Luật lần này thì không nên đưa nội dung thuế này vào. Bởi vì, một là số thu không lớn; Hai là, sẽ tạo ra những tâm lý không tốt cho xã hội như một số đại biểu trước tôi đã phân tích. Tôi nghĩ đây có thể là một nội dung mà Ban soạn thảo sẽ đưa ra hỏi ý kiến rộng rãi. Nhưng chúng tôi nghĩ trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi thì nên chăng, Ban soạn thảo cần phải cung cấp thêm một số thông tin, một số liệu liên quan đến vấn đề thu thuế từ lãi suất tiết kiệm mà các nước đã thực hiện để xem hiệu quả của nó thế nào.

Sau đây tôi xin đưa ra một số băn khoăn khi xem xét các mục tiêu, yêu cầu đã nêu cùng như so các mục tiêu, yêu cầu ấy và các điều luật cụ thể của dự án luật.

Thứ nhất, trong 4 quan điểm, mục tiêu mà cơ quan soạn thảo đề ra chưa toát lên được một vấn đề theo tôi là rất quan trọng, đó là cần xác định việc thực hiện thuế thu nhập cá nhân, tạo điều kiện để mọi công dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Vấn đề này đại biểu Đặng Như Lợi đã phân tích, tôi xin không phân tích sâu về vấn đề này, tuy nhiên chúng tôi nghĩ ở Việt Nam trong tư duy của mọi người thì nộp thuế vẫn nặng về nghĩa vụ hơn là quyền, có lẽ do lịch sử của chúng ta để lại và khái niệm thuế thường mang nghĩa tiêu cực, ví dụ như chúng ta hay nói là "siêu cao, thuế nặng". Trong khi đó ở các nước khác, trong giáo dục công dân ngay từ bé người ta rất quan tâm tới vấn đề giáo dục ý thức về quyền và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Như vậy có thể đặt ra vấn đề về tính khả thi của dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân, tức là người dân sẽ tự kê khai nộp thuế, liệu người dân có thể vui vẻ tự giác đóng thuế khi họ không ý thức được đây là quyền của mình. Mặt khác dù trong Tờ trình có đề cập tới mục tiêu thứ 4 là bảo đảm huy động nguồn lực để Nhà nước giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, nhưng làm thế nào để người dân ý thức được mục tiêu này. Chúng ta có thể thấy rõ là khi trích tiền nộp thuế  thì nhìn được, nhưng khi tiền thuế ấy sử dụng để giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội như thế nào thì không dễ dàng nhìn ra ngay. Đó là chưa kể tới vấn đề niềm tin của người dân vào hiệu quả việc sử dụng ngân sách Nhà nước ở nước ta hiện nay có phần giảm sút sau một loạt biểu hiện tham nhũng và lãng phí.

Do vậy theo tôi muốn thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân tốt cần công khai minh bạch việc sử dụng nguồn thu từ thuế, để người dân thực hiện được quyền giám sát, kiểm soát của mình. Tức là người dân phải có quyền được biết tiền thuế mình đóng, nộp được sử dụng như thế nào? Muốn vậy cần phải có sự phân cấp trong việc sử dụng các nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân. Trong đó tăng cường nguồn thu này để lại cho địa phương được sử dụng vào mục đích an sinh xã hội, vừa tạo động lực cho các địa phương tích cực tận thu nguồn thuế này lại vừa tạo cho người dân thấy được hiệu quả sử dụng nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân chính là để phuc vụ cho cuộc sống của mình, của quê hương mình và do đó họ phải tự giác nộp. Chúng tôi nghĩ rằng trong nội dung của Dự thảo luật cần phải đề cập tới vấn đề này.

Thứ hai, trong ba yêu cầu của Luật thuế thu nhập cá nhân chưa đề cập tới một yêu cầu theo tôi cũng quan trọng, đó là tính khả thi của Dự án luật. Tôi băn khoăn tới tính khả thi vì 3 lý do sau:

Lý do thứ nhất, lượng tiền mặt được sử dụng trong xã hội Việt Nam còn chiếm tỷ trọng rất lớn. Do đó việc nắm bắt thông tin về thu nhập của dân cư để kiểm soát và quản lý không phải là điều đơn giản. Nếu người dân không tự giác khai báo và tự nguyện nộp thuế thì vấn đề kiểm soát sẽ rất khó và cũng không ít người đặt ra vấn đề sẽ thu thuế, sẽ tận thu ở những người mà người ta trung thực khai báo và sẽ không tận thu được ở những người mà họ cố tình không khai báo nguồn thu mà Nhà nước chưa kiểm soát được.

Lý do thứ hai, vấn đề quản lý xã hội, quản lý đội ngũ cán bộ thuế hầu như chưa được đặt ra trong Dự thảo luật này. Dư luận cũng băn khoăn rằng nếu không chú ý tới vấn đề này thì khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành có thể sẽ tạo mảnh đất màu mỡ để nảy sinh những tiêu cực trong hoạt động thu, nộp thuế và hệ quả tất yếu là người dân thì bị tận thu thuế, mà Nhà nước sẽ tiếp tục thất thu thuế thu nhập cá nhân. Theo lời một chuyên gia cao cấp của Bộ Kế hoạch và đầu tư thì có doanh nghiệp đã nói trong thực tế họ phải nộp tới 41,6% so với mức thuế suất 28%, tức là thuế doanh thu như luật định, vị chuyên gia này cũng có đặt ra một vấn đề tức là khoản chênh lệch ấy đi đâu.

Lý do thứ ba, cần lượng sức của ngành thuế khi luật này có hiệu lực. Theo chúng tôi được biết, từ tháng 4/1991 đến nay, Việt Nam đã thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, đây chính là bước tập dượt quan trọng để chuẩn bị thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân vào năm 2009. Trong quá trình thực hiện Pháp lệnh này, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao được áp dụng chủ yếu theo phương pháp khấu trừ tại nguồn, nếu như cá nhân có thu nhập ổn định tại một nơi thì cơ quan chi trả thu nhập khấu trừ tiền thuế theo biểu thức luỹ tiến v.v...nếu cá nhân có thu nhập từ nhiều nơi, tức là mỗi nơi chưa đạt tới mức chịu thúê theo biểu thuế luỹ tiến từng phần thì sẽ áp dụng biện pháp tạm khấu trừ 10% vào nộp tiền thuế vào tài khoản tạm thu, cuối năm cá nhân thực hiện kê khai thu nhập và tập hợp các chứng từ khấu trừ thuế để quyết toán với cơ quan thuế, để tiện quản lý cho đến nay ngành thuế đã tiến hành cấp mã số thuế cho cá nhân có thu nhập cao là 298 nghìn người, trong khi đó số lượng đối tượng nộp thuế có những năm lên đến 400 nghìn người.

Như vậy, tỷ lệ cấp mã số thuế mới chỉ đạt khoảng 76%, nếu tính đến tháng 1/2009, tức là theo dự kiến rằng luật này sẽ có hiệu lực thì định mức nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và theo lộ trình nâng dần mức lương tối thiểu thì chúng ta có thể thấy rõ số lượng đối tượng nộp thuế chắc chắn sẽ tăng, số lượng tờ khai cần quản lý sẽ rất lớn. Mặt khác ở Việt Nam, việc thu thuế được tiến hành chủ yếu theo phương thức thủ công, thanh toán thuế bằng tiền mặt là chủ yếu, tất yếu sẽ phình ra một bộ máy quản lý thuế thì mới đảm đương được công việc này, có thể hình dung một phép so sánh rất đơn giản là khi số người nộp thuế chịu mức thuế thấp quá nhiều, thì sẽ kéo theo thuế suất thấp và số tiền thu được sẽ không cao. Trong khi đó, Chính phủ sẽ phải chi thêm nhiều hơn cho việc quản lý thu thuế, phép so sánh này sẽ cho ta một hệ quả rõ ràng là không có hiệu quả, Nhà nước không tăng được nguồn thu, cơ quan quản lý thuế thì phình thêm bộ máy, một chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu thuế quốc tế cũng đã đặt ra vấn đề này rằng ngành thuế cần phải lượng sức mình, cần phải tính toán để quản lý số lượng tờ khai khổng lồ cũng như làm thế nào kiểm tra được tính chính xác của các tờ khai này. Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một bài toán mà Ban soạn thảo cần tính đến để đảm bảo tính thực thi của dự thảo luật.

Vấn đề giảm trừ gia cảnh, đây là quy định thể hiện quan điểm bảo đảm tính công bằng có tính đến hoàn cảnh của người nộp thuế, khi xây dựng những quy định về giảm trừ gia cảnh thì Luật Thuế thu nhập cá nhân có lẽ nhằm mục đích công bằng nhiều hơn là vấn đề hiệu quả và chúng tôi nghĩ quan điểm này sẽ tạo đồng tình đối với người nộp thuế. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn ở đây là quy định này sẽ kéo theo nhiều thủ tục hành chính phức tạp, muốn được áp dụng mức thuế giảm trừ sẽ phải xuất trình cho cơ quan một loạt những loại giấy tờ liên quan để cơ quan này kiểm tra và kiểm soát.

Vấn đề là làm thế nào để đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế để hạn chế bớt sự phức tạp trong quá trình giải quyết chính sách thuế và đặc biệt tránh những phiền hà cho người dân khi họ phải đóng thuế.

Theo tôi được biết thì một hệ thống thuế cần được hội tụ đầy đủ 5 tiêu chí đó là hiệu quả kinh tế, tính đơn giản về mặt hành chính, tính linh hoạt, tính trách nhiệm về mặt chính trị và tính công bằng.

Luật Thuế thu nhập cá nhân là một dự thảo luật có sức tác động rất lớn đến nhiều tầng lớp trong xã hội, dù chưa được ban hành nhưng dự thảo luật này hiện đã và đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau.

Về phía người dân chưa hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng có tâm thế để tiếp nhận, do vậy trong lộ trình xây dựng và thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, chúng tôi nghĩ rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu để trước mắt chưa nên chú trọng vào tiêu chí tính hiệu quả kinh tế mà cần quan tâm hơn đến các tiêu chí như là tính đơn giản về mặt hành chính, tính trách nhiệm về chính trị và tính công bằng.

Vấn đề là làm thế nào hãy hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến đại bộ phận dân số là người nghèo và song song với lộ trình thực hiện thuế thu nhập cá nhân thì hãy quan tâm nhiều đến cải cách tiền lương và thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách an sinh xã hội. Chúng tôi nghĩ, nếu giải quyết được theo hướng này thì khi mà Luật Thuế thu nhập cá nhân ban hành ra thì sẽ được đón nhận.

Tôi xin hết ý kiến của mình.

Xin cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan