Ý kiến của ĐBQH Tào Hữu Phùng – Tỉnh Hà Tây

Thứ Sáu 14:32 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản, tôi rất tán thành, đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ về Luật thuế thu nhập cá nhân, sự chuẩn bị rất công phu, đầy đủ, cung cấp cho đại biểu rất nhiều tư liệu tham khảo.
Thứ nhất, về sự cần thiết ngoài Tờ trình của Chính phủ tôi muốn nhấn mạnh thế này: Tức là theo xu thế hội nhập cơ cấu thu của ngân sách Nhà nước thì thuế thu nhập là một loại thuế trực thu, theo xu hướng của chúng ta là thuế trực thu này ngày càng phải chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Hiện nay thuế trực thu của chúng ta trong ngân sách còn quá nhỏ bé, ví dụ thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm 4% tổng số thu ngân sách Nhà nước. Theo xu hướng cải cách thuế thì chúng ta phải sửa đổi tăng thuế trực thu này lên mới đảm bảo tính ổn định ngân sách đối với yêu cầu hội nhập.

Về tên gọi cũng như các anh nêu tôi thấy rằng thực chất mức khởi điểm của chúng ta hiện nay là 5 triệu cộng trừ tối đa gia cảnh thì thu nhập trên 15 triệu mới phải chịu thuế, đây thực chất là thuế thu nhập cao. Nhưng để phù hợp như các đại biểu vừa nói hiện nay là cao, nhưng đến năm 2009 - 2010 khi nó có hiệu lực thì chưa phải là cao.

Thứ hai, để nó ổn định và phù hợp tôi nghĩ để thuế thu nhập cá nhân nên để sau này nó có biến động thu nhập lên thì ta thấy không phải sửa và nó phù hợp với thông lệ quốc tế người ta dùng là thuế thu nhập cá nhân. Tên gọi tôi tán thành nên dùng là thuế thu nhập cá nhân cho nó phù hợp.

Về mục đích yêu cầu tôi tán thành, nhưng cần nhấn mạnh một yêu cầu rất quan trọng của Luật Thuế này là phải điều tiết thu nhập và kiểm soát thuế thu nhập cá nhân, kiểm soát thu nhập hiện nay của chúng ta rất yếu thì phải kiểm soát thu nhập, điều tiết thu nhập thì ta mới điều tiết người giàu sang người nghèo, ở đây tôi thấy một số vị đại biểu tôi thấy chủ yếu làm sao ta phải có quan điểm là bênh vực đại đa số người có thu nhập thấp, còn phải đánh thuế người giàu, ở đây tôi thấy có người rất nhạy cảm, các đại biểu hình như bênh vực cho người giàu, ví dụ lãi suất tiết kiệm, những người có 700 triệu gửi tiết kiệm, lãi suất 1 tháng 5 triệu mà nộp thuế chỉ có 250 nghìn, như anh Kích bỏ đi, tôi không biết là nước ta rất nghèo, người ta bênh vực các đại gia, quá giàu cũng không phải nộp thuế thì ai nộp thúê ở đất nước này, quan điểm phải vừa khoan sức dân, người ta khoan sức dân đại đa số, 8-9% dân số không có mức thu nhập này, những người thu nhập cao ta phải đánh thuế chứ, lấy của người giàu để nuôi người nghèo, tôi nghĩ nếu Quốc hội ta chỉ có 1 quan điểm là bỏ hết đi, lấy gì đáp ứng nhu cầu sống còn của đất nước này. Tôi nghĩ chúng ta phải cân nhắc, giữa khoan sức dân và nộp thuế thu nhập, chúng ta cứ thiên về một cách đó thì tôi nghĩ chúng ta rất khó cân đối được ngân sách.

Về đối tượng chịu thuế, tôi rất tán thành, nhưng chỉ có đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, nên đánh, nhưng tôi thấy có vị đại biểu nói là khó khả thi, ta có biện pháp nào, nếu cứ đánh mức này thì người ta chia nhiều sổ, nhiều tên gửi, bạn bè gửi hộ thì có thể ta nghĩ ra một cách là riêng cái này nếu đưa vào đối tượng thuế mà đưa như cách thu theo cách 5 triệu, tức là sẽ không thu được, không khả thi. Tôi đề nghị, nếu như Quốc hội chấp nhận đưa vào diện chịu thuế thì phải có cách thu khác.

Ví dụ, có thể là tổng thu riêng về lãi suất tiết kiệm thì tôi đánh thuế, tôi không có trừ 5 triệu hay 3 triệu gì hết. Có gửi tiết kiệm thì tôi thu dù là mức rất nhỏ thôi, 1%, 2% thôi, mức rất nhỏ, không ảnh hưởng gì đến mọi đối tượng cả, thì mới có thể thu được. Chứ quy định như thế này thì không thu được.

Vấn đề tiếp theo là ngưỡng chịu thuế, có nhiều đại biểu đã nêu, nhưng tôi thấy ngưỡng chịu thuế của chúng ta hiện nay là khác với Pháp lệnh Thu nhập cao là anh cứ có thu nhập 5 triệu thì anh phải nộp thuế ngay. Bây giờ ở Luật này của ta là anh có 5 triệu, sau khi trừ cho bản thân anh 5 triệu và trừ gia cảnh tối đa cho anh 10 triệu, vậy thì anh được trừ tổng số là 15 triệu, như vậy triệu thứ 16 mới phải chịu thuế, mà thuế chỉ có 5%, tức là chỉ có 50.000 và anh được hưởng 15.950.000. Như thế thì quá xông xênh, quá là cao, tôi thấy như vậy quá là khoan sức dân rồi.

Thưa với các đại biểu Quốc hội, nếu thực hiện theo phương án này thì ngân sách Nhà nước giảm thu so với pháp luật hiện hành là 400 tỷ trong 1 năm, và không đáp ứng nhu cầu. Theo tôi, để ổn định đến năm 2009 mà vẫn không bị lạc hậu thì tôi đề nghị đồng ý phương án 5 triệu, trích trừ gia cảnh tối đa là 10 triệu cho 1 người. Còn có đại biểu nêu là không nên quy định cứng như thế này mà thay đổi hàng năm, tôi thấy ta ra hội nhập, một trong yêu cầu của Quốc tế người ta lên án Việt Nam chính sách hay thay đổi "sớm nắng, chiều mưa". Việc thuế của ta tháng nào, năm nào cũng thay đổi thì ai người ta đầu tư vào Việt Nam mà cái này nó điều chỉnh đối với người đầu tư nước ngoài nữa, ta thay đổi thì không đảm bảo với yêu cầu Quốc tế, tôi nghĩ nó phải ổn định mấy năm chứ. Theo tôi dù có trượt giá đến đâu nữa thì năm 2009 mức thu nhập 16 triệu cũng phải đánh thuế này ở Việt Nam còn có thể tồn tại nhiều nữa. Các đồng chí lấy đâu ra trên 16 triệu này mà phổ biến được, trượt giá. Lương tối thiểu của ta giỏi lắm đến năm 2009, các đồng chí cứ tính đến 700.000đ là cùng, lấy đâu ra vượt quá số cao này. Tôi nghĩ thuế nó phải ổn định được mức, nếu mà điều tiết hàng năm, hàng ngày thì thuế không ổn định là không được.

Vấn đề quan trọng ở đây là cách khấu trừ tôi tán thành với Điều 31, muốn thu được tại gốc, tại nguồn ngoài vấn đề tự giác của cá nhân kê khai thì các cơ quan chi trả trực tiếp cho người có thu nhập là phải khấu trừ từ gốc, tỉnh giản bộ máy và mới kiểm soát thu nhập được, tôi ủng hộ quan điểm đó.

Thứ hai, cá nhân là phải chịu trách nhiệm cao và có xử lý vi phạm, ở đây tôi có băn khoăn lớn, để thực hiện được cái này, luật có hiệu lực thực thi, thì vấn đề quan trọng của chúng ta kiểm soát thu nhập. Nếu nền kinh tế như hiện nay chúng ta mới quản lý thu nhập chủ yếu đánh vào công chức, đồng lương công khai này thôi, còn các lực lượng ngầm các đại biểu Quốc hội vừa nêu rất lớn, tảng băng ngầm rất lớn làm sao ta quản lý được cái này, người ta gian lận, người ta không kê khai, không tự giác, không biện pháp. Tôi nghĩ để hiệu lực này thực sự điều tiết thu nhập và kiểm soát thu nhập thì tôi thấy các biện pháp đặt ra là lưu ý đến các biện pháp và kiểm soát thu nhập. Chúng ta phải có biện pháp rất tích cực, khẩn trương làm sao xóa bỏ kinh tế tiền mặt, kinh tế phong bì thì mới kiểm soát được, chuyển phần lớn các khoản thanh toán, chuyển nhượng vốn tài sản sang kinh tế chuyển khoản và mỗi cá nhân có một tài khoản ở ngân hàng, tất cả mọi thu nhập của anh đều chui vào tài khoản hết thì mới kiểm soát được. Còn theo hiện nay hiệu lực ra thì thuế rất kém hiệu lực và không thực hiện được kiểm soát thu nhập. Tôi thấy điều này nó không thực tế.

Ngoài ra tôi đồng ý với các đại biểu Quốc hội là đây là một sự tập dượt, cho nên chúng ta cứ ban hành và tuyên truyền cho dân để người ta giác ngộ, còn ở các nước cứ phát sinh thu nhập là phải chịu thuế, như các đại biểu đã biết ở Thụy Điển, Đan Mạch nó thu thuế thu nhập tới 55%, rất cao. Của ta theo tôi rất thấp và tập dượt tán thành nhưng chúng ta phải chuẩn bị, chuẩn bị nhận thức tư tưởng về lực lượng nộp thuế và vấn đề phương tiện quản lý nền kinh tế này như thế nào để đảm bảo chúng ta kiểm soát thu nhập và điều tiết thu nhập. Tôi xin có một số ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan