Ý kiến của ĐBQH Đặng Thị Phượng – Tỉnh Tây Ninh

Thứ Sáu 14:06 10-11-2006
Kính thưa đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin có một số ý kiến về Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:

Trước hết, tôi xin nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế ngân sách về sự cần thiết phải ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân. Như ta biết, thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế trực thu, góp phần quan trọng trong nguồn thu của ngân sách Nhà nước, giúp cho Nhà nước điều tiết hợp lý thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Thực tế, nguồn thu từ thuế thu nhập với người thu nhập cao ở nước ta là rất thấp so với các nước, cụ thể chiếm 1,8% tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2004.

Năm 2005, nếu tính cả thuế thu nhập doanh nghiệp của một cá thể và thuế chuyển quyền sử dụng đất cũng chỉ chiếm 1% tổng thu ngân sách Nhà nước từ thuế, phí, lệ phí. Trong khi tỷ lệ nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân của các nước như Thái Lan, Philipin có  từ 12 - 16% hay Nhật, Đức, Mỹ khoảng 20 - 40%. Đồng thời theo số liệu điều tra, khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa những người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp có xu hướng ngày càng tăng, từ 3,7 lần năm 1993 đã tăng lên 13,5 lần năm 2004.

Mặt khác việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân góp phần làm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn nữa khi người dân của chúng ta thực hiện tốt nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân cũng chính là phát huy quyền làm chủ của mình và nâng cao trách nhiệm giám sát bộ máy Nhà nước và hoạt động tốt hơn, cải cách hiệu quả tốt hơn để phục vụ cho nhân dân. Đồng thời mạnh dạn yêu cầu Nhà nước đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của mình.

Về tên gọi của dự thảo luật, hiện nay đang có ý kiến khác nhau giữa 2 tên được đề xuất đó là Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Theo tôi chọn tên nào là tùy thuộc vào quan điểm thu nhập, thu thuế của thu nhập cá nhân được thể hiện xuyên suốt trong điều khoản luật, nếu có nhanh có thu nhập dù ít hay nhiều đều phải có nghĩa vụ đóng thuế thì dùng tên Luật thuế là thuế thu nhập cá nhân.

Với quan điểm cá nhân phải có thu nhập vượt trên ngưỡng nhất định, giảm trừ gia cảnh mới nộp thuế, thì dùng tên Luật Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Với nhận thức như thế, tên luật là Luật Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao là phù hợp.

Thứ ba, về thu nhập chịu thuế từ lãi tiền gửi tiết kiệm, ở Khoản 3, Điều 4 Dự thảo luật. Tôi băn khoăn về quy định này, sợ rằng sẽ không khả thi và còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, hạn chế đến việc huy động đầu tư phát triển từ tiền nhàn rỗi của nhân dân. Tâm lý của người gửi tiết kiệm ở nước ta thường thì xem đó là khoản tiền để dành, để tăng thêm thu nhập cho chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Khi số tiền đó bị đánh thuế dù ít hay nhiều thì cũng sẽ tạo tâm lý không tốt, dẫn đến việc người dân sẽ chuyển sang đầu tư về vàng, ngoại tệ hay cất giữ qua việc mua sắm tài sản khác. Hoặc người gửi tiền sẽ lách luật bằng cách chia nhỏ các khoản tiền gửi của mình tại nhiều ngân hàng khác nhau hay để người thân của mình đứng tên, để không phải đóng thuế từ tiền lãi gửi tiết kiệm.

Mặt khác cần xem xét đến việc tỷ số tăng giá hàng năm để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiết kiệm, tránh trường hợp thu vào vốn của người gửi tiết kiệm. Từ năm 2004 đến nay tỷ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao, nếu như tính theo đảm bảo giá trị đồng tiền thì có thể người gửi tiết kiệm sẽ bị thiệt thòi. Nếu không kìm chế được, tức là chỉ số tăng giá tiêu dùng cứ liên tục tăng và lại đánh thuế từ lãi tiền gửi tiết kiệm thì chắc chắn số lượng người gửi tiết kiệm sẽ bị giảm đáng kể.

Về giảm trừ gia cảnh ở Điều 18 theo dự thảo luật, theo quy định của Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thì những đối tượng thuộc diện nộp thuế là những người có thu nhập vượt ngưỡng chịu thuế là 4 triệu đồng một tháng sau khi được giảm trừ gia cảnh. Tôi băn khoăn về mức khởi điểm để tính thuế thu nhập cá nhân này, mặc dù lý lẽ trong Tờ trình của Chỉnh phủ về vấn đề này là khá thuyết phục. Băn khoăn đó là một lượng dự báo về chỉ số trượt giá tiêu dùng và mức thu bình quân đầu người năm 2009 trong Tờ trình của Chính phủ nêu có chính xác hay không? Nếu không thì với mức khởi điểm 4 triệu đồng một tháng của Chính phủ trình sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống và hành vi nộp thuế của người dân.

Thứ hai, nếu so mức bình quân thu nhập và mức chi tiêu, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu sinh hoạt cao, giá cả đắt thì mức khởi điểm này không đảm bảo.

Thứ ba, ngoài thuế thu nhập cá nhân người dân còn phải có nghĩa vụ khác và tham gia đóng góp các khoản qua các tổ chức xã hội quyên góp, hoặc chi phí cho đau bệnh hay rủi ro trong cuộc sống của mình.

Mặt khác, cần phải tạo điều kiện cho những người còn đang ở nhà thuê, nhà trọ có tích lũy để mua được nhà. Để giải quyết phần nào những băn khoăn trên và cũng như để kế thừa khởi điểm chịu thuế của Pháp lệnh Thuế thu nhập cao, cũng như là để được sự đồng tình cao của xã hội, tôi đề nghị nên giữ mức khởi điểm để tính mức thuế thu nhập cá nhân là 5 triệu đồng/tháng. Nên có lộ trình giảm dần một cách hợp lý khi mức bình quân thu nhập cao và xã hội đã quen dần.

Thứ năm về hướng dẫn thi hành tại Điều 33, tôi rất hoan nghênh Chính phủ đã trình Dự thảo quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân cùng một lúc với Dự thảo luật để Quốc hội có điều kiện nghiên cứu, đóng góp, đây là một điều rất hiếm so với một số luật trước nay, Dự án luật trước nay. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng đã đến lúc ta cần phải đổi mới cách soạn thảo điều luật về hướng dẫn thi hành và cách soạn thảo Nghị định chi tiết thi hành một văn bản luật. Tôi đề nghị thay câu "Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này" tại Điều 33 Dự thảo luật bằng câu "Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Điều 5, 6 luật này, thời hạn chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành", vì Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân có 4 Chương 33 điều, Dự thảo Nghị định chi tiết thi hành luật cũng có 33 điều, 4 chương trong đó có đến 28 điều giống nhau, không khác một từ hay một dấu phẩy, còn lại 5 điều thì đã có 2 điều, nếu lấy một vài khoản từ Dự thảo Nghị định bổ sung thêm cho Dự thảo Luật cũng không hề có một điều gì sai mà lại còn tốt hơn, đó là Điều 3 về giải thích từ ngữ. Với bổ sung thêm Khoản 7 trong Dự thảo luật là tổ chức cá nhân có trách nhiệm khấu trừ nộp thuế thay. Khoản 8, bổ sung, giải thích từ ngữ cấp dưỡng.Điều 4 về đối tượng chịu thuế với Khoản 1 thu nhập từ kinh doanh. Việc Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một vài điều và đúng thời hạn quy định sẽ khắc phục được tình trạng luật chậm đi vào cuộc sống. Việc Chính phủ nợ rất nhiều nghị định hướng dẫn và nhất là làm chuyển biến nhận thức và tâm lý của các ngành các cấplà phải chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, Thông tư của Bộ, ngành với tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời giải quyết một nghịch lý đang mặc nhiên tồn tại, đó là luật là văn bản pháp quy có giá trị pháp lý cao, nhưng lại không được xem là cẩm nang trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ hay áp dụng trong đời sống hàng ngày của nhân dân, thay vào đó là nghị định và thông tư. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan