Ý kiến của ĐBQH Châu Thị Lê – Tỉnh Bình Thuận

Thứ Sáu 14:12 10-11-2006
Thưa Quốc hội.

Tôi thống nhất với những lý do về sự cần thiết ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân và những quan điểm mục tiêu, yêu cầu của dự án luật mà Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế ngân sách của Quốc hội đã nêu. Tôi xin tham gia thêm một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về thu nhập chịu thuế. Đối với thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm, tôi đề nghị là chưa đưa vào đối tượng chịu thuế thu nhập vì những lý do như sau:

Thứ nhất, hiện nay Nhà nước đang khuyến khích huy động nguồn lực trong dân cho đầu tư phát triển, huy động tiền gửi tiết kiệm từ tiền nhàn rỗi của dân. Theo tôi, đây là một hình thức đầu tư phát triển gián tiếp. Gửi tiền vào ngân hàng để các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay kinh doanh, đầu tư phát triển sản xuất đang hấp dẫn chủ yếu đối với các đối tượng là người dành dụm, tích cóp dần, kinh doanh thì không đủ vốn, mua cổ phần chứng khoán thì không am hiểu và không dám. Họ gửi tiết kiệm để hạn chế rủi ro, để an tâm hơn. Nếu đóng thuế thu nhập với lãi tiết kiệm thì sẽ nảy sinh tình hình đối phó, chia nhỏ tiền gửi để gửi nhiều ngân hàng, hoặc sử dụng vào hoạt động kinh doanh tiền ngầm qua hình thức hụi, hè, cho vay lấy lãi mang tính rủi ro cao, Nhà nước không quản lý được mà nguy cơ xảy ra bất ổn cho đời sống một bộ phận dân cư có thể xảy ra.

Lý do thứ hai, theo quan điểm và mục tiêu xây dựng luật này là đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất, kinh doanh, gia tăng thu nhập, làm giàu chính đáng và việc ban hành và áp dụng thuế thu nhập cá nhân có tính đến những bước đi phù hợp với tình hình nước ta và thông lệ quốc tế.

Như vậy, bước đầu thực hiện thuế thu nhập, ta quy định lãi tiết kiệm trên 5 triệu phải nộp thuế thì đã là bước đi phù hợp chưa đối với nước ta hiện nay.

Đối với các nước, quản lý tiền tệ tốt, thông qua tài khoản cá nhân, cơ quan thuế có thể nắm được toàn bộ thu nhập của mỗi người và khi cần họ có thể đối chiếu và làm rõ những thu nhập chưa được kê khai nộp thuế. Ta nói thế để thấy rằng trình độ và điều kiện quản lý của nước ta so với các nước còn có khoảng cách, ta thường có xu hướng cứ thấy cái gì quản lý được thì cố quản lý cho chặt, nhiều khi lại quá chặt, còn những hoạt động gì quản lý không được thì ta thả nổi. Chính vì thế nếu ta đánh thuế lên tiền lãi tiết kiệm có khi cũng không quản lý được nhiều hơn hiện nay, vì sẽ có tình trạng tránh gửi tiền thông qua các tổ chức có chức năng mà sẽ hoạt động ngầm, cái này cũng lợi bất cập hại.

Thứ ba, bên cạnh việc tiền gửi là khoản tích lũy được sau khi nộp tiền thuế thu nhập cá nhân là tiết kiệm được thì đánh thuế lên tiền lãi tiết kiệm là đánh thuế lên phần tích lũy tăng thêm qua hoạt động của ngân hàng.

Tuy nhiênđây là loại thuế nước ta bắt đầu thực hiện, cũng như các loại thuế như ta thực hiện trước đây là VAT thì ta cũng phải có một thời gian và thời gian đó sau khi ta thực hiện cũng có những việc ta phải điều chỉnh lại, ta phải rà soát và bổ sung Luật thuế VAT, thì ở đây Luật Thuế thu nhập cá nhân ta cũng phải tính đến việc bước đầu ta tập quen dần với việc cho người dân nộp thuế, sau đó, ta có những bước ta làm kỹ hơn và toàn diện hơn. Theo giải trình của bên thuế, rõ ràng nộp thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiết kiệm nó không lớn, nó rất nhỏ, ví dụ 700 triệu, mới nộp là 50.000, nếu ta cho rằng nó còn nhỏ, nó chưa đáng chưa có phải là khoản lớn cho thu ngân sách, tôi cũng đề nghị nếu nó không lớn thì ta cũng chưa nên đưa vào diện thu thuế trong đợt này. Vì các lý do trên, vì lý do tiền nộp không lớn, rất nhỏ so với cái được, cái không được trong việc nộp thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, trong tình hình và điều kiện nước ta trong vài năm tới. Tôi đề nghị không thu thuế.

Thứ hai, tôi xin có ý kiến về giảm trừ gia cảnh, theo tôi, mức thuế điểm chịu thuế phải bảo đảm được đời sống tương đối cho từng cá nhân, nghĩa là phải đáp ứng được yêu cầu ăn ở, học hành, khám chữa bệnh, nuôi dưỡng cha, mẹ, con cái. Ý kiến của tôi khác chị Phượng ở chỗ luật này không phải ta điều chỉnh đối với cá nhân có thu nhập cao, vì điểm khởi điểm phải đảm bảo được điều kiện đời sống tương đối cho người dân. Theo Tờ trình của Chính phủ thì số liệu thống kê của Nhà nước công bố về thu nhập và chi tiêu, bình quân đầu người hàng năm là 48 triệu/năm, nghĩa là 4 triệu/1 tháng và ý kiến xu hướng của Ủy ban Kinh tế ngân sách trình Quốc hội là 5 triệu/1 tháng. Theo tôi, đối tượng đóng thuế thu nhập chủ yếu sẽ tập trung ở khu vực đô thị, thành phố. Bởi vì khu vực nông thôn thì khoản thu nhập này khó có người đạt được, nhưng ở thành thị mức này tương đối phổ biến. Chi phí cho ăn, nhà ở, học hành, khám, chữa bệnh, mặt bằng giá cả rất khác so với khu vực ở nông thôn. Nếu lấy chi tiêu và thu nhập bình quân đầu người cả nước là không hợp lý. Ở đây, vẫn hiểu là thuế thu nhập là để điều tiết thu nhập hợp lý, góp phần vào việc thu ngân sách của Nhà nước, nhưng cũng phải tính đến sự sinh hoạt, đảm bảo đời sống, vì vậy, tôi đề nghị cần phải có khảo sát, điều tra lại kỹ hơn, thu thập thêm ý kiến của nhân dân để xác định mức khởi điểm chịu thuế và đối tượng được giảm trừ, gia cảnh.

Cũng cần phải xem xét đến việc dành dụm của cá nhân để phòng khi ốm nặng, gia đình ma chay, cưới hỏi, người chưa có nhà ở, người nộp thu nhập nhiều năm sau đó thất nghiệp không có thu nhập và việc đảm bảo thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thế nào để người nộp thuế thu nhập không phải khó khăn khi về hưu, khi chữa bệnh.

Ở đây báo cáo với Quốc hội, khi chúng ta có thu nhập trên 5 triệu thì ta đóng thuế thu nhập, nhưng khi ta thất nghiệp thì khoản này ta điều tiết như thế nào? Bảo hiểm xã hội hiện nay có đủ để đảm bảo đời sống của những người về hưu hay không? Hoặc bảo hiểm y tế khi ta đóng thuế như vậy, khi ta ốm đau thì hệ thống của bảo hiểm y tế như thế nào? Tới bệnh viện như vậy cũng phải theo hệ thống mà nó không giống như chúng ta so sánh với các nước, hệ thống bảo hiểm y tế của ta không giống như các nước. Như vậy tôi thấy sự so sánh với các nước trong điều kiện hiện nay còn khập khiễng. Cũng như một số người nộp thuế thu nhập phải nuôi dưỡng cha mẹ, con cái, anh em ruột, ở đây đặt vấn đề tôi nghĩ anh em ruột cũng có thể nằm trong đối tượng phải nuôi dưỡng nếu mà anh em ruột không có khả năng lao động được hoặc con cái trên 18 tuổi nhưng vẫn còn đi học thì ta cũng phải đặt vấn đề này để có mức giảm trừ gia cảnh cho hợp lý. Vấn đề này tôi đề nghị Ban soạn thảo, các anh có xem xét thêm.

Về quản lý thuế, tại Điều 9 dự án luật quy định việc kê khai, khấu trừ, nộp thuế, quyết toán thuế, xử lý vi phạm về thuế và các biện pháp quản lý thuế thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế, ta nói rất gọn. Nhưng tại Điều 22 trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế hoặc cá nhân cư trú báo cáo với Quốc hội, trong 2 điều này việc quy định trích trực tiếp thu nhập của người phải nộp thuế chúng ta làm rất kỹ, nhưng việc hoàn thuế lại cho người nộp quá thu nhập thì chúng ta lại không có một quy định nào, gọi là trách nhiệm của cơ quan thuế hoàn thuế, thời gian là bao nhiêu. Bởi vì có những đối tượng người ta không phải lương hàng tháng mà người ta làm từng việc, từng hợp đồng, ta thu theo hợp đồng như vậy thì nhiều lúc hợp đồng như vậy nếu cộng hết hợp đồng thì thu nhập người ta không đủ, chưa đến 5 triệu nhưng người ta thu trước, khi nào mình thoái thu, đây là việc mà tôi nghĩ rằng trong dự án luật phải xem xét lại và có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế đối với những khoản thoái thu đối với những người nộp thuế thu nhập. Xin hết

Các văn bản liên quan