Không nên thu từ nguồn lãi tiền gửi tiết kiệm

Thứ Hai 15:00 25-09-2006

Tôi hoan nghênh dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân lần này. Nhưng có một số điểm tôi chưa đồng tình. Chẳng hạn, Ban soạn thảo Luật thuế thu nhập cá nhân lập luận là để bảo đảm công bằng thì người gửi tiết kiệm, thu lãi hàng chục triệu đồng hằng tháng phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tôi cho rằng đây là kiểu tận thu, chưa khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm. Trong khi đó, chúng ta kêu gọi khơi thông kênh huy động từng xu, từng đồng nhàn rỗi trong dân cư, mong muốn "góp gió thành bão" để có nguồn vốn lớn đầu tư cho những công trình trọng điểm quốc gia.

 

Sở dĩ tôi chưa đồng tình là vì nền kinh tế nước ta còn ở mức kém phát triển, thu nhập của người dân thấp. Chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ còn cao. Thật ra, khi nói chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ tăng, nghĩa là nói sức mua của đồng tiền giảm so với trước. Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng 12-2005, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2006 tăng 4,8% và giá tăng ở tất cả mười nhóm hàng hóa và dịch vụ. Nhưng so với tháng 8-2005 thì giá tiêu dùng tháng

 

8-2006 tăng 7,5%. Rõ ràng, do trượt giá so cùng kỳ năm ngoái, sức mua của đồng tiền năm nay giảm 7,5%. Chẳng hạn, theo Ngân hàng TMCP Eximbank, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm tại Hà Nội, kỳ hạn chín tháng là 0,75%/tháng. Như vậy, 12 tháng là 9%. Trong khi đó, tám tháng qua, sức mua của đồng tiền đã giảm 7,5%. Tính ra, lãi gửi tiền tiết kiệm thật sự chỉ còn 1,5%/năm.

 

Cho nên, trong khi chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ tăng ở mức cao, thì cần hiểu rằng trong tiền lãi gửi tiết kiệm có cả sự mất giá của đồng tiền.

 

Vì vậy, trong những năm tới, khi sức mua của đồng tiền chưa ổn định một cách vững chắc thì không nên tận thu thuế thu nhập cá nhân từ nguồn lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

 

         

Các văn bản liên quan