Ý kiến của LS Nguyễn Ngọc Bích

Thứ Sáu 15:57 22-09-2006

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi luật ấy được ban hành thì tác động của nó sẽ như thế nào? Chúng ta thử nhìn nó trong ba khía cạnh: tính chất của thuế, yếu tố tâm lý, và khả năng hành thu.

   

Khác với trước

So với Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (luật cũ) thì luật mới này khác ở hai điểm. Thứ nhất, mục đích của nó không còn là thu cho ngân sách mà là đảm bảo công bằng xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Điều này phản ánh sự thay đổi về nhận thức của những người có trách nhiệm: rằng không cần phải làm một cuộc cách mạng triệt để, đập tan một bộ máy nọ, máy kia... để tạo nên công bằng xã hội. Kinh nghiệm nhân loại đã chỉ ra một cách làm khác có cùng tác dụng - dùng thuế để điều tiết thu nhập.

 

Thứ hai là cách hành thu. Khi soạn luật cũ, các nhà soạn thảo chủ trương một cách hành thu dễ dàng và hiệu quả; ấy là phân chia ra thu nhập thường xuyên hay không, ấn định những mức khác nhau của lợi tức chịu thuế, rồi định mức thuế lũy tiến. Làm cái rẹc là xong! Tất nhiên không kể phụ thu. Các sự sửa đổi của luật ấy về sau chỉ là thay đổi mức lợi tức chịu thuế. Một kiểu hành thu - dùng ngôn từ của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - lạc lõng!

 

Cách hành thu mới chấp nhận một sự giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế trên số tiền mà một người thu được: tiền lương, tiền công, kinh doanh... Sự giảm trừ kia gồm có chi phí để người chịu thuế sinh sống và để cho số người mà họ phải nuôi dưỡng, được chia theo ba mức khác nhau tùy tuổi tác. Cách làm này dựa trên nguyên tắc là chỉ điều tiết một phần thu nhập của những người có lợi tức cao hơn mức bình quân xã hội. Nó khác cách làm hiện nay nhưng không phải là mới; vì các nước khác đã áp dụng từ lâu rồi thậm chí ở cả miền Nam trước 1975. Sự khác biệt chỉ là mỗi nước chọn lựa các trường hợp giảm trừ khác nhau. Chẳng hạn luật của Anh chia sự giảm trừ ra hai thứ: chước giảm (allowance) và chi phí (expense). Chước giảm dành cho cá nhân, cho người từ 65-74 tuổi; trên 75; góa phụ, người tàn tật; chi phí là tiền trả lãi do vay tiền để mua nhà. Luật của Mỹ giảm trừ cho các khoản đóng góp từ thiện, trả lãi mua nhà, chiết giảm gia cảnh...

 

Giống như các nước khác về các loại thu nhập bị tính thuế, luật mới không còn chia theo cách nhận thường xuyên hay không mà gọi chung tất cả là thu nhập, trong đó có các loại mà luật cũ không thu như tiền lãi từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản. Công bằng mà nói, những khoản thu mới này là cần thiết vì, lấy thí dụ, trước kia một người đi làm có hai con, có mua chứng khoán, thì cứ nếu thu được 5 triệu trở lên thì họ phải đóng thuế, tiền lời chứng khoán được tha; nhưng nay thì phải trên 7,2 triệu họ mới bị thu. Như vậy, Nhà nước bị thiệt hơn 2 triệu; vậy thì phải bù lại bằng cách thu tiền lãi từ chứng khoán. Các nước khác cũng làm như thế cả.

 

Yếu tố tâm lý

Trong tâm lý của người chịu thuế, khoản nào được chước giảm thì họ dễ quên, còn khoản nào mới bị thu thì họ nhớ để... phàn nàn! Vì thế đã có những sự cảnh báo về việc này. Ở ta tác động tâm lý đối với thuế lợi tức cá nhân sẽ rất mạnh vì đa số người không quen với việc đóng thuế cá nhân. Nguyên do là đã từ rất lâu, chúng ta tìm cách thiết lập công bằng xã hội ngay từ khi thu nhập chưa rơi vào tay người hưởng dụng; tức là khi ấn định mức lương. Trong chế độ lương của ta, lương của chủ tịch nước chỉ gấp 13 lần lương người lao động bậc 1. Do vậy, chẳng ai có thu nhập để biết về thuế và đóng thuế; mãi cho đến khi có đầu tư nước ngoài, tức là sau năm 1990 mới có và dành cho người có thu nhập cao mà kiểm soát được.

 

Ở những nước phát triển, thuế thu nhập cá nhân góp cho ngân sách rất cao, đến 30-40% (Mỹ, Nhật); số còn lại là từ thuế trị giá gia tăng. Ngân sách nhà nước của họ không trông chờ vào thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu như ở ta. Nhờ đó họ dễ áp dụng những chính sách ưu đãi khác nhau cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ ăn nên làm ra; khi ấy họ sẽ tăng lương cho người lao động; người sau sẽ đóng thuế nhiều hơn. Các chính phủ ấy có phương tiện để tác động làm cho nền kinh tế quốc dân phát triển. Nhà nước ta chỉ trông vào có mỗi doanh nghiệp; nên chỉ có thể áp dụng các biện pháp ưu đãi có tính “giật gấu vá vai” trong nội bộ doanh nghiệp. Không thu được thuế của cá nhân mà giảm thuế cho doanh nghiệp là ngân sách thiếu tiền ngay. Vì vậy, lâu lâu ta lại nghe thấy việc phải thúc đẩy các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội; chứ chẳng bao giờ nghe thấy phải dễ dãi hơn cho người lao động khi họ lấy lại tiền của họ.

Trước kia cá nhân ít phải đóng thuế nên họ không quan tâm đến sự chi tiêu của Nhà nước, như việc cấp tiền cho doanh nghiệp thi hành án ở nước ngoài; hoặc không khó chịu lắm khi bị công chức hành. Nay biết mình đóng thuế để đưa vào ngân sách nhà nước thì người dân sẽ không còn thờ ơ với việc chi ngân sách, hay với thái độ phục vụ của công chức. Nỗi ấm ức vì phải đóng thuế sẽ phải giải tỏa bằng cách lên tiếng trước các sự bất bình kia. Khi ấy xã hội phải có những kênh chính thức giúp công dân đã đóng thuế lên tiếng. Kênh đó không phải là báo chí; vì báo chí chỉ có thể bêu lên làm xấu mặt cá nhân bị chỉ trích; chứ không có quyền bãi chức người ấy. Phải là những người được dân cử cơ! Có quyền bãi chức cơ! Ta biết là ai và nơi nào? Kênh ấy sẽ phải đổi thay! Tóm lại, về mặt tâm lý sẽ có nhiều tác động âm thầm nhưng mạnh mẽ.

 

Khả năng hành thu

Hiện nay, với thuế thu nhập cá nhân, sở thuế chỉ lấy được bằng cách là thu tại nơi trả tiền, hay thu tại nguồn; và thứ hai buộc những người nổi tiếng phải tự khai; vì họ có thu nhập cao do ký hợp đồng với các công ty lớn, nơi này khai số tiền đó ra khi đóng thuế thu nhập. Trong tương lai hai cách này vẫn còn hiệu quả nhưng việc thu thuế vẫn bị giới hạn.

 

Sự giới hạn sẽ tồn tại bao lâu hệ thống ngân hàng còn phục vụ khách hàng như hiện nay. Có bao nhiêu cá nhân được ngân hàng gửi thư hàng tháng cho biết số tiền ra vào của họ trong tài khoản và có bao nhiêu người muốn trả tiền cho người khác mà không phải đích thân đến ngân hàng rút tiền mặt hay lập ủy nhiệm chi? Cách phục vụ như thế (mà không phải hoàn toàn do lỗi của ngân hàng) không thúc đẩy cá nhân gửi tiền ngân hàng. Ở các nước mà dân cư gửi tiền ở ngân hàng nhiều, sở thuế coi chứng từ ngân hàng là chính vì nó chứng tỏ đồng tiền chuyển dịch, hóa đơn chỉ là phụ. Ở ta, hóa đơn đỏ là chính, nó có tác dụng như một tấm chi phiếu của sở thuế, do chính nơi đây phát hành, để thu được thuế. Sở thuế còn đối xử với ngân hàng như thế thì sao khuyến khích dân chúng gửi tiền ngân hàng? Bởi thế cho nên cần phải thay đổi tâm lý, thói quen và sự mong đợi của dân chúng đối với ngân hàng trước khi nghĩ đến một phương tiện hiệu quả cho việc thu thuế cá nhân một cách đại trà.

 

Ngân hàng Nhà nước quy định việc thanh toán không dùng tiền mặt thì bó buộc được doanh nghiệp, chứ không thể với cá nhân. Có máy ATM thì tiện hơn cho người gửi tiền một tí; nhưng chưa đủ! Người ta sẽ ít ngại ngần trả thuế khi chỉ việc ngồi ở nhà, xé tấm chi phiếu, bỏ vào phong bì gửi đi; chứ còn đi đóng thuế để mà xếp hàng chầu chực như ngày xưa ở cửa hàng lương thực thời bao cấp thì ai sẽ đi? Phải có phương tiện giúp thu thuế trước khi tính tới khả năng thu thuế.

 

Một vài viên chức có nói đến mã số thuế cá nhân như là một cách kiểm soát. Vâng, có thể nhưng người ta không xin cấp thì sao? Chỉ còn cách thu tại nguồn, vì người chi trả không trích lại một số để nộp thuế thì khoản chi kia sẽ bị bên thuế xuất toán. Thế nhưng bệnh nhân có dám “thu tại nguồn” tiền trả cho bác sĩ không? Một vài người không xin mã số thuế thì sở thuế chế tài được; nhiều người không làm thì sở sẽ chào thua vì mã số thuế không dễ nghe, dễ thấy và dễ kiểm để mà bắt họ như... mũ bảo hộ!

Các văn bản liên quan