Bản góp ý của VCCI

Thứ Ba 13:55 12-09-2006

I.                   DẪN ĐỀ
 
Để đáp ứng nhu cầu phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế của nước ta hiện nay và hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế, việc ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân là một yêu cầu tất yếu. Nộp thuế là nghĩa vụ của mọi công dân, để việc nộp thuế được hiệu quả, chúng ta cần một hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng, đơn giản, dễ dự đoán và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần một cơ chế hành thu và quản lý thuế hiệu quả.
Tờ trình Chính phủ về Luật thuế thu nhập cá nhân và Dự thảo Luật này còn nhiều nội dung chưa thực sự rõ ràng, chưa mang tính thuyết phục cao. Trong bản góp ý này, chúng tôi xin bàn về một số nội dung chủ yếu có ý nghĩa định hướng cho việc hoàn thiện Dự thảo.
 
II.                QUAN ĐIỂM CHUNG VỀ DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
 
1.      Sự tác động của Luật thuế thu nhập cá nhân tới việc điều tiết thu nhập cá nhân và điều tiết nền kinh tế vĩ mô
 
Có thể nói thuế thu nhập cá nhân sẽ ảnh hưởng tới lợi ích trực tiếp của người dân. Người dân có nghĩa vụ đóng thuế, tuy nhiên việc đóng thuế như thế nào sẽ có ảnh hưởng ngược lại tới hành vi của người dân. Nói cách khác, Luật thuế thu nhập cá nhân có tác động hai chiều, việc điều tiết thu nhập của cá nhân sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế và ngược lại. Nếu như mục tiêu của Luật thuế thu nhập cá nhân là chỉ điều tiết thu nhập, điều đó sẽ rất dễ dẫn đến việc không tính tới ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Cần có sự hài hoà giữa điều tiết thu nhập và phát triển kinh tế.
 
Hiện nay Nhà nước có chính sách mở rộng và phát triển quyền tự do kinh doanh và thu hút vốn đầu tư từ nhân dân. Tuy nhiên một số quy định của Dự thảo dễ gián tiếp làm giảm hiệu quả chính sách trên. Ví dụ, nếu Dự thảo áp dụng tính thuế đối với tiền gửi tiết kiệm (Khoản 1, Điều 20 Dự thảo), người dân dễ sẽ rút vốn mua vàng, mua bất động sản để đầu cơ. Người dân cũng có cách khác là có thể bỏ tiền ra để cho vay, mua chứng khoán để hưởng lợi tức. Tuy nhiên Dự thảo cũng áp dụng mức thuế tương tự, thêm vào đó là mức trượt giá của đồng tiền nên phương thức tối ưu cho người dân là bảo toàn đồng vốn trong nhà. Như vậy điều luật này ra đời không những không đảm bảo được nguồn thu thuế cho Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng tới hành vi kinh doanh của người dân. Ngoài ra, việc đánh thuế vào phần gửi tiết kiệm, nếu không có biện pháp hành thu có hiệu quả, càng dễ bị vô hiệu bởi người gửi có thể chia nhỏ số tiền gửi, phân tán gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau…
 
Cũng nên chú ý vào hai trường hợp thuế khác là thuế chuyển nhượng vốn và thuế chuyển đổi, chuyển nhượng bất động sản. Theo Khoản 2 và 3 Điều 20 của Dự thảo, hai loại kinh doanh này được áp cùng một mức thuế khá cao là 25%. Có thể nói việc áp thuế cao như vậy sẽ ảnh hưởng nặng nề tới thị trường kinh doanh bất động sản và thị trường vốn là hai thị trường quan trọng đối với nền kinh tế của nước ta mà hiện nay, mới đang trong quá trình đưa vào hoạt động có tổ chức. Nếu khuyến khích các hoạt động này phát triển thì điều đầu tiên là cần đảm bảo lợi ích kinh doanh cho nhà đầu tư. Việc đặt một mức thuế cao lên loại kinh doanh mạo hiểm như thế sẽ dẫn tới nhiều rủi ro hơn cho các cá nhân kinh doanh. Kết quả dễ thấy của chính sách này là không khuyến khích sự tham gia của người dân vào các hoạt động kinh doanh này, thay vào đó họ sẽ sử dụng vốn cho mục đích khác. Ngoài ra, cần lưu ý là các cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh này luôn phải đối mặt với mạo hiểm và thua lỗ. Tuy nhiên theo điều 9 của Dự thảo thì việc áp thuế lại đương nhiên áp dụng trực tiếp khi các chủ thể này thực hiện các giao dịch. Như vậy, trong quan hệ này, Nhà nước là chủ thể an toàn nhất trong khi cá nhân kinh doanh lại là người phải chịu rủi ro và thiệt thòi. Nên chăng, chúng ta cần quy định theo hướng Nhà nước cần bảo bảo đảm sự hài hoà giữa quyền kinh doanh của người dân hơn với việc thu thuế minh bạch, bảo đảm sự an toàn cho kinh doanh của họ.
 
2.      Lợi ích và chi phí của việc ban hành và tổ chức thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân
 
Phương pháp đánh giá tác động của một dự án luật RIA ở góc độ tính toán lợi ích và chi phí là công việc được hầu hết các nước phát triển áp dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc đánh giá này chưa được chú trọng trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật ở nước ta hiện nay. Nếu áp dụng phương pháp này vào xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân ở nước ta, cần chú ý tới hai nội dung cơ bản sau:

-               Thứ nhất, cần phân tích các chi phí và lợi ích đạt được khi đạo luật này được thông qua và đi vào thực hiện.

-               Thứ hai, cần so sánh các phương án khác nhau trong đó tìm ra một phương án có thể mang lại hiệu quả cao nhất để có thể thông qua.

Tờ trình cần làm rõ hơn ít nhất là hai nội dung trên. Ví dụ, dự đoán số người phải nộp thuế, số thuế sẽ thu được, tỉ lệ % số thuế thu được trong tổng số thuế (có so sánh với các nước). Chi phí (bao gồm cả nguồn lực, tài chính mà Nhà nước phải bỏ ra để thu thuế; các chi phí khác mà xã hội phải bỏ ra…Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ảnh hưởng và giá trị của các quan hệ thu thuế trong tương lai khi dự luật được thông qua. Để có thể đạt được mục tiêu đưa ra, cần có nhiều phương án khác nhau, sau khi so sánh, nhà làm luật tìm ra phương án có thể mang lại hiệu quả lớn nhất.

Trên thực tế, những dữ liệu làm cơ sở cho việc ra đời dự luật là chưa thực sự thuyết phục (như mức thu nhập chịu thuế, mức trượt giá) và trong đó chưa nghiên cứu đến các ảnh hưởng và lợi ích khi đạo luật ra đời (phản ứng tiêu cực tới các quy định pháp luật). Trong trường hợp đó, nhà làm luật có biện pháp nào, quy định nào nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực hay lách luật?

Dự luật cần phải được xây dựng, cân nhắc và phân tích rõ ràng hơn nữa trước khi được ban hành.
 
III.             MỘT SỐ NỘI DUNG KIẾN NGHỊ CỤ THỂ CHO DỰ THẢO
 
1.      Phạm vi đối tượng chịu thuế
 
Nói chung phạm vi đối tượng chịu thuế trong dự thảo là khá đầy đủ. Tuy nhiên dự thảo không xác định rõ liệu cá nhân dưới 18 tuổi có phải chịu thuế hay không. Nếu phải chịu thì cách tính thuế sẽ giảm ra sao? Vì rất có thể việc tính thuế cho cá nhân dưới 18 tuổi sẽ mâu thuẫn với việc triết trừ gia cảnh.
 
2.      Khởi điểm tính thuế
 
Khởi điểm tính thuế được coi là tiêu điểm của Dự luật này. Thực tế hiện nay chưa có nghiên cứu chính thức nào công bố về mức thu nhập bình quân chịu thuế ở nước ta. Nếu không có số liệu chính xác về mức thu nhập mà đưa ra các mức như trong Dự thảo sẽ gây ảnh hưởng tới thu nhập và hành vi nộp thuế và kinh doanh của người dân. Thêm vào đó dựa trên mức trượt giá từ nay đến năm 2009 thì mức khởi điểm tính thuế 4 triệu đồng theo dự thảo là thấp. Theo chúng tôi mức khởi điểm thấp nhất nếu có thể cũng phải từ mức 5 triệu.
 
3.      Về giảm trừ gia cảnh
 
Giảm trừ gia cảnh là một nội dung mới được áp dụng trong luật. Tuy nhiên các quy định trong luật được đưa ra chưa thực sự rõ ràng.

-               Thứ nhất đó là cách thức tính giảm trừ gia cảnh: Dự thảo chưa tiên liệu hết các trường hợp, ví dụ như trường hợp có con trên 18 tuổi nhưng còn đang đi học, trong Dự thảo chưa có quy định.

-               Thứ hai là mức giảm trừ tối đa: quy định trong Dự thảo chưa hợp lý: Mức giảm trừ tối đa là 10 triệu theo Mục 2 Điều 19 của Dự thảo mang tính cứng nhắc.
 
4.      Biểu thuế
 
Theo biểu thuế tại Mục 2 và 3 của Điều 20 trong Dự thảo đối với chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản cá nhân phải chịu mức thuế là 25%. Theo quan điểm của chúng tôi, mức thuế như thế này là quá cao.

Bên cạnh đó, không có sự rõ ràng giữa biểu thuế toàn phần và biểu thuế luỹ tiến tại điều 18 và điều 20 của Dự thảo. Liệu có tính thuế đối với các thu nhập đã được tính thuế tại điều 20 của dự thảo không? Nếu có thì theo Dự thảo thu nhập của các cá nhân đã bị tính thuế hai lần, đây là điều cần tránh trong các đạo luật thuế.
 
5.      Vấn đề thuế đối với người nước ngoài
 
Dự luật quy định áp dụng chung một mức thuế đối với cả cá nhân trong nước và người nước ngoài. So với cá nhân trong nước, hầu hết người nước ngoài có mức thu nhập cao hơn nhiều. Nếu chúng ta áp dụng cùng một công cụ quản lý thuế thì người nước ngoài phải đóng thuế với mức khởi điểm thấp hơn so với các quy định trước đây. Điều này liệu có khuyến khích người nước ngoài là các chuyên gia giỏi đến Việt Nam làm việc, kinh doanh? nhất là trong bối cảnh cạnh tranh, thu hút đầu tư, công nghệ gay gắt như hiện nay. Nhà làm luật cần có những quy định rõ ràng và phù hợp hơn cho trường hợp này.
 
6.      Tác động của luật thuế đối với người dân,  với công chức thu thuế Nhà nước có dự tính được khả năng người dân sẽ phản ứng như thế nào với  các hoạt động thu thuế?  Nhà nước cần chuẩn bị những điều kiện gì để cải cách hơn nữa hệ thống hành thu hiện nay trong điều kiện các giao dịch tiền mặt còn phổ biến?

Các văn bản liên quan