Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đức Dũng – Tỉnh Kon Tum

Thứ Ba 09:14 20-06-2006

Tôi băn khoăn về hai vấn đề:
Thứ nhất, về vấn đề nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý quy định ở Điều 12, lần trước tôi đã phát biểu rồi, nhưng Thường vụ nói như vậy hợp lý, tôi lại thấy vấn đề quy định ở Khoản 4 là chúng ta quy định việc người được trợ giúp pháp lý không được nhờ đến mấy tổ chức trợ giúp pháp lý cùng một lúc về cùng một vụ việc. Tôi rất băn khoăn chỗ này, tôi nghĩ trợ giúp pháp lý là "quyền" của người được trợ giúp pháp lý, đã là quyền của tôi rồi thì tôi có thể nhờ ông A, nhờ ông B, ông C, tôi có thể nhờ Trung tâm trợ giúp, tôi có thể nhờ Văn phòng luật sư người ta nhất trí giúp đỡ cho tôi, càng nhiều người giúp đỡ càng tốt, chứ có gì đâu phải hạn chế. Chúng ta chỉ hạn chế khi là nghĩa vụ hoặc trách nhiệm, nếu nghĩa vụ thì quy định anh chỉ được như thế này thôi, trách nhiệm cũng chỉ được như thế này thôi, còn "quyền" không nhất thiết như thế. Tôi cho rằng một người được trợ giúp pháp lý càng được nhiều người trợ giúp càng tốt, không có gì khó khăn cả.

Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu thử xem cái này nó là quyền hay là nghĩa vụ. Đã viết như thế này là nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý chứ đâu phải là quyền. Cho nên, tôi đề nghị bỏ Khoản 4, Điều 12. Nhưng ta hoàn toàn có thể khống chế được vấn đề này, ta có đưa vấn đề này sang Điều 45, tức là những trường hợp từ chối thụ lý, từ chối trợ giúp pháp lý, những trường hợp là anh phát hiện ra người đó đã nhờ một Tổ chức trợ giúp pháp lý trợ giúp rồi, thì anh có quyền từ chối, cái đó lại được. Nếu ta quy định như Điều 12 thì quyền trở thành nghĩa vụ, tôi thấy như vậy không đúng. Đấy là vấn đề thứ nhất tôi thấy băn khoăn.

Vấn đề thứ hai, tôi muốn nói về thù lao, chi phí của người được trợ giúp pháp lý, là cộng tác viên, luật sư, tư vấn pháp luật ở Điều 22, 23, 24. Chúng ta đều biết rằng nguyên tắc trợ giúp pháp lý của chúng ta là trách nhiệm chính của Nhà nước. Nhà nước trợ giúp cho công dân của mình khi người ta có yêu cầu. Đồng thời với nguyên tắc xã hội hoá thì chúng ta huy động toàn lực của xã hội để làm việc trợ giúp pháp lý này. Cho nên ở Điều 6, các đại biểu nghiên cứu thì thấy rất rõ là chính sách trợ giúp pháp lý của chúng ta thì:
1. là trách nhiệm của Nhà nước;
2. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và khuyến khích Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư, cơ quan và các tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, tự nguyện đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tôi cho rằng nguyên tắc này là hoàn toàn chính xác. Xác định vai trò trách nhiệm chính là của Nhà nước. Nhưng đồng thời chúng ta có thể xã hội hoá được công việc này. Thế nhưng, trong phần ở đây là xã hội hoá, thì báo cáo với các đồng chí là trách nhiệm của các cá nhân tham gia thực hiện, có chuyện là có người có khả năng thì người ta dùng trí tuệ, công sức của người ta, người ta trực tiếp thực hiện việc trợ giúp pháp lý, có người có tiền của nhưng người ta không trực tiếp thực hiện, người ta đóng góp bằng tiền của cho Quỹ trợ giúp pháp lý. Cho nên, ở đây tôi thấy giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này hình như các đồng chí nhấn mạnh chuyện tự nguyện và không nhận thù lao bồi dưỡng. Cái này tôi thấy tuyệt đối hóa là hoàn toàn không phải như vậy.

Báo cáo với quý vị là cũng có những người ta dùng công sức trí tuệ trực tiếp tham gia, nhưng người ta vẫn phải nhận một khoản thù lao bồi dưỡng, nhất là chi phí hoạt dộng cho trợ giúp pháp lý, chi phí này rất lớn. Cũng có người không nhận tất cả, nhưng cũng có người phải nhận một phần, người ta dứt khoát là phải nhận mới có hoạt động được. Tôi nói ví dụ như để trợ giúp pháp lý thì có khi người trợ giúp pháp lý phải đi điều tra, thu thập chứng cứ v.v... có khi phải đi công tác ngoài tỉnh, ở khách sạn, đi công tác thì chi phí đó rất tốn mà bây giờ không nhận thù lao, không nhận gì cả thì tôi không biết thực thi trong thực tế như thế nào? Ở đây ta thấy có vấn đề là giữa cơ quan tổ chức pháp lý của Nhà nước, là các chuyên viên trợ giúp pháp lý của Nhà nước đi làm trợ giúp pháp lý thì được nhận lương, được nhận các khoản công tác phí để thực hiện việc trợ giúp pháp lý. Còn với những người không phải là Nhà nước nhưng lại không được nhận thù lao và cũng không được nhận công tác phí. Vậy không biết chuyện này là như thế nào mà cũng chỉ là nhiệm vụ trợ giúp pháp lý thôi, thì nó là như thế nào? Có phải chúng ta nhấn mạnh quá việc anh vừa phải đóng góp công sức, vừa phải đóng góp tiền của hay không, hay là xã hội hoá được bằng việc có người có công sức, có trí tuệ thì đóng góp và thực hiện, có người thì người ta đóng góp cả hai, có người chỉ đóng góp tiền của thôi.

Thực tế hiện nay, trợ giúp pháp lý của chúng ta, báo cáo với quý vị, chúng ta đang thực hiện là những người cộng tác viên hiện nay vẫn phải được hưởng thù lao. Tham gia trợ giúp pháp lý, nếu người ta làm dịch vụ thì người ta sẽ thu phí cao hơn rất nhiều. Ví dụ, thu phí dịch vụ có khi hàng trăm, vài ba trăm ngàn nhưng làm cộng tác viên của trợ giúp pháp lý thì chỉ được trả 25.000đ - 30.000đ. Đấy là người ta đóng góp một phần công sức, trí tuệ của người ta để người ta thực hiện rồi.

Thứ hai là công tác phí, tất cả các chi phí của cộng tác viên đi là trung tâm phải lo bù vào thù lao đó, nhưng bây giờ như thế này thì rõ ràng là người ta lấy tiền đâu người ta đi xe, người ta lấy tiền đâu người ta đi điều tra v.v... Và không có ai lại bỏ tiền nhà ra để đi thực hiện những việc như thế này cả và không có ai lại nhịn ăn, chỉ hít thở không khí để đi làm việc trợ giúp pháp lý cả. Nếu ta đưa ra điều luật như thế này thì báo cáo quý vị rất khó thực hiện, rất khó xã hội hoá. Tôi nói tất cả thành viên của các đoàn thể người ta cũng rất khó làm, dù người ta có nhận lương Nhà nước thì cũng không thể làm được.

Tôi đề nghị cần phải nghiên cứu lại chỗ này như thế nào, chúng ta xã hội hoá nhưng không phải là gộp cả chuyện vừa đóng góp công sức lại vừa đóng góp tiền của vào đây mà phải phù hợp, như hiện nay tôi cho là phù hợp. Tức là người tham gia trợ giúp pháp lý đó nếu bằng sức lực của mình người ta có thể đóng góp trí tuệ, đóng góp công sức, nhưng đồng thời người ta nhận khoản thù lao rất tượng trưng thôi. Công tác phí thì vẫn phải chi cho người ta để người ta đi làm, tôi nói ví dụ như vậy thì mới được nếu không thì người ta không có khả năng được. Những người nhiệt tình lắm, nếu là nhiệm vụ đột xuất hoặc một vài lần người ta sẵn sàng không nhận thù lao và người ta cũng không nhận chi phí, nhưng nếu trở thành nghĩa vụ thường xuyên thì không ai có thể làm được cả. Nên tôi đề nghị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như Ban soạn thảo các đồng chí nghiên cứu lại vấn đề này như thế nào? Tôi cho rằng, chúng ta quy định như hiện nay có phần phù hợp hơn. Và với cộng tác viên tôi thấy cộng tác viên chúng ta có hai loại cộng tác viên là cán bộ công chức Nhà nước và cộng tác viên khác lại không phải là cán bộ công chức Nhà nước. Tôi cho rằng với cộng tác viên mà không phải công chức Nhà nước thì chúng ta có thể trả thù lao và kinh phí, còn cộng tác viên là công chức Nhà nước người ta đã hưởng lương của cơ quan chủ quản rồi và người ta cũng chỉ là bớt thời gian đi làm nhiệm vụ trợ giúp pháp lý thôi, cái đó có thể không nhận thù lao. Nhưng ở đây chúng ta quy định cộng tác viên lại phải nhận thù lao tất cả. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề không hợp lý. Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu để xem lại vấn đề này như thế nào? Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan