Trích ý kiến bổ sung của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Ba 09:09 20-06-2006

Tôi có một ý kiến thêm như sau:

Có một số điều mà bản thân tôi chưa rõ ý đồ lắm, cho nên xin phát biểu băn khoăn của mình. Chúng tôi đi lần lượt vào từng điều một:

Điều 4, ở đây có vấn đề không biết khi đề cập, đã cân nhắc chưa, điều này là điều áp dụng pháp luật mà Khoản 2 có nói: "Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó" Đây là một công thức mà lâu nay chúng dùng rất phổ biến, tuy nhiên trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật có rất nhiều điều ước quốc tế mà một số nước, nhất là những nước nghèo, nước đang lạc hậu, đang phát triển thì người ta cho phép được bảo lưu một số quy định của những điều ước quốc tế đó chưa thực hiện. Nhưng ở đây chúng ta dùng "có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó" Phải chăng đối với những điều ước quốc tế về kỹ thuật này, chúng ta từ bỏ quyền bảo lưu. Đó là vấn đề rất lớn vì đây là quyền mà thế giới phải tính đến các nước nghèo, nước có trình độ kỹ thuật còn thấp, nên trong những trường hợp nào đó cho áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế thôi, chứ chưa bắt buộc hoặc là giãn ra một thời gian sau mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Câu này, theo chúng tôi là chưa rõ lắm. Cho nên cần phải tính đến cái này, nhất là lĩnh vực này là lĩnh vực mà chúng ta dễ có những sai lầm lớn.

Điều 5 thì tôi cũng muốn nói lại thêm là cách dùng của chúng ta nhiều khi hơi đơn giản. Có thể hiểu ngầm với nhau, nhưng đi vào chữ nghĩa thì chưa rõ. Chẳng hạn như nói là "đối tượng điều chỉnh" của hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật này là môi trường. Môi trường thì có liên quan gì đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, mà nó phù hợp với môi trường chứ không phải bản thân môi trường đó, hàng hoá phải phù hợp với môi trường, phải phù hợp với quy trình chứ ở đây ta lại đưa môi trường vào thành Điểm 4 là:1. sản phẩm, hàng hoá; 2. Dịch vụ; 3. quá trình; 4. môi trường. Thì môi trường như là bắt buộc nó cũng phải có quy chuẩn gì đấy. Thực ra thì ở đây là quy chuẩn đối với bảo vệ môi trường. Đó là ý thứ hai mà chúng tôi muốn phát biểu có phải như vậy không?

Về Điều 11. Ở đây trong dự án luật này thì chúng ta dùng rất phổ biến từ gọi là "công bố". Và công bố ở đây theo nghĩa rất rộng. Đó là cá nhân cũng có quyền công bố, tổ chức tư nhân cũng có quyền công bố. Xin thưa rằng, theo tôi nhớ không nhầm thì cho đến nay trong ngôn ngữ pháp luật của chúng ta khi nói công bố đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Không phải cơ quan Nhà nước nào cũng có quyền công bố cái gì đó, chỉ có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới có quyền công bố. Ở đây, tổ chức tư nhân có quyền công bố không? Đó là điều chúng tôi cũng chưa rõ. Ở đây dùng từ "công bố" có quá rộng không? dễ gây nên một sự hiểu nhầm không? Còn trong trường hợp đó thì chúng ta Nhà nước hoá họ chăng? Đó là một ý nữa.

Tiếp theo, Điều 63, đây là một chỗ chúng tôi cũng muốn lưu ý lại một chút. Đây là xử lý vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn hoá kỹ thuật. Trong đó có câu "người vi phạm về tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa kỹ thuật" cách nói này có thể gây ra một sự hiểu nhầm rằng bản thân quy chuẩn kỹ thuật chưa phải là pháp luật, mà phải là pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật. Đây cũng có thể gây một sự hiểu nhầm. Vì sao? Khi nói quy chuẩn kỹ thuật, tức là một quy chuẩn, nó cũng là một loại pháp luật về kỹ thuật mà được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố để cho toàn dân thi hành. Nói vi phạm pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật hơi khó hiểu, vì như thế tức là chúng ta 2 lần dùng chữ "pháp luật", vì bản thân quy chuẩn pháp luật là một loại quy phạm pháp luật. Cho nên phải chăng nói "người vi phạm quy chuẩn kỹ thuật" thôi, tại sao còn pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật nữa. Nhân đây chúng tôi xin nói luôn chúng ta cứ lấy lý do nó là kỹ thuật thì đối với kỹ thuật cũng có những quy phạm, đây là quy phạm giữa người và người đối với kỹ thuật. Vì kỹ thuật là một lĩnh vực đòi hỏi có những yêu cầu riêng của nó trong việc khai thác sử dụng nó một sản phẩm thì con người với con người phải tuân thủ những quy phạm đó đối với kỹ thuật. Chứ không phải quy phạm trực tiếp giữa con người với kỹ thuật, phải lưu ý chỗ đấy. Cho nên quy chuẩn kỹ thuật bản thân nó là một loại pháp luật, tôi xin nói lưu ý thêm chỗ ấy nữa cho rõ, đừng gây hiểu nhầm rằng quy chuẩn kỹ thuật có đặc thù gì riêng đó không phải là pháp luật.

Các văn bản liên quan