Trích ý kiến góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Vy – Tỉnh Sơn La

Thứ Năm 21:02 25-05-2006

Thứ nhất, về xã hội hoá trợ giúp pháp lý ở Đ iều 5, tôi nhận thức rằng trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ của Nhà nước , xã hội hoá trợ giúp pháp lý là sự tham gia cùng với Nhà nước vào công tác trợ giúp pháp lý của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật, các cơ quan báo chí cá nhân trong nước và nước ngoài.Tuy nhiên cách thức tham gia có thể khác nhau, có thể trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng đại diện kiến nghị trợ giúp pháp lý, nhưng cũng có thể đóng góp tiền, vật chất cho quỹ hỗ trợ pháp lý.

Còn nếu lấy ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý chuyển sang cho các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp v.v... như đã kể trên thì không phải là xã hội hoá trợ giúp pháp lý mà đó chỉ chuyển việc từ tổ chức này sang tổ chức khác, từ người này qua ng ười khác. Chỉ khi các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp v.v... như đã nói ở trên thực hiện trợ giúp pháp lý mà không dùng tiền, ngân sách Nhà nước thì mới thực chất là xã hội hoá công tác trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, Nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị xã hội v.v... như đã nói ở trên một phần về tổ chức bộ máy để thực hiện trợ giúp pháp lý.

 

Về quỹ trợ giúp pháp lý thì tôi đồng tình là có quỹ trợ giúp pháp lý hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn thuế theo quy định của pháp luật, nhưng nguồn của quỹ là sự tài trợ đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn thu hợp pháp khác chứ không dùng ngân sách Nhà nước như Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật đã phân tích.

 

Về người được trợ giúp pháp lý. Có lẽ tất cả các đại biểu ngồi đây đều thừa nhận rằng, các văn bản pháp luật ngày càng nhiều, nhưng chưa phát huy hết tác dụng trong cuộc sống, một phần cũng là do người dân không hiểu biết về pháp luật. Xin lỗi. "người dân" ở đây cũng bao gồm cả cán bộ công chức trong bộ máy Nhà nước và dĩ nhiên là trong đó cũng có cả tôi. Vì vậy, trợ giúp pháp lý có thể nói là một hoạt động mang tính khả thi cao để pháp luật đi vào cuộc sống thông qua các hoạt động được trợ giúp một cách rất cụ thể trong những vụ tranh chấp, khiếu kiện các vụ án v.v... để giúp mọi người hiểu biết đầy đủ hơn các quy định của pháp luật và làm cho pháp luật đi vào cuộc sống, vì thế trợ giúp pháp lý được tiến hành càng rộng rãi càng tốt, càng giúp được nhiều đối tượng càng tốt. Tuy nhiên, vì trợ giúp pháp lý là hoạt động miễn phí, không thể mở rộng cho mọi đối tượng trong khi ngân sách Nhà nước ta có hạn. Việc xã hội hoá trợ giúp pháp lý chưa nhiều, do đó chỉ nên mở rộng đến một phạm vi nhất định. Theo tôi nên chọn phương án 2, người nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo, người được hưởng chính sách của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, ở đây theo tôi không phải đồng bào dân tộc thiểu số mà là đồng bào dân tộc trong đó có thể có cả người Kinh cư trú ở các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Vì quy định như vậy là phù hợp với pháp luật hiện hành, hơn nữa không lý do gì mà luật ra đời lại không bằng Pháp lệnh, nếu không mở rộng được thêm thì nên giữ nguyên đừng để người dân có suy nghĩ: Không có luật này thì còn có nhiều người được hiểu biết pháp luật hơn, nhiều người được hưởng trợ giúp pháp lý hơn. Còn khi có luật này thì lại bớt số người được hiểu biết pháp luật đi, bớt số người được hưởng trợ giúp pháp lý đi, nó là điều không nên.

 

Về cán bộ trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Trước hết phải thống nhất luật này và Luật luật sư có quan hệ, có liên quan mật thiết với nhau.

Trong khi Luật về luật sư chưa biết có quy định là có luật sư Nhà nước hay không, theo như văn bản mới nhất Chính phủ vừa trình bày thì cả 2 dự án Luật về luật sư và dự án Luật trợ giúp pháp lý đều có phương án là thể hiện có luật sư Nhà nước và luật sư trợ giúp pháp lý Nhà nước, song cũng còn phải chờ vào kết quả biểu quyết thông qua Luật luật sư.

 

Cá nhân tôi cũng đồng tình với ý kiến là không có luật sư trợ giúp pháp lý Nhà nước, với các lý do mà hôm qua các đại biểu đã thảo luận trong Luật luật sư và cũng như báo cáo giải trình của Chính phủ, tôi không nhắc lại nữa.

Các quy định về cán bộ trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng ở Điều 40 thì tôi cho là phù hợp, còn một số vấn đề nữa tôi đã chuẩn bị nhưng mà không nằm trong trọng tâm của Chủ toạ kỳ họp nên tôi xin không phát biểu nữa.

Các văn bản liên quan