Trích ý kiến của ĐBQH Lê Kim Toàn – Tỉnh Bình Định

Thứ Tư 10:23 25-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia hai ý kiến xung quanh Luật Dạy nghề như sau:

Thứ nhất, về dạy nghề thường xuyên, qua nghiên cứu chúng tôi thấy tại Khoản 3, Điều 33 có quy định dạy nghề thường xuyên đối với trường hợp bồi dưỡng, nâng cao, cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề, dạy nghề theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề và theo chương trình chuyển giao công nghệ. Sau khi học chương trình này thì đơn vị tổ chức dạy nghề cấp chứng chỉ cho người học. Đối chiếu lại Điều 6 quy định về trình độ đào tạo nghề có quy định đào tạo nghề có 3 cấp sơ cấp, trung cấp nghề và cao đẳng nghề.

Còn hình thức dạy nghề có chính quy và thường xuyên. Như vậy, sau khi dạy nghề thường xuyên quy định tại Khoản 3, Điều 33 thì người học nghề thường xuyên được cấp chứng chỉ. Vậy thì chứng chỉ trong trường hợp này là chứng chỉ gì, có liên quan gì đối với trình độ đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, đề nghị Ban soạn thảo cũng cần làm rõ. Vì dạy nghề thường xuyên chỉ là một hình thức trong dạy nghề, còn hình thức nào chăng nữa cũng phải thể hiện 3 trình độ dạy nghề: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Ở đây, chỉ xác định cấp chứng chỉ cho người học, cần phải xác định chứng chỉ này là chứng chỉ gì tương ứng với 3 trình độ trên.

Vấn đề thứ hai, trong dạy nghề thường xuyên, chúng tôi thấy tại Khoản 1 điểm b, có quy định chương trình dạy nghề thường xuyên là dạy nghề theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề. Ở đây, trong thực tế, chúng tôi thấy có nhiều nghề được người dạy truyền cho người học, dạy cho người học bằng hình thức truyền nghề và kèm cặp nghề, đối với những nghề cụ thể có thời hạn, có thể là 2, 3 năm mới ra nghề. Vậy những người đã học nghề với hình thức kèm cặp nghề và truyền nghề, không phải ở các cơ sở dạy nghề được quy định bởi luật này, mà người ta có tay nghề rồi, người ta muốn được cấp chứng chỉ nghề, hoặc bằng trung cấp nghề, bằng cao đẳng nghề thì họ có được phép đăng ký thi để cấp chứng chỉ và bằng nghề theo Luật này quy định hay không? hay là họ có tay nghề rồi, họ muốn có Chứng chỉ nghề, rồi Bằng Trung cấp nghề hoặc là Bằng Cao đẳng nghề thì họ lại phải đăng ký học lại từ đầu. Tôi nghĩ, để đẩy mạnh xã hội hoá trong dạy nghề thì chúng ta cần lưu ý và quy định điểm này, đối với những người có trình độ tay nghề tương ứng và có thể đăng ký thi hoặc bổ túc phần lý thuyết của mình, sau đó đăng ký thi để được cấp các Chứng chỉ và bằng tốt nghiệp nghề theo quy định của Luật dạy nghề, quy định như vậy nó sẽ mang tính hiệu quả hơn trong việc đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác dạy nghề của chúng ta.
Ý kiến thứ hai, chúng tôi xin góp ý và trong quy định Điều 8 về liên thông trong đào tạo nghề, chúng tôi thống nhất cao với chủ trương các quy định về liên thông trong đào tạo nghề để tạo điều kiện cho người học nghề được học ở các trình độ cao hơn, để đáp ứng nhu cầu nâng cao tay nghề của người lao động.

Tuy nhiên, chúng tôi băn khoăn ở một điểm như sau: Tại Điều 18 và 25 quy định về chương trình dạy nghề Trung cấp và Cao đẳng thì có quy định là người học nghề trung cấp có thể tốt nghiệp Trung học cơ sở, khi học xong chương trình Trung cấp nghề có thể học liên thông lên Cao đẳng nghề.

Tại Điều 8 có quy định là giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các thủ trưởng cơ quan quản lý dạy nghề ở Trung ương quy định về việc liên thông giữa trình độ đào tạo cao đẳng và đại học đối với cùng 1 ngành nghề, thì tôi cho quy định như vậy là chưa chặt. Cần phải có quy định chặt hơn để tránh trường hợp người học trình độ cao đẳng và đại học mà vẫn là trình độ học vấn mới chỉ tốt nghiệp Trung học cơ sở. Vì Trung học cơ sở nếu đăng ký thì được xét tuyển vào học Trung cấp nghề, sau khi học Trung cấp nghề xong thì có thể được xét tuyển để học Cao đẳng nghề và Cao đẳng nghề thì có thể liên thông lên Đại học nghề. Như vậy, quy định về hướng thì chúng tôi đồng ý nhưng đề nghị cần có bổ sung thêm quy định cho chặt chẽ hơn trong việc liên thông để vừa tạo điều kiện cho người học nghề được liên thông học ở trình độ cao hơn vừa đảm bảo chất lượng và chặt chẽ trong việc quản lý đối với chất lượng của dạy nghề. Chúng tôi xin hết ý kiến của mình.

Các văn bản liên quan