Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân – Tỉnh An Giang

Thứ Tư 10:22 25-10-2006

Kính thưa Quốc hội!
Tôi xin phát biểu ý kiến về 2 điểm.

Trước nhất về quản lý Nhà nước về công tác dạy nghề, thứ hai là về xã hội hóa dạy nghề.
Tôi thống nhất với Dự thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình sáng nay là công tác quản lý dạy nghề này nên viết theo Điều 84, nói cụ thể ra thì nên giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nhưng sắp tới thì Luật Tổ chức Chính phủ sau khi Quốc hội Khoa XII thì tổ chức của Chính phủ như thế nào cũng chưa biết. Cho nên viết như trong Điều 84 là phù hợp, nghĩa là có một cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng giao cho Chính phủ quyết định theo Luật Tổ chức Chính phủ. Sở dĩ tôi đồng ý như vậy vì 3 lý do sau:

Lý do thứ nhất, từ sáng đến giờ có đồng chí đại biểu Quốc hội có nói rằng vì tính thống nhất của hệ thống giáo dục quốc gia, nên đưa về cho một Bộ là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi nghĩ phân tích này, lý do này không được chuẩn, chúng ta cần phân biệt hệ thống giáo dục quốc gia là một Bộ quản lý hay nhiều Bộ quản lý, nhiều Bộ quản lý không có nghĩa là hệ thống giáo dục quốc gia của họ là không thống nhất, thực tế trên nhiều nước người ta cũng có Bộ, ngay đất nước chúng ta cũng như vậy, có thời kỳ chúng ta có Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, còn ở các nước người ta có Bộ Giáo dục và người ta có Bộ đại học và nghiên cứu khoa học. Cho nên tính thống nhất của hệ thống giáo dục quốc gia không đồng nghĩa với một Bộ duy nhất quản lý cả hệ thống này. Vấn đề làm sao là giữa các văn bản luật phải thể hiện được tính hệ thống.

Thứ hai, trong cách làm việc của các Bộ phải phối hợp với nhau không cắt khúc. Thực ra cắt khúc không phải là luật ra rồi cắt khúc mà cắt khúc là cách làm việc của chúng ta không phối hợp với nhau đủ, thiếu phối hợp với nhau, nảy sinh ra sự cắt khúc.

Lý do thứ hai, đối tượng dạy nghề rất gắn với Bộ Lao động thương binh và Xã hội.

Vì lý do thứ nhất là đầu vào cần bao nhiêu lao động mỗi năm đào tạo ngành nghề để chúng ta đạt được tới năm 2010 chúng ta có 40% lao động đã trải qua đào tạo nghề. Vấn đề này phải có một Bộ lo về vấn đề lao động, nắm chuyện này thì đầu vào nó mới sát.

Lý do thứ hai là thất nghiệp, những người mà thất nghiệp phải chuyển ngành hoặc những người họ làm chuyện này và họ thấy những ngành nghề mới do tiến bộ khoa học, công nghệ dôi ra, họ muốn chuyển ngành, những chuyện này nó dính đến vấn đề lao động.

Thứ ba, phát triển ngành nghề trong mỗi tỉnh và ở trong cả nước, khoa học công nghệ đi lên như vậy là ngành nghề mới rất nhiều, phát triển ngành nghề truyền thống mà những ngành nghề mới thì như vậy phải có một Bộ mà nó rất gắn với vấn đề lao động để lo chuyện này.
Vì vậy, vì ba lý do đó làm cho tôi thấy lý do thứ hai là đầu vào, đầu ra của công tác dạy nghề là gắn với Bộ Lao động thương binh, xã hội là xác đáng.

Lý do thứ ba, cái này nó mang tính chất tình huống, hiện nay Bộ Giáo dục và đào tạo chúng ta quá nhiều công việc. Tôi nghĩ đồng chí Nguyễn Thiện Nhân là lãnh đạo của Bộ này phải giải quyết sớm rất nhiều vấn đề bức xúc. Bây giờ ôm thêm một Bộ, một lĩnh vực mới mà lĩnh vực này như tôi phân tích ở trên, tôi cho là không phù hợp. Do vậy, vì 3 lý do đó cho nên tôi thể hiện chính kiến của tôi là tôi rất thống nhất với dự thảo luật mà đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình.

Vấn đề thứ hai là vấn đề xã hội hóa công tác dạy nghề ở Chương V, tôi có một bức thư gửi cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng và Chủ nhiệm Trần Thị Tâm Đan về công tác xã hội hóa dạy nghề. Tôi có nêu rất nhiều vấn đề cần phải đưa thành một chương xã hội hóa công tác dạy nghề, trong Chương V một phần ý kiến của tôi đã được chấp thuận, như vậy đã đưa ra thêm từ Điều 55 đến Điều 57 trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác dạy nghề. Nhưng theo tôi như vậy là chưa đủ, tôi nghĩ những người, những Hội nghề nghiệp là những hội mà hoàn toàn có thể và nên thành lập những trường dạy nghề trong nghề nghiệp của họ. Không ai hiểu biết, rõ hơn họ về ngành nghề của họ bằng họ, nếu mai mốt Luật về Hội ra và cho phép những hội hoạt động không vụ lợi có quyền mở những trường như thế này thì tôi nghĩ thêm một luồng đào tạo rất quan trọng và sát hợp với ngành nghề của họ.

Vấn đề thứ hai như tôi đã nói trên, vấn đề phát triển ngành nghề rất gắn với vấn đề dạy nghề. Vì vậy ở các nước, các Phòng thương mại và công nghiệp ở cấp Trung ương cũng như cấp tỉnh, người ta mở trường và cái này coi như một nhánh quan trọng trong hệ thống dạy nghề ở những tỉnh, những địa phương. Đoàn chúng tôi đi làm việc có anh Thuyết và một số đồng chí đã đi với tôi, đi qua Đức, đi một số nơi nghiên cứu thì Phòng thương mại và công nghiệp, thậm chí hội tiểu thủ công nghiệp ở địa phương người ta phát huy truyền thống ngành nghề địa phương người ta và người ta muốn giải quyết vấn đề lao động trong địa phương người ta, trong tỉnh người ta. Người ta mở những trường dạy nghề, trong những trường dạy nghề này họ kết hợp luôn những doanh nghiệp tại địa phương để họ làm chuyện này. Vì thế cho nên nó thành một hệ thống xã hội hóa rất tự nhiên, rất gắn với thực tế, rất gắn với yêu cầu của cuộc sống.

Vì vậy, để cụ thể hóa tôi đề nghị Chương V nên viết lại và đề nghị các đồng chí nên gọi Chương V là xã hội hóa dạy nghề, nó gồm trước nhất là chúng ta giữ những Điều từ 55-57 liên quan đến vấn đề doanh nghiệp như đã viết trong Chương V này và thêm một 2 điều về khả năng và việc tham gia dạy nghề của các hội nghề nghiệp và tham gia dạy nghề của các Phòng thương mại và công nghiệp của các tỉnh cũng như ở Trung ương. Tôi nghĩ Phòng thương mại và công nghiệp, chúng ta ngoài chức năng hiện nay đang cố gắng đi theo lãnh đạo để đi tới nước này, nước kia cũng phải lo tới chuyện dạy nghề, cái đó chính là nguồn sống, sinh lực của mình từ cơ sở phục vụ cho công tác phát triển ngành nghề của mình ở các tỉnh. Do vậy tôi đề nghị là chúng ta nên đổi Chương V tên là Xã hội hoá dạy nghề trong đó có 3 điều từ Điều 55 đến Điều 57 giữ nguyên và thêm 1, 2 điều gì đó về chuyện dạy nghề của các Hội nghề nghiệp và dạy nghề của các Phòng thương mại và công nghiệp của các tỉnh.

Các văn bản liên quan