Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thị Kim Cúc – Tỉnh Tiền Giang

Thứ Tư 10:20 25-10-2006

Kính thưa Quốc hội!
Tôi cũng xin không làm mất thời gian của Quốc hội nhiều, do đó tôi xin nói ngắn gọn.

Về Dự thảo Luật Dạy nghề, nghiên cứu từ kỳ họp thứ 9 cho đến bây giờ thì cá nhân tôi cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, khi trở về địa phương thì chúng tôi có một chương trình giám sát việc dạy nghề và giải quyết việc làm ở địa phương của mình, để chúng tôi nghiên cứu thêm những tính thực tiễn và cái lý luận ở trong Dự thảo luật này. Do đó hôm nay tôi xin phát biểu:

Thứ nhất là tôi thống nhất những Dự thảo mà Ban Soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý thể hiện trong nội dung Dự thảo này.

Thứ hai là trong thực tế xã hội hiện nay, không chỉ riêng của địa phương chúng tôi mà tôi thấy rất nhiều địa phương khác, nó đang tồn tại hai dạng: Một là dạy nghề phổ thông, hai là dạy nghề xã hội, mà chúng ta thấy những cơ sở dạy nghề cũng như đào tạo nghề ở trong hệ thống phổ thông đều nhằm vào một mục tiêu là giải quyết nâng cao kiến thức nghề nghiệp cho người lao động, cho các đối tượng lao động xã hội. Do đó ý kiến của một số đại biểu phát biểu trước tôi có nêu vấn đề là cơ quan quản lý dạy nghề nên là Bộ nào, tôi thấy rằng vì Luật Giáo dục đã được ban hành rồi và hiện nay các trường đào tạo nghề trong hệ phổ thông nó cũng đang tồn tại, cho nên Luật dạy nghề này chúng ta ban hành ra đây thì nó có trái gì với Luật Giáo dục không? Tôi thấy rằng không trái gì cả, mà nó đáp ứng nhu cầu giải quyết việc đào tạo nghề cho người lao động trong xã hội dưới dạng rộng rãi hơn. Chúng tôi nghĩ cái này là hoàn toàn phù hợp, khi chúng tôi đi tham khảo ý kiến với các ngành người ta rất đồng tình, ủng hộ Dự thảo Luật này. Cho nên, tôi xin lỗi là tôi không dám có ý kiến trái ngược tranh luận gì với đại biểu Quốc hội trước tôi, nhưng tôi thấy rằng tôi nghiên cứu Điều 7 Chương I của Dự thảo Luật này thể hiện rất đúng đắn.

Thứ hai, nghiên cứu Điều 53, Mục 3 nói đến chính sách đối với cơ sở dạy nghề, lại càng khẳng định tính đúng đắn đó hơn, ví dụ bây giờ cơ sở dạy nghề thực hiện chương trình dạy nghề cho người dân tộc thiểu số, cho người lao động nông thôn. Lực lượng lao động nông thôn hiện nay là rất lớn, bây giờ hệ giáo dục phổ thông có thể bao quát luôn cả vấn đề này nổi không? Theo cá nhân tôi thấy là không thể.

Dạy nghề cho người tàn tật, người khuyết tật và cả người sau cai nghiện nữa, đây là một lực lượng rất lớn, tôi nghĩ rằng Bộ Lao động thương binh xã hội là cơ quan quản lý để thực hiện chức năng dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, những người lao động trong xã hội là hoàn toàn rất hợp lý. Cho nên, tôi xin kiến nghị thẳng với Ban soạn thảo và Quốc hội là tại Khoản 2 Điều 84 của Dự thảo Luật nên ghi rõ là Bộ Lao động thương binh xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề dạy nghề. Tôi thấy như vậy nó rõ ràng hơn về trách nhiệm, rõ ràng hơn, phù hợp hơn về chức năng của bộ này, còn trong quá trình thực hiện thì tất nhiên các bộ sẽ có sự phối hợp với nhau. Tôi nghĩ rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng không thể tự mình thực hiện hết được các khâu trong quá trình thực hiện công việc dạy nghề này cho các cấp học nghề. Vì vậy, tôi đề nghị Luật nên ghi thẳng. Còn các chương, các điều trong Dự thảo luật, tôi thấy về kỹ thuật văn bản có thể còn sơ suất một ít từ ngữ, tôi đề nghị Ban soạn thảo sẽ cân nhắc để điều chỉnh lại, nhưng không lớn.

Về cơ bản tôi thống nhất với Dự thảo này. Cuối cùng là ý kiến của tôi xin khẳng định lại quan điểm của Đoàn và cá nhân tôi là nên giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý để thực hiện chức năng dạy nghề.

Các văn bản liên quan