VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Kính gửi: Bộ Công an
Trả lời Công văn số 68/BCA-C07 ngày 07/01/2025 của Bộ Công an về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ[1] (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
Mức xử phạt tăng cao
So với các quy định hiện hành, Dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với nhiều hành vi vi phạm khoảng 2 lần, thậm chí cá biệt có hành vi lên từ 10 lần tới 18,75 lần. Quy định này được suy đoán nhằm tăng tính răn đe, từ đó góp phần giảm tỷ lệ vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc tăng mức xử phạt cao như vậy cũng cần cân nhắc lại đến nhiều yếu tố. Một, việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đồng loại cho nhiều hành vi vi phạm, bất kể tính chất và mức độ rủi ro của hành vi, là chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng mức xử phạt không tương xứng với mức độ nghiêm trọng. Hai là, việc tăng mức phạt quá cao ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, tăng thêm mức độ rủi ro trong kinh doanh. Trên tinh thần đó, việc thiết kế các mức xử phạt nên phân chia cụ thể theo tính chất, mức độ rủi ro.
Thứ nhất, với hành vi hành chính mà không trực tiếp gây nguy hiểm phòng cháy chữa cháy, việc tăng nặng chế tài với các hành vi này là chưa thực sự phù hợp. Chẳng hạn, Điều 7.1.a Dự thảo nâng mức phạt lên đến 10 lần với hành vi ban hành nội quy PCCC không phù hợp với đặc điểm của cơ sở. Mức tăng này là quá nặng với vi phạm mang tính hành chính, chủ yếu liên quan đến hướng dẫn và nâng cao nhận thức, không trực tiếp gây nguy hiểm hay tác động đến phương án PCCC.
Hơn nữa, việc tăng mức phạt trong khi quy định về nội dung còn chưa rõ ràng có thể dẫn đến rủi ro doanh nghiệp dễ bị xử phạt, chẳng hạn không có tiêu chí xác định thế nào là nội quy “không phù hợp với đặc điểm, tính chất” của cơ sở tại Điều 7.1.a. Hoặc Điều 7.2 Dự thảo tăng mức phạt 2,5 lần với hành vi không duy trì nội quy, biển báo, trong khi không rõ thế nào là “duy trì”. Nếu chỉ xảy ra hư hỏng nhỏ, chẳng hạn như bong tróc sơn nhưng không ảnh hưởng đến khả năng hiển thị nội dung biển báo, thì có được xem là vi phạm không? Quy định về mặt nội dung chưa rõ ràng nhưng lại đi kèm với việc tăng mức xử phạt sẽ gây rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữ nguyên mức xử phạt cho các hành vi vi phạm này.
Thứ hai, với các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện/hệ thống PCCC, thực tập phương án chữa cháy, truyền tin báo cháy… việc tăng chế tài có thể cần thiết, nhưng không nên tăng quá cao. Ví dụ, Điều 26 Dự thảo tăng mức xử phạt vi phạm về xây dựng, thực tập phương án PCCC từ 2 – 5 lần, lên tới 25 triệu đồng. Điều này là không hợp lý vì đây chỉ là các hành vi mang tính chất tập dượt, chuẩn bị ứng phó, không trực tiếp gây ra cháy.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mức xử phạt phù hợp hơn với các hành vi này, có thể cân nhắc mức tăng 10 -30% tuỳ mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Thứ ba, với hành vi vi phạm có nguy cơ gây cháy (lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy, nghiệm thu PCCC, nguồn điện, nguồn nhiệt sinh lửa, hệ thống chống sét…), việc tăng mức xử phạt là hợp lý để nâng cao tính răn đe. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc rà soát, phân loại mức xử phạt phù hợp với rủi ro của từng loại công trình, tránh tình trạng áp dụng mức phạt quá cao với cơ sở có rủi ro thấp hơn. Ví dụ, đối với các công trình có kết cấu cao tầng, không gian kín, diện tích nhỏ và khả năng thoát hiểm hạn chế, là các nơi nguy cơ cháy lan và thiệt hại về người, tài sản rất lớn, thì việc áp dụng mức xử phạt cao là hợp lý. Ngược lại, đối với các công trình có không gian rộng, thoáng khí, ít nguy cơ cháy lan hoặc dễ kiểm soát tình huống khẩn cấp, thì mức xử phạt nên được điều chỉnh ở mức hợp lý hơn để đảm bảo tính công bằng và phù hợp với mức độ rủi ro thực tế.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Các góp ý dựa trên phiên bản thẩm định tại Bộ Tư pháp