Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thanh Hưng – Thành phố Đà Nẵng

Thứ Tư 10:02 25-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Dự thảo luật trình lần này, Thường vụ Quốc hội đã xem xét và tiếp thu nhiều ý kiến quan trọng của các đại biểu. Tuy nhiên để dự thảo luật một cách hoàn thiện hơn, tôi xin phát biểu một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về mục tiêu dạy nghề, về mục tiêu dạy nghề có nhiều ý kiến khác nhau, tôi cho rằng mục tiêu dạy nghề quy định trong dự thảo luật nhằm xác định những tiêu chí cần phải đạt được trong đào tạo nghề đối với người học. Đó là nội dung chính thức, kỹ năng thực hành, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc v.v...

Dựa trên cơ sở của những tiêu chí này, cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề và cơ sở dạy nghề xây dựng nội dung công trình, xác định phương pháp, chế độ thi cử, kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ và cách thức tổ chức việc dạy và học sao cho đạt được những mục tiêu đã được quy định. Do đó cần có mục tiêu cho từng trình độ dạy nghề ở trong luật.
Thứ hai, về vấn đề miễn thuế đối với các cơ sở dạy nghề, như chúng ta cũng biết dạy nghề là nhằm đào tạo năng lực thực hành nghề cho người lao động, tức là chú trọng về rèn luyện kỹ năng nghề, để làm được điều đó, các cơ sở dạy nghề phải đầu tư máy móc, trang thiết bị dạy nghề, đồng thời phải cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, nhất là các nghề kỹ thuật, công nghệ.

Trong lúc đó, như nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu trong kỳ họp trước, đa số người học nghề là những nghèo, nếu chúng ta đánh thuế vào cơ sở dạy nghề, tức là chúng ta đánh thuế vào những người học nghề, những người nghèo.

Vì thu nhập chủ yếu của các cơ sở dạy nghề là học phí học nghề của người học nghề. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội đưa vào Luật Dạy nghề quy định cơ sở dạy nghề được miễn thuế, nếu quy định như vậy chắc chắn rằng sẽ có thêm nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề. Như vậy, chủ trương xã hội hoá dạy nghề sẽ mang tính khả thi hơn.

Thứ hai, vấn đề đào tạo nghề cho người tàn tật, khuyết tật. Trong công tác đào tạo nghề cho người tàn tật, khuyết tật nhằm giúp họ có năng lực thực hành, tạo việc làm, tạo thu nhập để hoà nhập với cộng đồng. Hiện nay, các cơ sở đang kết hợp giúp đỡ người tàn tật, khuyết tật học nghề trên thiết bị chung.

Nếu quy định tại Điều 69, các cơ sở dạy nghề tham gia hỗ trợ người tàn tật, khuyết tật thì cũng rất là khó, vì bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị mới được dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật, làm cho hoạt động hỗ trợ người tàn tật, khuyết tật học nghề là rất hạn chế. Các cơ sở muốn hỗ trợ cho người tàn tật, khuyết tật học nghề gặp trở ngại nếu như căn cứ theo quy định của luật vừa rồi. Trong khi chúng ta đang xã hội hóa lĩnh vực này. Do vậy tôi đề nghị Điểm 1, Điều 69 nên sửa lại "Ngoài các điều kiện quy định tại Điều 40 của luật này, cơ sở dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật còn tạo điều kiện về cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề, chương trình, phương pháp và thời gian học để người tàn tật, khuyết tật có thể tiếp cận và học nghề phù hợp"

Bốn, về vấn đề liên thông, để thực hiện liên thông giữa các cấp trình độ, các cơ sở dạy nghề phải tuân theo những quy định chung về cấu trúc và khối lượng kiến thức cho từng bậc học, mới có cơ sở hình thành được sự liên thông, thiết lập được tiêu chuẩn chung cho đánh giá chất lượng dạy nghề. Đối với người học nghề trình độ sơ cấp, chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp do người đứng đầu cơ sở dạy nghề biên soạn, phê duyệt, tôi cho là chưa phù hợp. Đề nghị đối với đào tạo trình độ sơ cấp vẫn có chương trình khung như trình độ trung cấp và cao đẳng nghề. Chương trình khung trình độ sơ cấp nghề là bao gồm kiến thức với các yêu cầu bắt buộc, nhưng cũng đủ mềm để các cơ sở dạy nghề xây dựng phù hợp với các yêu cầu của thị trường và người lao động dễ tìm được việc làm hơn.

Năm, về vấn đề cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề, chúng tôi thấy trong Dự thảo Luật Dạy nghề trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, không quy định cụ thể là Bộ nào chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc thực hiện quản lý Nhà nước, việc thực hiện quản lý Nhà nước về dạy nghề, mà chỉ quy định chung chung cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề ở Trung ương. Vấn đề này đã được một số đại biểu Quốc hội đề cập đến tại kỳ họp trước của Quốc hội. Cũng như trong giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật thì việc phân công quản lý ngành và lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong 43 năm qua, từ năm 1963 cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề được thay đổi nhiều lần, 9 năm thuộc Chính phủ, 3 năm thuộc Bộ Đại học và trung học quản lý, 8 năm thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và 23 năm thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Cho đến thời điểm này Chính phủ đang phân công cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý về lĩnh vực dạy nghề. Chúng tôi được biết sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XI Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75 ngày 2/8/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của giáo dục, trong nghị định đó Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dạy nghề. Như vậy Nghị định 75 của Chính phủ cũng cho thấy Chính phủ vẫn giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dạy nghề.

Kính thưa Quốc hội, khi đi tiếp xúc cử tri thì khi bàn về vấn đề này nhiều cử tri rất lo lắng, đặc biệt có một số cử tri trong ngành giáo dục cũng cho rằng nếu trong thời điểm hiện nay giao quản lý Nhà nước về dạy nghề cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều cử tri cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quá tải.

Vì vậy, tôi đề nghị thay cụm từ "cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề Trung ương" trong Dự thảo Luật Dạy nghề bằng cụm từ "Bộ Lao động Thương binh và Xã hội". Quy định như vậy vừa phù hợp với sự phân công của Chính phủ, vừa bảo đảm sự nhất quán quy định về cơ quan quản lý Nhà nước là một bộ cụ thể như trong các luật đã được Quốc hội thông qua.

Các văn bản liên quan