Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Vy – Tỉnh Sơn La

Thứ Tư 09:59 25-10-2006


Kính thưa Quốc hội!
Về Dự thảo Luật Dạy nghề, tôi xin phát biểu một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Dự thảo vẫn tách riêng trung cấp chuyên nghiệp ra khỏi Luật, trong khi trung cấp chuyên nghiệp cùng với dạy nghề là hai bộ phận của giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xét về bản chất giữa trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề không khác nhau, cùng là đào tạo thực hành. Về trình độ đào tạo và bằng cấp giữa trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề là như nhau. Như vậy, nếu các lĩnh vực giáo dục khác như giáo dục phổ thông, giáo dục đại học sẽ có luật riêng thì giáo dục trung cấp chuyên nghiệp cũng sẽ có luật riêng, đó sẽ là việc làm tốn kém, lãng phí thời gian, tiền của, sức lực và không thể không làm. Trong khi chúng ta đang ra sức triển khai Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực thì việc sẽ phải ban hành thêm luật giáo dục trung học chuyên nghiệp là điều đáng phải suy nghĩ. Vì vậy, ý kiến của tôi là phạm vi điều chỉnh của Luật nên mở rộng cả trung cấp chuyên nghiệp cho dù tên của nó là Luật dạy nghề.
Thứ hai, về hoạt động dạy nghề của các trường trung cấp chuyên nghiệp, tôi đồng tình với việc quy định cơ sở dạy nghề có cả trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục, trong đó có dạy nghề. Và thực tiễn hiện nay các trường này cũng đang đào tạo nghề có chất lượng. Một bằng chứng cho thấy là cuộc thi tay nghề quốc tế vừa qua có 4/6 huy chương vàng thuộc về các học sinh, sinh viên của các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, đại học. Kể cả những năm trước hầu hết các cá nhân đạt giải đều thuộc các trường trung cấp chuyên nghiệp, đại học và cao đẳng.

Thứ ba, chính sách của Nhà nước đối với cơ sở dạy nghề, tổ chức dạy nghề cho người đi làm việc ở nước ngoài, Điều 54 tôi đề nghị bỏ Khoản 1 Nhà nước có chính sách đầu tư cho các cơ sở dạy nghề đào tạo các nghề mà thị trường lao động khu vực và quốc tế có nhu cầu để đào tạo nguồn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tôi chưa tìm hiểu kỹ được xem là ở nước ta có bao nhiêu cơ sở đào tạo nghề cho người đi lao động ở nước ngoài, đào tạo gì, cần đầu tư gì, nhưng khi thảo luận Luật Đưa người đi lao động ở nước ngoài thì chủ yếu là làm những việc phổ thông đơn giản, trách nhiệm dạy nghề thuộc về các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Vậy Nhà nước đầu tư gì? Vật chất hay nguồn lực? Việc đầu tư như thế nào tôi nghĩ đã có Luật Đầu tư quy định. Còn xuất khẩu những nghề có kỹ thuật cao, ví dụ lắp ráp điện tử hay huấn luyện thuyền viên chất lượng cao v.v... thì liệu Nhà nước có đầu tư được không trong khi ngân sách Nhà nước có hạn. Mặt khác sẽ tạo ra sự không công bằng với các cơ sở dạy nghề khác và cũng không phù hợp với Khoản 1, Khoản 2, Điều 7 chính sách Nhà nước về phát triển dạy nghề khi việc đào tạo nghề cho người đi lao động ở nước ngoài có thể thực hiện xã hội hoá được. Vì vậy tôi cho rằng không nên quy địnhh cứng như ở Khoản 1, chỉ để lại Khoản 2, chính sách được miễn giảm thuế theo quy định của pháp luật, có thể bổ sung thêm chính sách được cung cấp thông tin về thị trường lao động ở nước mà cơ sở tham gia đào tạo nghề.

Thứ tư, về tuyển sinh, học nghề ở Điều 34. Tôi đề nghị Khoản 1, tuyển sinh sơ cấp nghề được thực hiện theo hình thức đăng ký hoặc xét tuyển vì tôi cho rằng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người được học sơ cấp nghề mà không phải phiền hà gì về thủ tục, vì có những nghề sơ cấp chỉ cần đến ghi tên, thậm chí là nhờ ghi tên cũng được, rồi nộp học phí và học nghề, còn nếu quy định cứng là xét tuyển thì ít nhất người học cũng phải mua một bộ hồ sơ gồm lý lịch trích ngang có chứng nhận của địa phương, phiếu khám sức khoẻ, giấy khai sinh, các loại bằng nếu có v.v... không cần thiết đối với những nghề, ví dụ như là những nghề ngắn hạn hoặc ví dụ như lần trước đại biểu Nguyễn Lân Dũng đã phát biểu những nghề như là: nuôi ốc, nuôi ba ba v.v... hoặc là những nghề như: cắt tóc, làm đầu, trang điểm cô dâu v.v... những nghề đấy tôi nghĩ là không nhất thiết phải có hồ sơ tuyển sinh bằng cách xét tuyển.

Về Khoản 4, Các trường hợp được tuyển thẳng vào Cao đẳng nghề gồm:
a) Người có bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề thuộc loại khá trở lên đăng ký học cùng ngành nghề đào tạo, quy định như vậy tôi cho rằng chưa ổn. Bản thân bằng tốt nghiệp loại khá không phản ánh tính thống nhất chuẩn khi xét tuyển, một học sinh đạt loại khá ở trường này rất có thể tương đương với loại trung bình ở trường khác, do chưa kiểm định được các trường để đảm bảo chuẩn thống nhất. Quy định như vậy sẽ dẫn đến một hậu quả khác là một số trường trung cấp nghề có thể sẽ dễ dãi trong chấm điểm đánh giá học sinh, cho nhiều người loại khá giỏi nhằm thu hút nhiều học sinh, nhiều người học để thu tiền, đạt được tiếng là có nhiều học sinh được chuyển thẳng lên cao đẳng nghề, dẫn đến sự không công bằng cũng như tạo ra những tiêu cực khác. Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm khi mở ra chính sách cộng điểm ưu tiên cho bằng tốt nghiệp phổ thông loại khá giỏi khi thi đại học nhằm khuyến khích học sinh học tập thì con số tốt nghiệp khá giỏi tăng vọt và cũng đã phải bỏ chính sách đó vì có nhiều trường hợp không công bằng.

Ở địa phương tôi có cơ quan khi thưởng quà cho các cháu nhân dịp 1/6 hoặc Tết trung thu khi đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, giỏi đã phân ra như sau: học sinh giỏi trường A thì được 80.000 đồng, học sinh giỏi trường B thì được 50.000 đồng. Vì cho rằng loại giỏi ở trường A thực chất hơn loại giỏi ở trường B. Và cũng đã có những nghịch lý có những trường đại học đầu vào rất cao, điều kiện đảm bảo chất lượng đủ, thực hiện kiểm tra, đánh giá nghiêm túc về tỷ lệ tốt nghiệp khá, giỏi thấp. Và những trường đại học đầu vào rất thấp, điều kiện đảm bảo chất lượng còn thiếu, việc kiểm tra, đánh giá dễ dãi, chạy theo thành tích thì tỷ lệ tốt nghiệp khá giỏi lại rất cao. Vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc khoản này. Vấn đề cuối cùng về quản lý Nhà nước về dạy nghề, tôi đồng tình với ý kiến thứ ba là giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý như lần trước tôi đã phân tích và các đại biểu trước tôi cũng đã phân tích về vấn đề này, đặc biệt là đại biểu Bùi Sĩ Tiếu, cũng như đại biểu Ne'ang Kim Chang.

Các văn bản liên quan