VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Kính gửi: Bộ Tài chính
Ngày 02/4/2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 4054/BTC-PC ngày 31/03/2025 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
VCCI đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. VCCI nhất trí cao với định hướng của Dự thảo trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng quyền tự chủ, mở rộng cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch và khả thi trong thực tiễn triển khai, VCCI có một số ý kiến góp ý cụ thể như sau:
- Khái niệm đổi mới sáng tạo, công nghệ chiến lược
Dự thảo sử dụng nhiều khái niệm quan trọng làm căn cứ để áp dụng các cơ chế ưu đãi như “đổi mới sáng tạo”, “sản phẩm đổi mới sáng tạo”, “công nghệ chiến lược”, “công nghệ số”. Tuy nhiên, các khái niệm chưa có định nghĩa rõ ràng, còn mang tính định tính mà thiếu tiêu chí cụ thể để áp dụng. Đồng thời, còn thiếu cơ chế xác nhận hoặc chứng nhận cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xác định mình có thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi hay không. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo:
– Bổ sung làm rõ các khái niệm trên hoặc viện dẫn đến các văn bản pháp luật chuyên ngành.
– Bổ sung quy định giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan xác nhận chính thức đối với đối tượng được hưởng ưu đãi liên quan đến công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghệ chiến lược.
- Tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam trong Luật Đấu thầu
Dự thảo Luật bổ sung quy định về việc ưu đãi trong đấu thầu đối với sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam – đây là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc ưu tiên hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, để áp dụng được cơ chế ưu đãi này trong thực tiễn, điều kiện tiên quyết là phải có tiêu chí rõ ràng, minh bạch để xác định như thế nào là “sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam”. Thực tế cho thấy, cho đến nay chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể, đầy đủ và có giá trị pháp lý cao về tiêu chí xác định hàng hoá sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam. Việc thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức đấu thầu, gây lúng túng cho bên mời thầu trong việc áp dụng ưu đãi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp và khiếu kiện từ phía nhà thầu.
Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc ban hành các quy định về ghi nhãn “Made in Vietnam” hoặc tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa nội địa do tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều loại hình sản xuất, gia công, lắp ráp khác nhau. Trong khi đó, để bảo đảm việc thực thi hiệu quả quy định ưu đãi trong đấu thầu, cần có một cơ chế xác định rõ ràng, dễ áp dụng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Trước mắt, VCCI đề xuất sử dụng cơ chế Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp – theo đúng thông lệ quốc tế, làm căn cứ xác định hàng hóa có xuất xứ nội địa để áp dụng chính sách ưu đãi trong đấu thầu. Đây là công cụ đang được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế, có quy trình rõ ràng, đã được công nhận bởi các đối tác thương mại của Việt Nam và hoàn toàn có thể áp dụng trong bối cảnh trong nước. Việc áp dụng ưu đãi, căn cứ xác định sẽ theo quy định pháp luật để đảm đảm tính linh hoạt, vừa tạo điều kiện để Chính phủ ban hành các hướng dẫn chi tiết, phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế của Việt Nam.
- Cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ trong Luật Hải quan, Luật Thuế XNK
Hiện nay, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đã trở thành một hình thức giao dịch phổ biến và thiết yếu trong các chuỗi cung ứng sản xuất – xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, chế tạo, dệt may, cơ khí… Tuy nhiên, mặc dù đã được triển khai ổn định trên thực tế gần ba thập kỷ và mang lại hiệu quả rõ rệt cả về chi phí lẫn thời gian cho doanh nghiệp, hoạt động này vẫn chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ ở cấp độ luật. VCCI hoàn toàn ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo về việc cần thiết phải luật hóa cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ trong Luật Hải quan và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, thống nhất và ổn định cho hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ – một hình thức giao thương đặc thù nhưng rất phù hợp với thực tiễn kinh tế hiện đại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện nội dung luật hóa cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ trong Dự thảo, đồng thời làm rõ phạm vi điều chỉnh, cơ chế kiểm tra, giám sát, trách nhiệm của các bên liên quan cũng như mối liên hệ với các quy định về chính sách thuế, quản lý chuyên ngành để đảm bảo tính khả thi và thống nhất trong thực tiễn thi hành.
- Tránh xung đột, chồng chéo với các luật chuyên ngành
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cũng như Luật Công nghiệp công nghệ số. Nhiều nội dung trong các luật này có liên quan đến các khái niệm, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tương tự như trong Dự thảo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để đảm bảo thống nhất giữa các quy định pháp luật.
Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát tính tương thích của Dự thảo với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là quy định về xuất xứ hàng hóa, ưu đãi đầu tư, đấu thầu.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Đồng thời, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo cần tổ chức các hội thảo tham vấn chuyên sâu với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, đầu tư công, PPP, xuất nhập khẩu… để thu nhận ý kiến thực tiễn và hoàn thiện chính sách.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.