Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Tư 09:23 16-08-2006

Kính thưa Quốc hội,
Đối với luật này, tôi cũng đồng tình với rất nhiều nội dung của dự thảo và với các ý kiến đã phát biểu. Tuy nhiên, nó vẫn có băn khoăn là một số vấn đề mà chúng ta gần đây thấy có một khuynh hướng cứ lặp đi, lặp lại tôi thấy rất băn khoăn. Để đi vào có lần lượt, chúng tôi xin đi qua các điều, các chương như sau.
Về mục đích, mục tiêu, tức là ở Chương I có một vấn đề mà trong đại biểu Quốc hội cũng đang có ý kiến khác nhau và chúng tôi cho rằng đây là vấn đề có lẽ chúng ta cần phải cân nhắc lại. Tuy bản thân tôi rất thiết tha với lời nói đầu, không dấu diếm cho đến bây giờ vẫn thiết tha. Nhưng có một thời gian chúng ta bỏ bẵng đi, bây giờ một vài Luật thì chúng ta mới đưa vào mà lúc thì mục tiêu, lúc thì mục đích. Một số đồng chí cho rằng đây không phải là quy định pháp luật, vì nó không có quy định. Tôi nghĩ nếu bây giờ chúng ta cứ giở tất cả những điều ước quốc tế, nhất là của Liên Hợp Quốc thì chúng ta sẽ thấy lời nói đầu của nó đến 1-2 trang, những mục tiêu đặt ra cho điều ước đó rất rõ ràng. Cầm một đạo luật mà chúng ta chỉ bắt đầu bằng đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh thì chưa thấy được ý nghĩa của nó. Làm thế nào ngay từ đầu đập vào mắt người cầm trong tay mình đạo luật biết được ý nghĩa của nó. Chính lời nói đầu giúp chúng ta làm việc đó. Nhất là trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép luật có thể có lời nói đầu, không phải là hoàn toàn không có lời nói đầu.
Ý thứ hai, về giải thích từ ngữ. Chúng tôi cũng đồng ý là chúng ta bây giờ có khuynh hướng cũng hay, mà không biết nên như thế nào, chúng ta làm giàu tiếng Việt mình bằng nội hoá những từ nước ngoài hay nếu trong tiếng Việt mình đã có thì bắt buộc phải dùng tiếng Việt. Chẳng hạn có 1 lần chúng tôi đi thăm 1 xí nghiệp, cô giới thiệu cô nói rất tự nhiên, lúc đầu tôi nghe không hiểu, bảo "Dạ, xin mời qua Showroom". Showroom tức là cái gì? Phòng giới thiệu sản phẩm. Không biết trong trường hợp đó có nên dùng hay không, nhưng vì làm việc với nước ngoài người ta toàn nói Showroom, thế là chúng ta cứ nói quen miệng. Cũng như bây giờ có từ gọi là sản phẩm này quá hạn thì nói "hết date" rồi, các bà đi chợ chúng ta nói rất quen từ đó thì có cái hay của nó. Mình dùng "quá hạn" thì có khi hơi khó hiểu nhưng "hết date" có lẽ là hay. Từ nào mình không có thì mình nên dùng, nhưng từ nào mình đã có thì bắt buộc mình phải dùng, không có thành ra một tính gọi là xính tiếng nước ngoài, nhiều khi dùng không hết ý nghĩa.
Ở đây tôi muốn nói chữ "Modul", lần đầu tiên tôi nghe nói "Modul" là lúc tôi còn học ở Liên Xô, khi Liên Xô phóng tàu vũ trụ, phóng tên lửa thì những bộ phận trong tên lửa gọi là modul, thực ra là một bộ phận, nhưng người ta muốn đặt ra một từ mới như thế và cũng có nguồn gốc từ nước Anh, rồi sang tiếng Việt ta thì ta dùng lĩnh vực này vào nhiều lĩnh vực khác nữa. Do tiếp xúc nhiều với người nước ngoài cho nên chúng ta thấy nó quen đi và chấp nhận nó. Nhưng trong tiếng Việt có từ để thay thế hay chuyển hóa nó thành tiếng Việt được không. Tôi thấy có lẽ cần phải cân nhắc kỹ, chẳng hạn nói là trong luật này các từ sau đây được hiểu như sau: modul là đơn vị học tập thế thì ở lĩnh vực khác thì "modul" là cái gì. Đây là ở đơn vị học tập, nhưng ở lĩnh vực khác thì modul rất nhiều nghĩa vì có nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng modul cả, phải hiểu đúng trong lĩnh vực đó cơ, thì như thế có đúng không. Theo tôi chúng ta cần cân nhắc kỹ, đó là vấn đề thứ hai.
Vấn đề thứ ba, tôi cho rằng luật này phải đặt quan hệ trong các luật khác, nó có sự liên hệ hữu cơ với Luật giáo dục. Trong này Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo được nhắc rất nhiều lần cho nên tôi thấy cách dùng khái niệm có lẽ cũng phải bám sát vào Luật giáo dục. Vì Luật giáo dục có thể xem là luật chung và đây chỉ là một bộ phận của nó, vì vậy chúng tôi đề nghị cân nhắc cả Chương II là các trình độ dạy nghề, sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao cấp nghề.
Thứ nhất, cách nói như thế này là cách nói theo tiếng Hán, chứ không phải theo tiếng Việt. Vì sao, vì tính từ đặt trước danh từ, sơ cấp, trung cấp và cao cấp đó là tính từ của một khái niệm, nghề đây mới là cái chính, chúng ta đặt ngược. Hơn nữa trong Luật giáo dục có dùng trình độ, vì vậy chúng tôi thấy bậc sơ cấp, bậc trung cấp, trong đó không dùng chữ trình độ đâu, bậc cao đẳng rất là tiếng Việt, cao đẳng nghề nghe rất lạ.
Có vấn đề mà chúng tôi băn khoăn nhiều là vừa rồi đồng chí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp thận trọng để thanh toán nợ đối với luật, các nghị định, nhưng trong dự án luật trình kỳ họp thứ 10 tới và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách này, tránh Chính phủ và giao xuống cho các Bộ. Chẳng hạn trong luật này ít nhất, chúng tôi đếm chưa hết, ít nhất có 20 trường hợp giao cho Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội. Như thế là vừa rồi chúng ta phải báo cáo ngay với đồng chí Thủ tướng như thế là Chính phủ không chỉ nợ Nghị định mà còn nợ cả Thông tư nữa. Vì văn bản của Bộ Chính trị chỉ có Thông tư thôi mà Thông tư trong luật này là 20, trong mấy luật trước mỗi cái là 15, 16 cả thì chắc là số Thông tư mà hơn 20 Bộ này mắc nợ đối với Quốc hội đến hàng nghìn, chứ không phải là hàng trăm văn bản.
Hơn nữa, Nghị quyết Trung ương đã rõ rồi, từ Hội nghị Đại hội VIII, IX, Đại hội VII cho rằng phải giảm dần Nghị định và Thông tư, nhất là Thông tư vì Thông tư là tiếng nói của một Bộ thôi, trong đó có lĩnh vực liên quan đến toàn xã hội cần phải có tiếng nói của các thành viên khác của Chính phủ và tập thể Chính phủ. Cho nên ít nhất phải trình độ Nghị định, chứ không nên đặt nhiều ở Thông tư như thế này. Chúng ta cũng lấy lý do bây giờ toàn là luật chuyên ngành, chỉ có Bộ trưởng ngành đó và Bộ đó mới có thể nắm được đầy đủ để mà thể hiện. Chính trong trường hợp đó cần có con mắt giám sát của các Bộ trưởng khác và của tập thể Chính phủ, cho nên phải hạn chế lại những trường hợp cứ Bộ trưởng. Tôi đếm, tôi ghi ra la liệt Điều 18, Điều 16, Điều 20, Điều 23, Điều 27, Điều 30, Điều 33, Điều 34, Điều 38, Điều 40, Điều 41 thì Điều 41 có 3 lần Bộ trưởng, rồi Điều 44, Điều 45 dày đặc. Trong lúc đó chưa nói rằng các Bộ trưởng khác trong luật này cũng rất nhiều, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng 2 lần, Bộ trưởng Bộ Xây dựng một lần và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cũng 4 lần trong này. Như thế cả tập thể thành viên Chính phủ từng người một đều thu hút vào đây ban hành văn bản riêng của mình thì không biết đến bao nhiêu thì vừa. Như thế có phải Luật này 92 điều, nhưng số văn bản các cơ quan dưới Chính phủ ban hành gần gần số ấy. Đây là vấn đề rất bức xúc, vì không đơn thuần chỉ là thực hiện Nghị quyết Trung ương rằng giảm dần Thông tư, Nghị định ở đây phải chăng chúng ta tránh Chính phủ để Chính phủ nợ ít đi. Nhưng dồn nợ đó xuống cho cấp Bộ, đó là vấn đề rất cần phải cân nhắc. Cho nên chúng tôi rất có phân vân.
Xin nói thêm, có điều mà không biết lý do thế nào có lúc thì gọi là Bộ trưởng Lao động như chị Hoài Thu vừa nói, nói là bây giờ có phần việc nhưng riêng đối với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì chỉ có 2 điều. Điều 80, trên nói là Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội có vấn đề rồi, xong đến dòng thứ hai thì phải có thỏa thuận của Bộ Lao động, không biết thỏa thuận của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, tức là cấp Cục, cấp vụ hay vẫn Bộ trưởng. Tôi xin xem Điều 80, ở trên nói là Bộ trưởng, nhưng dưới thỏa thuận với Bộ Lao động Thương binh và xã hội, tôi xin đọc: Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành nguyên tắc v.v... Nhưng tiếp đó thì lại Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ có văn bản thỏa thuận của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ở đây không có Bộ trưởng, không biết ai ký, chắc là Cục, Vụ, Viện, đó là điều không bình thường.

Các văn bản liên quan