Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Xim – Tỉnh Hà Tây

Thứ Tư 09:22 16-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Trước hết, tôi bày tỏ sự nhất trí cao với những giải trình tiếp thu của Ban soạn thảo. Tôi xin có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về quản lý dạy nghề, tôi hoàn toàn nhất trí theo tinh thần giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý hệ thống dạy nghề này với lý do như sau:
Thứ nhất, hiện nay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang quản lý.
Thứ hai, giao cho Bộ nào quản lý thì do Chính phủ phân công và dựa trên cơ sở khối lượng công việc của từng Bộ mà giao cho hợp lý.
Thứ ba, thực sự Bộ Giáo dục và đào tạo hiện nay khối lượng công việc cực kỳ lớn và rất khó có thể hoàn thành được công việc ấy. Cho nên tôi nghĩ rằng nếu đưa khối này sang Bộ Giáo dục đào tạo nữa thì lại càng nặng nề thêm.
Thứ hai, về vấn đề liên thông trong vấn đề đào tạo, đây là vấn đề rất quan trọng và rất lớn khi bàn về Luật giáo dục và Luật dạy nghề đã đề cập đến vấn đề này. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một cơ sở để tháo gỡ, giải quyết vấn đề liên thông trong hệ thống đào tạo và giải quyết được ách tắc trong thời gian vừa qua. Song để thực hiện được liên thông trong đào tạo, tôi đề nghị ngay trong chương trình của hệ thống dạy nghề này chúng ta cũng phải thể hiện được sự liên thông ấy và có những cơ sở để có liên thông đối với các hệ thống khác trong hệ thống giáo dục.
Tôi lấy ví dụ như trình độ dạy nghề của cơ sở thì ngoài vấn đề yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp, tôi nghĩ rằng phải quy định thêm trình độ văn hóa phải đạt đến mức độ nào. Tức là trên cơ sở người có trình độ sơ cấp nghề thì có đủ điều kiện để tiếp tục học lên trung cấp nghề và tương tự như vậy người có đủ trình độ trung cấp nghề thì có đủ điều kiện để vào học cao đẳng nghề. Và muốn như vậy thì ngoài kỹ năng nghề nghiệp như trong mục tiêu ở các điều đã quy định, tôi đề nghị thêm một mục là yêu cầu về kiến thức văn hóa của từng trình độ.
Ví dụ sơ cấp nghề thì phải có trình độ văn hóa tương đương với trung học cơ sở hay trung cấp nghề thì phải có trình độ văn hóa tương đương với trung học phổ thông chẳng hạn. Trên cơ sở đó để tuyển vào các cấp nghề như trên thì tôi nghĩ nó phù hợp hơn.
Thứ ba, tôi muốn đề cập đến các doanh nghiệp tham gia vào vấn đề dạy nghề như thế nào? Quy định ở Chương V: Quyền hạn và trách nhiệm các doanh nghiệp tham gia vào vấn đề dạy nghề. Về nội dung tôi hoàn toàn nhất trí, song từ thực tế chúng tôi thấy điều như thế này, như một đại biểu đã nêu là dạy nghề có một đặc điểm rất đặc biệt, rất là khách quan. Tức là phần thực hành, vấn đề trang bị rất quan trọng, song dù chúng ta có đầu tư đến mấy và trang bị như thế nào thì không bao giờ các cơ sở dạy nghề có thể đáp ứng được những yêu cầu về trang thiết bị và phục vụ cho vấn đề dạy nghề, đáp ứng được tiến độ về khoa học, kỹ thuật. Cho nên bắt buộc phải huy động sự tham gia của các cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp về vấn đề dạy nghề. Song một chính sách đối với các doanh nghiệp như thế nào thì có một tình trạng như thế này.
Chúng tôi đi một số doanh nghiệp các đồng chí nói rằng, chúng tôi rất lo và rất băn khoăn khi mà nhận sinh viên, học sinh về đây thực tập. Bởi vì có những máy móc của chúng tôi trang bị hàng nhiều tỷ đồng và mỗi một giờ hoạt động có khi phải tính đến hàng chục triệu đồng. Nếu như mà dành máy đó để cho thực tập thì không biết là hao tổn và sự chi phí ấy tính vào đâu được. Tôi đến một doanh nghiệp các đồng chí nói rất nể vì khi hợp đồng rất chặt chẽ thì chúng tôi cũng phải nhận, nhưng khi nhận vào chúng tôi băn khoăn. Cho nên tôi đề nghị trong thiết kế phần này nên có quy định như thế nào đó để có khoản chi và đáp ứng những phần mà hao hụt, những phần vừa phải chi phí của các doanh nghiệp để phục vụ vào vấn đề dạy nghề. Tôi nghĩ có những cái mà phù hợp hơn thì cũng động viên được các cơ sở dạy nghề có thể hợp đồng, hay tạo điều kiện để sinh viên và học sinh học nghề đến đấy thực tập.
Thứ ba, về vấn đề kiểm định chất lượng dạy nghề, tôi đề nghị thế này: tức là về nội dung kiểm định chất lượng dạy nghề quy định ở Điều 74, tôi hoàn toàn nhất trí nội dung này. Song, có một vấn đề tôi thấy rằng có nên đặt ra, tức là đối với một người học nghề, ngoài vấn đề kiểm định chất lượng của các cơ sở dạy nghề ấy, nên chăng phải kiểm định cả về khả năng, chất lượng của học sinh sau khi học nghề ra trường để xem cơ sở đó dạy nghề học sinh ra trường có đáp ứng được yêu cầu không và chất lượng của người học nghề đó ra trường như thế nào? Tôi nghĩ rằng nếu đưa nội dung kiểm định này vào thì cũng có điều kiện đánh giá chất lượng của các cơ sở dạy nghề đó nó được đầy đủ hơn.
Về một vài từ ngữ cụ thể, tôi đề nghị thế này:
Thứ nhất, Điều 1 phạm vi điều chỉnh, tôi cũng băn khoăn một số ý kiến và thấy rằng dùng từ "tham gia" ở đây có lẽ nó chưa hợp lý và tôi đề nghị đổi từ "tham gia" bằng từ "trong" tức là luật này quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở dạy nghề, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động dạy nghề, tức là chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân, trong hoạt động, lĩnh vực dạy nghề, chứ còn "tham gia" thì nó cũng chưa rõ về vấn đề đó. Thứ hai, ở Chương II, tên của chương là các chương trình dạy nghề, có lẽ tôi đề nghị bỏ chữ "dạy" đi, ghi là "các trình độ nghề" và nó cũng phù hợp với các mục ở dưới, tức là trên cơ sở các trình độ nghề, ở dưới người ta có sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề thì nó phù hợp hơn

Các văn bản liên quan