Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu – Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội

Thứ Tư 09:14 16-08-2006

Tôi xin phép phát biểu một số ý kiến, tôi thấy bản báo cáo một số vấn đề cần tập trung mà chị Tâm Đan trình ra là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tất nhiên trong đó có phần trách nhiệm của mình. Tôi tán thành rất nhiều nội dung trong bản này, tuy nhiên để tranh luận với anh Kim Khanh, tôi cũng xin thưa việc lập luận ở đây, đúng là ý kiến anh Kim Khanh đúng một phần, do đó tôi cũng đề nghị Ủy ban thẩm tra và cơ quan soạn thảo cũng nên tiếp thu.
Ví dụ ngay ở trang đầu về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật, từ phần đầu cho tới chỗ của Chính phủ quy định thì nói về phạm vi điều chỉnh, nhưng mặt khác thuật ngữ dạy nghề nói về tên của luật tôi thấy nên rà soát để viết lại đoạn này. Nếu có nhiều đại biểu có ý kiến về phạm vi điều chỉnh của luật là nên mở rộng ra hơn các lĩnh vực khác thì mình hãy giải thích đoạn này, còn nếu ít ý kiến thì có thể nên tập trung nói về tên luật. Tên luật, có đại biểu đề nghị là tán thành, có đại biểu đề nghị tên khác, giáo dục nghề nghiệp hoặc đào tạo nghề thì nên tập trung để giải trình, để bảo vệ tên luật là dạy nghề. Nhưng cách bảo vệ này không thuyết phục như anh Kim Khanh nói là đúng, tức là mình nói mặt khác, mặt khác có nghĩa là nó nói đoạn trên, nhưng thực ra đoạn trên nói về phạm vi điều chỉnh, với lại mình cũng chỉ nói là các lĩnh vực khác như giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp sẽ do các văn bản pháp luật khác quy định. Nghị định của Chính phủ cũng là văn bản pháp luật khác chứ không phải là luật. Tôi đề nghị nên viết lại đoạn này cho rõ hơn một chút tên tên và phạm vi điều chỉnh, nếu phạm vi điều chỉnh không nhiều lắm thì nên nói tên luật. Nhưng đúng như đồng chí Kim Khanh nói, tức là vì trình ra Quốc hội tên dạy nghề nhưng bây giờ để dạy nghề thì cái này nó không thuyết phục lắm.
Thực ra dạy nghề nó nôm na, nó dễ hiểu nhất. Nếu nói dạy nghề thì nói cho đủ còn phải nói học nghề nữa, vì dạy thì phải có học. Bây giờ không lẽ mình nói là Luật dạy nghề và học nghề, chẳng lẽ tất cả nội dung gì mình cũng đưa vào tên hết thì không phải. Cho nên gọi nôm na là Luật dạy nghề thì cách mình giải trình cho gọn và nó rõ nhưng đừng theo kiểu giống như chống càn như đồng chí Kim Khanh nói.
Cũng có ý kiến về quản lý Nhà nước về dạy nghề, hôm đấy 2 luật cùng thảo luận một lúc cho nên tôi ở Hội trường này không được nghe ý kiến của đại biểu. Nhưng mà sau đó tôi đọc lại gỡ băng cũng như đọc một số bài báo, tôi thấy tình hình nó không hay lắm. Đọc gỡ băng thì một số đại biểu mình phát biểu rất gay gắt về vấn đề quản lý Nhà nước, nặng nề, tại sao lại Bộ Lao động Thương binh và xã hội quản lý dạy nghề, phải là Bộ Giáo dục v.v... nói cũng khá nặng nề, cũng không có được hay, rồi sau một bài báo chỉ trích vị đại biểu đó. Cho rằng vị đại biểu đó là có một sự xúi giục thì nói chung tóm lại chẳng hay. Thành thử ra tôi thấy ở đây mình xây dựng luật nó rất khách quan, trách nhiệm của mình phải làm, chả ai chỉ trích ai trong việc này, ai giỏi thì xung phong làm, pháp luật đâu có cấm cho mình được trình Dự án luật đâu, cần chỉ trích.
Cho nên tôi thấy cái đó nó không tốt thì bây giờ ở đây giải thích về tức là giải trình quản lý Nhà nước về dạy nghề, tôi nhớ rất rõ đã có một lần Ủy ban chúng tôi thuyết trình trước Quốc hội về vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, chúng tôi cũng có nói rõ về chỗ hiện nay trong bản này có nói, tức là quản lý Nhà nước về dạy nghề cũng đã nhiều năm và cũng đã chuyển một số cơ quan thuộc Chính phủ, thuộc Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp, rồi Bộ Giáo dục, đào tạo và Bộ Lao động thương binh, xã hội. Chúng tôi cũng đã có thuyết trình trước Quốc hội cách đây 2 năm về vấn đề này rồi. Tôi nghĩ rằng không phải là vì Bộ Lao động thương binh, xã hội là quản lý nhiều năm, 23 năm bằng 3-4 lần các cơ quan khác. Cho nên bây giờ tiếp tục giao cho Bộ Lao động thương binh và xã hội. Nhưng tôi cho rằng cái gì nó đã ổn định thì mình nên giữ sự ổn định của nó để mỗi một lần chuyển giao như vậy thì nó rất lộn xộn, thất thoát về tài sản, con người.v.v...Cho nên không nên việc đó. Còn bây giờ Bộ Lao động thương binh và xã hội mà quản lý chưa có tốt thì bây giờ đây là mình đang làm luật cơ mà, làm luật để quản lý tốt hơn. Tôi có quan điểm là không nên thay đổi cơ quan Nhà nước nữa. Nhưng trong dẫn chiếu ở đây thì đúng như anh Kim Khanh nói, nhưng tôi cũng suy nghĩ kỹ lại rồi, đây không phải là Bộ Lao động thương binh và xã hội giải trình, cũng không phải là Uỷ ban Văn hoá giáo dục giải trình, mà là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình thì tôi nghĩ giải trình như thế này là được.
Nếu Bộ Lao động thương binh và xã hội giải trình như vậy thì đúng như ý kiến anh Kim Khanh nói là Uỷ ban Văn hoá Giáo dục giải trình thì có thể như ý kiến anh Kim Khanh nói. Nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội giải trình thì tôi thấy rằng trong này cũng không có cái gì mà xúc phạm đâu, nếu như có một vài chỗ nào đó không mang tính thuyết phục lắm thì ta nên sửa thôi. Tôi chỉ thấy có một điều là trong Bản giải trình này, đây là giải trình ra chi đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, có những cái mình nên khẳng định ý kiến Thường vụ, mình thuyết phục đại biểu Quốc hội chuyên trách chấp nhận, nhưng cũng nên có những nội dung phải hỏi xem, đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Còn mình nói ra là anh nói như vậy thì tôi giải thích như vậy, anh phải nghe thì nó không thuyết phục ở chỗ đó thôi, còn tôi thấy rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà giải trình chỗ quản lý Nhà nước như thế này là được, nhưng đồng thời cũng rà soát lại một vài đoạn nào đó mà nó chưa mang tính thuyết phục lắm thì sửa, không sao cả. Đó là ý thứ hai.
Ý thứ ba, về giải thích từ ngữ, chữ là "môđun" thực ra tôi cũng hiểu môđun là cái gì, tôi cũng đã hỏi ở kỳ trước rồi. Nhưng thực ra mình dịch âm ra chữ "môđun" này thì cũng không đúng, nếu đọc là phải đọc "Modul" nó là tiếng Pháp mà, thế thì mình dịch ra "Modun" cũng không hiểu được. Thôi thì anh Việt có từ là "học phần" học phần là gì thì giải thích từ ngữ chắc có lẽ học phần không biết có chính xác 100% chưa mà tôi tin anh Hồ Đức Việt, đại biểu xem là có được không? chứ còn thực ra nếu giải thích như thế này là tôi cũng chưa thông.
Ví dụ như "casino" hay là golf, "gol" mà còn để "golf" ở đằng sau hay là "karaoke" là tiếng Nhật chứ không phải là tiếng tây nữa. Có những cái hôm trước mình làm Luật Thuế này kia thì cũng có nhiều chữ lắm rồi nhưng cái gì mà mình làm cho người ta dễ hiểu nhất, bây giờ nói "karaoke" trẻ con cũng biết nhưng mà nếu nói "Modun" đúng là người lớn cũng khó biết thì nên gọi là học phần chăng? còn học phần là gì thì đó là tôi xin đề nghị như vậy.
Một ý kiến tiếp theo của tôi, có một số điều dẫn chiếu Luật Giáo dục nhiều lắm, Điều 58, 59, 60, 85, 86, 89, 90, 91, 92 của Luật Giáo dục, tất nhiên luật này liên quan đến Luật Giáo dục nhưng bây giờ đưa Luật Dạy nghề, dẫn chứng Luật Giáo dục thì có gây khó khăn gì không? có xử lý kỹ thuật về mặt gì đó để cho nó rõ không? chỗ này tôi cũng nghĩ kế được nhưng tôi thấy dẫn chứng nhiều điều trong Luật Giáo dục.
Một ý nữa, hôm qua đại biểu có phê bình Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận, cơ thể người thì giờ xin ý kiến đại biểu luôn tức là bây giờ ta thống nhất trong các luật là Bộ hay Bộ trưởng, tại luật kia lát thì Bộ, lát thì Bộ trưởng. Ở trong luật này rất nhiều Bộ trưởng Bộ Lao động, cho nên tôi xin đề nghị thống nhất là Bộ trưởng hay Bộ trưởng cho rõ.
Ý kiến tiếp theo, Điều 2 và Điều 3 có thể nên ghép lại làm 1 được không, tức là đối tượng áp dụng, áp dụng Luật Dạy nghề tôi đọc cũng có khác tý nhưng nếu mình để 2 điều như đại biểu nói thì cũng nên bớt số điều lại cho nó gọn, dễ nhớ. Tôi muốn đề nghị ghép Điều 2 với Điều 3.
Về Chương II thì có 3/4 mục có mục tiêu nhưng phần đuôi thì rất trùng lặp, nãy giờ đại biểu có ý kiến rồi. Điều 4 biết rằng nó nằm ở chương quy định chung, mục tiêu dạy nghề ở cuối của Điều 4 nếu đại biểu ta thảo luận thêm mục tiêu dạy nghề chung như thế này đủ chưa, chưa đủ thì ta bổ sung vào Mục 4. Còn ở các chương mục tiêu cho từng loại, theo tôi nên bỏ phần đuôi đi, bởi vì để nó khỏi phải lặp lại phần chữ đậm. Hai là có đại biểu nói đúng, ví dụ trình độ ở Mục 1 sơ cấp nghề. Sơ cấp nghề học thời gian ngắn nhưng cũng đòi đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp hay sức khỏe thì đúng rồi. Nhưng tác phong công nghiệp ở sơ cấp nghề, khỏi phải tranh cãi cái này mà phần lớn đây là những điều mới bổ sung, tức là có ý kiến đại biểu Quốc hội như vậy. Nhưng chúng ta cũng phải cân nhắc, theo tôi trên điều chung chúng ta ghi đầy đủ mục tiêu dạy nghề và từng mục tiêu cụ thể của từng loại trình độ nghề thì ta ghi đúng theo trình độ đó, còn phần nào chung thì phải áp dụng Điều 4, cho nó gọn và cũng khỏi phải bàn bạc tranh luận làm gì, không có lợi, mà Luật lại dài thêm, nó trùng lắp nhiều.
Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề tôi có một ý kiến tức là Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề có hiệu lực thì Chính phủ và các địa phương phải chấn chỉnh lại các trường hiện có giống như ý kiến của đồng chí Ngô Sỹ Hưởng nói lúc nãy thì hiện nay ở địa phương có nhiều loại trường với nhiều tên trường. Tôi đề nghị khi hai luật này có hiệu lực rồi thì Chính phủ phải chỉ đạo cho các địa phương chấn chỉnh lại, sắp xếp lại cho có nề nếp, loại nào là loại hình hoạt động theo Luật dạy nghề, loại trường nào hoạt động theo Luật giáo dục. Chứ còn không có nửa này, nửa kia, "nửa nạc, nửa mỡ" rất khó trong công tác quản lý ở đây nhất là vấn đề nội dung giáo trình. Tôi cũng tán thành ý kiến của đại biểu là dạy nghề có hai phần, phần giáo viên mà thực trạng hiện nay cũng có những trường nghề giáo viên trình độ rất thấp cho nên dạy nghề chất lượng kém.
Thứ hai, rất quan trọng đó là trang bị máy móc nhưng tôi cũng hiểu rằng không thể nào có một trường dạy nghề mà có tất cả các loại máy móc từ thô sơ cho tới hiện đại để cho học sinh học, cho nên bây giờ phải có vấn đề thực tập nghề hoặc ít ra là tham quan nghề ở các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thì mới phục vụ được cho người học sinh học nghề vừa có lý thuyết, vừa có thực hành.
Thực trạng của mình hiện nay vào các trường dạy nghề nhất là ở địa phương rất tiêu điều, rất đơn sơ mà học ra rồi cũng không làm được, không thực hành được cái gì, vì đâu có sờ được vào máy móc gì đâu mà có thì máy móc cũng rất chi là cũ kỹ không đáp ứng được. Cho nên hiện nay nhiều doanh nghiệp người ta nhận công nhân vào và những người không biết gì hết, không cần có một nghề nào lên ngồi trên máy vài tiếng đồng hồ sau người khác làm được ngay nhất là vấn đề may hay này kia. Ở đây mình không phải nói là không cần học nghề, nhưng nghề cho ra nghề thì đòi hỏi đầu tiên là trường nào đào tạo ra giáo viên dạy nghề, từ chỗ máy móc rất quan trọng, trường dạy nghề thì phải có ít nhất một số máy móc và đồng thời phải cho sinh viên, học sinh đi thực tập.
Ý kiến cuối cùng, tôi không tán thành ý kiến anh Hưởng nói rằng Nhà nước phải đầu tư, cái đó đúng rồi Nhà nước đầu tư cái đó là cái cơ bản. Nhưng Nhà nước mình bây giờ đâu đủ năng lực đầu tư tất cả cho các trường dạy nghề trong cả nước. Cho nên, Nhà nước có chính sách, tôi cũng lưu ý có chính sách là có chính sách thật, đừng nói có chính sách trong Luật mà đến khi sờ vào luật thì chẳng có chính sách nào hết. Ví dụ, người ta mở trường dạy nghề thì Chính phủ phải chỉ đạo, ai mở trường dạy nghề thì sẽ được miễn thuế sử dụng đất, được giảm thuế trong vòng bao nhiêu năm được không, cho vay bao nhiêu tiền? Điều đó trong Luật mình ghi có chính sách, nhưng hoạt động của mình là có chính sách thật, chứ còn bây giờ bảo Nhà nước đầu tư hết thì không có khả năng, Nhà nước ôm hết dạy nghề cũng không được, khoán trắng dạy nghề cho ai muốn làm gì thì làm, càng đăng bảng dạy nghề càng nhiều càng tốt. Tôi thấy cũng không thể được, cho nên Nhà nước có chính sách đúng nhưng phải kiểm tra và thanh tra, thừa những cơ sở dạy nghề, để tránh trở thành những cơ sở có hình thức mà không có nội dung. Cuối cùng, người học nghề tiền mất tật mang.

Các văn bản liên quan