Trích ý kiến của ĐBQH Lê Huy Luyện – Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Tư 09:10 16-08-2006

Kính thưa các đồng chí Phó Chủ tịch.
Kính thưa các vị đại biểu.
Tôi xin phát biểu mấy ý kiến ngắn. Trước hết, tôi thấy Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như Dự thảo Luật Dạy nghề lần này cũng đã thực hiện khá tốt, có sức thuyết phục. Nó đã giải tỏa được một số băn khoăn mà tại kỳ họp trước các vị đại biểu Quốc hội cũng đã có băn khoăn, như chính sách của Nhà nước về dạy nghề, chính sách đối với người học nghề, vấn đề liên thông đào tạo, vấn đề quản lý Nhà nước về dạy nghề. Những vấn đề lớn mà tại kỳ họp trước một số đại biểu băn khoăn thì lần này đã được giải trình, đã được chỉnh lý, theo tôi như thế khá thuyết phục.
Với Dự thảo luật, nếu như thực thi chúng tôi nghĩ giáo dục nghề nghiệp của đất nước phải có những chuyển biến mới, đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong giai đoạn tới. Tuy nhiên khi đọc dự thảo luật tôi thấy có một vài điều còn hơi lấn cấn một chút, tôi xin được phát biểu để các đồng chí xem xét.
Tại Điều 6, có tiêu đề "các trình độ dạy nghề", có 2 khoản: Khoản 1 là dạy nghề có 3 cấp trình độ gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Khoản 2 là dạy nghề gồm dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên. Tôi cho có lẽ ở khổ 2 nó là hình thức dạy nghề, chứ không phải là trình độ dạy nghề, hình thức gồm có hình thức đào tạo dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên, tôi cho đây là hình thức, chứ không phải là cấp trình độ đào tạo. Cho nên, nếu như được, xin các đồng chí có thể điều chỉnh lại một chút tiêu đề của Điều 6 là "các trình độ dạy nghề và hình thức dạy nghề" thì nó phù hợp. Đấy là ý thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, tại Điều 10 mục tiêu dạy nghề sơ cấp, Điều 17 mục tiêu dạy nghề trung cấp, tôi thấy có gì đó chưa thoát lắm. Ở Điều 10 và Điều 17 này, phần chữ in đậm như nhau, tức là bao gồm có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiêp, sức khỏe v.v... đoạn này ở Điều 10 với Điều 17 này cũng lập lại như vậy.
Vừa rồi đồng chí Lợi có nói một ý, ở Điều 10 tức là mục tiêu dạy nghề nên lược bỏ đi, ví dụ tác phong công nghiệp, vì thời gian đào tạo dưới 1 năm, nó cũng chưa hợp lý lắm. Tôi xin đề nghị như sau:
Đúng là nếu như lấy lại ở Điều 10 đưa vào Điều 17 thì hai cái cũng trùng nhau, vả lại nó cũng không hay lắm. Cho nên, đề nghị nghiên cứu, xem xét xem có thể nên lược bỏ đoạn "dạy nghề sơ cấp nhằm trang bị cho người học nghề năng lực thực hành một nghề đơn giản hoặc năng lực thực hành một số công việc của một nghề", còn đoạn "có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ" theo tôi nên lược bỏ, lấy tiếp đoạn là "nhằm tạo cho người học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên ở trình độ cao hơn". Như vậy, nó hợp lý hơn. Còn đặt vấn đề như thế này vừa chung và vừa cao siêu quá, ví dụ có đạo đức thì dĩ nhiên rồi, nhưng lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp đối với nghề sơ cấp, đào tạo trong một quãng thời gian ngắn, e rằng nó hơi cao. Cho nên, tôi nghĩ rằng nên lược bỏ đoạn này, mình hiểu đào tạo một anh công nhân dù là sơ cấp hay trung cấp cũng phải có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, theo tôi đoạn này nên lược bỏ đi để cho điều được gọn, đấy là ý thứ hai tôi đề nghị các đồng chí cân nhắc.
Vấn đề thứ ba, ở Điều 30 về bằng cao đẳng nghề, như một số đồng chí đã phát biểu trước, tôi cũng thấy là bây giờ mình đào tạo liên thông vậy thì đào tạo cao đẳng nghề thì dĩ nhiên tên của nó phải là bằng cao đẳng. Nhưng bên ngành giáo dục thì giáo dục cao đẳng với giáo dục đại học thì nó thuộc hệ giáo dục đại học và khi ra trường đều cấp bằng cử nhân. Theo tôi nếu như tính liên thông giữa bên đào tạo nghề với bên giáo dục thì ta tính toán lại xem bằng cao đẳng nghề này tương đương với bằng cao đẳng bên giáo dục đào tạo được không, có thể cấp bằng cử nhân được không? Tôi nghĩ tính như vậy thì nó thể hiện được tính liên thông hay hơn, chứ còn gọi là bằng cao đẳng nghề thì cũng quá chung chung. Tôi xin đề nghị các đồng chí cân nhắc xem, thay tên cao đẳng nghề bằng một cái tên nào đấy mà nó gắn và liên thông với bên giáo dục và đào tạo. Thứ tư, tại Điều 92 có quy định Chính phủ hướng dẫn thực hiện 5 điều, từ Điều 62, 72, 86, 88, 89. Như vậy đối với luật này thì Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ phải hướng dẫn thực hiện 5 điều, đây cũng là bước tiến bộ khá lớn. Chúng tôi chỉ xin đề nghị sớm có hướng dẫn đối với 5 điều này, để một khi Luật đã được ban hành thì đã có hướng dẫn để có cơ sở thực hiện ngay. Cố gắng làm sao tránh tiếng cho Quốc hội, tức là Quốc hội thường cứ làm khó cho Chính phủ, cách đây mấy ngày theo dõi trên truyền hình tôi thấy có vị luật sư nói rằng Quốc hội ra luật như thế. Thế nhưng những cái gì rồi lại đề nghị với Chính phủ hướng dẫn, như vậy Quốc hội làm khó cho Chính phủ. Tôi cho rằng cái này không phải, cơ quan soạn thảo vẫn là cơ quan Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến, Quốc hội thông qua Luật, vấn đề là cơ quan soạn thảo và Chính phủ làm sao có hướng dẫn nhanh để thực hiện được. Bây giờ lại quay lại nói trách Quốc hội làm khó cho Chính phủ thì không nên. Cho nên với một luật chỉ có 5 điều cần phải hướng dẫn thực hiện. Tôi nghĩ Chính phủ nên sớm có hướng dẫn để rồi khi Luật này được ban hành thì cơ sở có điều kiện thực hiện. Đấy là một số ý kiến nhỏ, chúng tôi xin đề nghị với các đồng chí trong Ban soạn thảo quan tâm, cân nhắc.

Các văn bản liên quan