Nên hình thành Luật Giáo dục Nghề nghiệp

Thứ Tư 23:59 07-06-2006

PGS.TS. Nguyễn Viết Sự, Nghiên cứu viên cao cấp Viện chiến lược và chương trình giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã cho biết quan điểm như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Thưa ông, việc tách dạy nghề để điều chỉnh bằng một bộ luật riêng - Luật dạy nghề, liệu có phải là phá vỡ tính hệ thống của Luật Giáo dục?

Luật Giáo dục 2005 công bố ngày 27/6/2005 được coi là Luật khung. Luật dạy nghề là văn kiện cụ thể hoá các quy định về dạy nghề của Luật Giáo dục và tạo hệ thống pháp luật về dạy nghề đồng bộ, thống nhất, có giá trị pháp lý cao.

Như vậy có thể hiểu Luật dạy nghề không thể vượt ngoài Luật khung giáo dục 2005 được. Dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục đã quy định. Nếu Luật dạy nghề chỉ để điều chỉnh mỗi lĩnh vực dạy nghề thì bậc trung cấp chuyên nghiệp liệu có cần một đạo luật khác nữa không?

Theo tôi, việc tách dạy nghề để điểu chỉnh bằng một bộ luật riêng không những phá vỡ tính hệ thống của Luật Giáo dục mà còn làm phức tạp cho hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng mà hiện nay các trường này đều tổ chức dạy nghề. Như vậy, một trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng sẽ chịu sự điều chỉnh của hai đạo luật liên quan đến giáo dục.

Nhưng thưa ông, có ý kiến lại cho rằng Luật dạy nghề ra đời sẽ là hành lang pháp lý để hệ thống dạy nghề đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội?

Đúng vậy, để có thể hội nhập kinh tế thì chúng ta phải có nguồn lao động có trình độ, có kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và ngoài nước.

Theo tôi được biết, hiện ngành lao động đang chuẩn bị chuyển đổi hệ thống dạy nghề hiện hành sang hệ thống dạy nghề theo ba cấp trình độ. Theo định hướng phát triển hệ thống dạy nghề giai đoạn 2006-2010 là tăng nhanh dạy nghề trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp phục vụ cho các ngành mũi nhọn, xuất khẩu lao động và các khu công nghiệp, khu chế xuất nhất là cho các vùng kinh tế động lực; đồng thời mở rộng dạy nghề trình độ sơ cấp với các hình thức và mô hình đa dạng, năng động, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu tìm việc làm và tự tạo việc làm của người lao động nhất là lao động nông thôn, góp phần tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo.

Cùng đó, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với thị trường lao động, tăng sức cạnh tranh của lao động Việt Nam trong khu vực. Điều này được thực hiện tốt khi Luật dạy nghề ra đời. Thế nhưng, Dự thảo luật dạy nghề hiện vẫn đang tiềm tàng những bất ổn.

Những vấn đề bất ổn trong Dự thảo Luật dạy nghề là gì, thưa ông?

Tôi thấy khá nhiều sai sót về mặt từ ngữ, nhiều nội dung còn dàn trải, thiếu cụ thể, trung lập. Một trong những vấn đề rất quan trọng nhằm nâng cao trình độ nhân lực bằng hình thức liên thông lại không rõ ràng. Giữa 3 trình độ dạy nghề liên thông với trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học bằng cách nào và có khả thi, không thấy nói đến.

Như vậy muốn liên thông phải thiết kế chương trình một cách đồng bộ, xuyên suốt và trên cơ sở hình thành chương trình đào tạo theo hệ thống các môđun. Với một số ngành nghề khó mà thực hiện như: nghề tiện, nghề xây dựng, nghề nấu ăn..., với trình độ cao đẳng rồi lên đại học gì?

Không nên đặt ra chương trình khung sơ cấp nghề vì thời gian đào tạo đối với một nghề rất khác nhau, từ 3 tháng đến dưới 12 tháng; lại theo nhu cầu người học. Bởi vậy không thể xác định được chuẩn chung cho trình độ này. Nên chăng xác định chương trình đào tạo sơ cấp nghề cụ thể theo mục tiêu và yêu cầu của người học nghề để các cơ sở tiến hành đào tạo. Kết thúc khóa học ở trình độ này, các cơ sở cấp chứng chỉ nghề là hợp lý.

Cũng không nên đưa hoạt động dịch vụ tư vấn dạy nghề vào Luật dạy nghề, vì đó là một trong các hoạt động hướng nghiệp do trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia thực hiện. Về kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề, cần xác định rõ tiêu chí kiểm định chất lượng của cơ sở dạy nghề bằng định lượng.

Là một người có hơn 40 năm hoạt động quản lý và nghiên cứu trong lĩnh vực dạy nghề, theo ông, cần làm thế nào để Luật dạy nghề có thể đi vào cuộc sống?

Phải tập hợp khoảng 15 chuyên gia về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và luật pháp để xây dựng một đạo luật hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội. Cần nhập hai hệ thống dạy nghề với đào tạo trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về một đầu mối quản lý trực thuộc Chính phủ. Nhà nước nên chỉ đạo thiết kế hệ thống giáo dục quốc dân cho hoàn chỉnh, từ đó xây dựng thành luật cho từng ngành, từng hệ thống nhằm làm giảm sự trùng lặp trong quản lý. Nên chăng cần có một luật về giáo dục nghề nghiệp mà không phải là dạy nghề tách riêng.

Lý Hà thực hiện

Các văn bản liên quan