VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị quyết quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy
VCCI_ Góp ý Nghị định sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế
Kính gửi: Bộ Y tế
Trả lời Công văn số 8068/BYT-PC ngày 27/12/2024 của Bộ Y tế về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Sửa đổi Luật Đầu tư
Hiện nay, danh mục các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư. Thêm vào đó, Điều 8.1 của Luật Đầu tư quy định: “Căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh,… và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 6,… của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.” Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo trình Chính phủ hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Điều 6 của Luật Đầu tư tương ứng.
- Các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người
Nghị quyết 173/2024/QH15 xác định có chính sách cấm đối với “thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khoẻ con người”. Dự thảo Nghị định đã bổ sung Điều 2a giải thích khái niệm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Như vậy, khái niệm “các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khoẻ” chưa được giải thích. Điều 2.2 của Luật Phòng, chống ma tuý cũng đã giải thích khái niệm “chất gây nghiện”. Tờ trình của cơ quan soạn thảo chưa giải trình rõ lý do vì sao không đưa các nội dung này vào Nghị định.
Nhiều doanh nghiệp hiện băn khoăn khái niệm “các loại khí, chất gây nghiện, gây tác tại cho sức khoẻ” có bao gồm loại khí N2O hay không. Một số ý kiến cho rằng khí N2O được người dùng hít trực tiếp với mục đích giải trí (thường gọi là bóng cười) cũng thuộc diện cấm theo Nghị quyết 173. Tuy nhiên, nếu hiểu như vậy thì việc sử dụng khí N2O cho các mục đích khác như sản xuất công nghiệp, y tế, chế biến thực phẩm sẽ được quản lý như thế nào.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định giải thích rõ “các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khoẻ” trong Nghị quyết 173 có bao gồm khí N2O hay không. Trong trường hợp có bao gồm thì việc phân loại, quản lý khí N2O sử dụng cho các mục đích khác cần được nghiên cứu để bảo đảm không gây vướng mắc hay phát thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.