VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị quyết quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy

Thứ Ba 17:07 21-01-2025

Kính gửi: Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 182/BTP-KTrVB của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

Ngày 08/01/2025, VCCI đã có Công văn số 0031/LĐTM-PC góp ý Dự thảo Nghị quyết quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. So với phiên bản trước, Dự thảo phiên bản này đã tiếp thu một số ý kiến của VCCI, các quy định về cơ bản đã đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể, minh bạch và hợp lý. Để hoàn thiện, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét thêm một số vấn đề sau:

  1. Về giá trị của các văn bản, giấy tờ đã được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cấp (Điều 10)

Điều 10 Dự thảo quy định:

– “Giấy tờ do các cơ quan, người có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa hết thời hạn theo quy định của pháp luật vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng cho đến khi bị thay thế hoặc bị xử lý bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật” (khoản 2). Theo nguyên tắc, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp. Vì vậy các giấy tờ do các cơ quan, người có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được chuyển giao phạm vi quản lý cho cơ quan, người có thẩm quyền sau sắp xếp. Trên cơ sở đó thì các giấy tờ này chưa hết thời hạn sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn. Quy định tại khoản 2 Điều 10 có thể dẫn tới trường hợp, khi giấy tờ chưa hết hạn, nhưng lại bị thay thế, hủy bỏ để phù hợp với việc quản lý sau khi sắp xếp, tổ chức. Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định trên theo hướng, giấy tờ do các cơ quan, người có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp bộ máy mà chưa hết thời hạn theo quy định pháp luật vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn.

– “Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi giấy tờ đang còn hiệu lực trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (khoản 3). Đề nghị Cơ quan soạn thảo bỏ cụm từ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” vì Nghị quyết này đang xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, các giấy tờ do các cơ quan, người có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy là vấn đề quan trọng, chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp, vì vậy cần quy định nguyên tắc xử lý ngay tại Nghị quyết này mà không có trường hợp ngoại lệ của quy định tại văn bản khác.

  1. Rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật (Điều 12)

– Khoản 1 Điều 12 Dự thảo quy định “Các cơ quan có trách nhiệm kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Nghị quyết này để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và tránh khoảng trống pháp luật, trừ các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết này”. Để đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ những quy định nào có thể áp dụng ngay.

– Khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định các cơ quan, người có thẩm quyền sẽ rà soát và ban hành hoặc trình thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có thay đổi về quy trình, trình tự, thủ tục, tổ chức cán bộ, xử phạt vi phạm hành chính và các vấn đề cần thiết khác bảo đảm hoạt động hiệu quả, thông suốt của bộ máy nhà nước theo trình tự thủ tục rút gọn trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Quy định này chưa rõ, trong khoảng thời gian soạn thảo và chờ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật này thì quy trình, trình tự, thủ tục, xử phạt vi phạm hành chính và các vấn đề khác sẽ thực hiện theo quy định nào hoặc thực hiện như thế nào? Có thể trong khoảng thời gian này, các trình tự thủ tục này sẽ thực hiện theo văn bản hành chính quy định tại khoản 2 Điều 13 Dự thảo. Tuy nhiên, để đảm bảo tính rõ ràng, thuận lợi trong quá trình triển khai đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ vấn đề này và có thể dẫn chiếu tới khoản 2 Điều 13 Dự thảo.

  1. Xử lý các vấn đề phát sinh mà chưa dự liệu được hết khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy (Điều 13)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Dự thảoViệc ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn việc thực hiện thủ tục hành hành chính trong trường hợp trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính thay đổi do sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa sửa đổi ngay được các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm không làm phát sinh thủ tục hành chính hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị quyết này. Đây là các nội dung tác động trực tiếp đến cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục, vì vậy cần thiết đưa ra nguyên tắc về việc ban hành để đảm bảo các thủ tục hành chính hướng dẫn trong văn bản hành chính được kiểm soát, không gia tăng chi phí tuân thủ cho cá nhân, tổ chức. Đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra nguyên tắc kiểm soát thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP và Nghị định 91/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính khi hướng dẫn việc thực hiện thủ tục hành chính trong văn bản hành chính.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan