Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân – Tỉnh An Giang

Thứ Hai 14:45 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhận thấy luật này đã được tiếp thu và sửa chữa khá tốt, tôi nghĩ nếu thêm hôm nay nữa thì có thể thông qua được. Tôi xin đi vào điều thứ nhất là Điều 44 về Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Tôi rất hoan nghênh kiến nghị trong kỳ họp lần trước và trong Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thì Quỹ này đã được giữ lại. Tôi đọc điều này tôi có cảm tưởng là dừng lại ở hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là một. Thứ hai là nông thôn miền núi những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, hỗ trợ vườn ươm tạo doanh nghiệp công nghệ. Nhưng phạm vi của Quỹ này có thể hỗ trợ cho những doanh nghiệp khác, có thể lớn hơn cũng được hay không? Đó là câu hỏi tôi đặt ra. Theo ý tôi là nên chứ không nên chỉ khoanh lại doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ khoanh lại trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, lâm nghiệp, vườn ươm v.v...

Ý thứ hai, trong Khoản 2 của Điều 44, các đồng chí có nêu a, b, c và đ. Thật ra 3 hình thức a, b, c cũng là hỗ trợ rồi. Bây giờ Khoản đ hỗ trợ vốn ở chỗ này là như thế nào. Hỗ trợ vốn ở đây có phải chăng chúng ta cấp kinh phí hay là cho không kinh phí thì các đồng chí cũng nên làm rõ khái niệm "hỗ trợ vốn" ở trong Khoản đ. Theo tôi, nên bỏ Khoản đ và chỉ giữ lại 3 hình thức hỗ trợ a, b, c và thêm một cụm từ cuối, giống như đồng chí Thu Hồng là nhằm đổi mới công nghệ. Tức là chúng ta hỗ trợ như thế này để nhằm đổi mới công nghệ, chứ không phải là cho kế hoạch sản xuất kinh doanh nói chung.

Vấn đề thứ ba trong chỗ này là tôi xin liên hệ lại buổi hôm qua, khi nói đến Tổng công ty 91 thì tôi có nêu lên một vấn đề là có một khoản 20 tỷ dành cho khoa học công nghệ cho Tổng công ty 91. Ở đây, theo tôi nghĩ, đúng như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là để thực hiện các cam kết quốc tế: Nhà nước sẽ không tiếp tục tài trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp. Nếu như hôm qua Bộ trưởng Vũ Văn Ninh có nói 20 tỷ này giúp cho tổng công ty nào đó đổi mới công nghệ, tôi nghĩ như vậy là chúng ta không phù hợp với quy định của Điều ước quốc tế. Như vậy nên dùng khoản này từ kinh phí, chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ hoặc từ quỹ đổi mới công nghệ này, bằng những hỗ trợ đổi mới công nghệ này chứ không nên dùng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ tài chính cho Tổng công ty đó. Như vậy không phù hợp với các quy định của Điều ước quốc tế.

Điểm thứ hai, Điều 53 liên quan đến trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tôi đề nghị ở Khoản 1 dự thảo viết thì viết "cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tham gia tìm kiếm thông tin công nghệ, thông tin chuyên gia công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ ; v.v... " Tôi đề nghị bỏ tất cả cụm từ, "tìm kiếm" cho tới "môi giới" mà chỉ để đơn giản là tham gia "hoạt động chuyển giao công nghệ". Bởi vì, nếu chúng ta viết tìm kiếm thông tin công nghệ, thông tin chuyên gia công nghệ nó nằm trong tham gia cái hoạt động và nếu chúng ta viết như thế này rất mất cảnh giác, người ta có thể nghĩ chúng ta làm những điều sai với luật pháp của người ta. Vì vậy cho nên tôi đề nghị bỏ cụm từ "tìm kiếm" cho đến "môi giới" thay bằng hai chữ "tham gia" hoạt động chuyển giao công nghệ và nội hàm của sự "tham gia" chính là chúng ta làm những chuyện này.

Ý thứ ba, tôi hoan nghênh có Điều 51 quy định cho vấn đề đối với những chuyên gia người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tham gia vào hoạt động này.

Ý kiến thứ tư, Điều 11a mà hồi nãy đồng chí Mai Anh có nói, đồng chí Mai Anh nên hạn chế lại từ dịch vụ phần mềm, là phần mềm nhúng trong thiết bị. Cũng có nhiều ý kiến của chuyên gia nước ngoài đề nghị chúng ta bỏ từ "dịch vụ", ý kiến của tôi thì tôi nghĩ là vẫn nên giữ như dự thảo. Bởi lẽ định nghĩa của chúng ta ở Điều 3, Khoản 2 công nghệ dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm mà sản phẩm ở đây là hàng hóa và dịch vụ. Không có nghĩa như chuyên gia nước ngoài người ta tư vấn cho mình giữ lại là sản xuất thôi, nghĩa là sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy việc dè dặt của đồng chí Mai Anh, tôi nghĩ không ngại mà để như vậy nó rộng đuờng cho hoạt động chuyển giao công nghệ nhiều hơn.

Vấn đề nữa là ở Điều 4, chị Kim Anh có nói Khoản 5 nên bỏ tôi nghĩ nên giữ. Bởi vì Bộ luât dân sự là luật chung, sau đó Luật Thương mại rồi tới Luật Chuyển giao công nghệ, có chuyển giao công nghệ đặc thù hơn nữa, như vậy Điều 4 quy định như vậy rất rõ. Tôi nghĩ Điều 4, Khoản 5 quy định như vậy tôi cho là chặt chẽ, tôi đề nghị không nên bỏ Khoản 5, Điều 4. Điều 50 đồng chí Bùi Sĩ Tiếu có lẽ thấy chữ "trong thời hạn 5 năm" nằm sau "chấm phảy", nghĩa là tôi trích ra tôi bỏ vào quỹ, nhưng nếu 5 năm tôi không sử dụng nó, thì đúng là như quy định của dự thảo này phải đưa nó trở ra và đóng thuế như đã quy định, chứ không phải hạn chế trong 5 năm, tôi nghĩ viết như dự thảo là đúng.

Các văn bản liên quan