Ý kiến của ĐBQH Trần Thị Mai Phương – Tỉnh Long An

Thứ Hai 14:30 30-10-2006

Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp!

Kính thưa Quốc hội!

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật chuyển giao công nghệ lần này, tôi thấy Ban soạn thảo đã tiếp thu và bổ sung rất nhiều điều mới. Dự thảo đã nêu được ý về chuyển giao công nghệ đến vùng sâu, vùng xa là cần thiết; khuyến khích được nhiều công nghệ mới được chuyển giao đến người nông dân vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, giúp họ nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm mức chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Để Dự thảo Luật được hoàn chỉnh hơn và khả thi trong các trường hợp đặc thù, tôi xin tham gia một số ý sau:

Thứ nhất, trong Điều 4, về áp dụng pháp luật Dự thảo có đề cập đến 3 khoản đầu như sau: Thứ nhất, hoạt động chuyển giao công nghệ phải tuân theo Luật này và pháp luật có liên quan;
Thứ hai, hoạt động chuyển giao công nghệ đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó.

Thứ ba, hoạt động chuyển giao công nghệ không được quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ và các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ Luật dân sự. Quy định luật khác thì tôi không biết luật nào để tham khảo, nhưng qua đọc dự thảo chuyển giao công nghệ, Điều 19 về nguyên tắc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, Khoản 1 có quy định: "việc chuyển giao công nghệ được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, hoặc bằng các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: Điện báo, Telex, Fax, thông điệp, dữ liệu theo quy định của pháp luật" và theo Bộ Luật dân sự Điều 757, Khoản 1 có quy định việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản. Như vậy, theo dự thảo này và theo Bộ Luật dân sự thì việc chuyển giao công nghệ đều phải thực hiện dưới hình thức hợp đồng, hay văn bản giữa bên chuyển giao và đối tượng được chuyển giao.

Trên thực tế, từ trước đến nay có những trường hợp chuyển giao công nghệ mới từ các chương trình, dự án của các tổ chức Nhà nước đến người nông dân hoàn toàn không có hợp đồng, hay văn bản cam kết nào, mà do tự nguyện giữa bên chuyển giao và bên được chuyển giao. Như vây, nếu quy định như trong dự thảo liệu có khả thi hay không.

Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp bảo vệ thực vật đã chuyển giao rất nhiều chương trình, dự án công nghệ mới đến người nông dân rất thành công, như Chương trình phòng, trừ sâu bệnh tổng hợp IBM, Chương trình FBR, Chương trình 3 giảm, 3 tăng v.v... Qua c ác chương trình này người nông dân đã được chuyển giao về kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh tổng hợp. Giảm được lượng giống, giảm sử dụng phân đạm thừa, hạn chế phun thuốc trừ sâu bệnh khi không cần thiết mà năng suất vẫn tăng. Điều này đã giúp cho nông dân hạ được chi phí đầu vào, gia tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống của họ. Đối với những chương trình, dự án như vậy, trước đây khi chuyển giao chỉ thông qua cơ quan Nhà nước, cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống nông dân thực hiện, không vì lợi nhuận, mà do nhiệm vụ và lòng nhiệt tình mong muốn cho người nông dân giảm bớt khó khăn. Nếu quy định như trong Dự thảo sẽ tạo ra một sự khó khăn cho người chuyển giao và người được chuyển giao. Dẫn đến hạn chế gia tăng các chương trình, dự án đến người nông dân ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn mà hiện nay rất cần để phát triển kinh tế.

Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm một khoản để điều chỉnh những trường hợp chuyển giao công nghệ của các chương trình, dự án đến người nông dân do chính tổ chức, cơ quan Nhà nước chuyển giao.

Điều 5 chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Dự thảo có 5 khoản, chủ yếu quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia lực lượng chuyển giao công nghệ. Theo tôi quy định như vậy đúng hướng, nhưng thiếu vai trò chỉ đạo của Nhà nước đối với một số lĩnh vực, địa bàn cần ưu tiên hoặc đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững cho đất nước. Do đó tôi đề nghị bổ sung thêm quy định Nhà nước đầu tư có trọng điểm để cùng với các thành phần kinh tế khác phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và chuyển giao công nghệ ở các địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn vào Khoản 3 và Khoản 4 điều này.

Về Điều 50, về khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng đổi mới công nghệ, tôi nghĩ đây là một điều rất tốt trong quá trình mà chúng ta sắp gia nhập WTO, giúp cho doanh nghiệp có một nguồn vốn để mà đầu tư trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên nếu quy định như dự thảo thì rất khó cho doanh nghiệp khi thực hiện, vì vậy cần phải làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần nêu rõ thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ hai, cần quy định thời gian nào thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định mức khấu trừ, nếu có quy định như vậy thì khi mà luật có hiệu lực thì các doanh nghiệp mới dễ dàng thực hiện.

Về Chương IV, nói về biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, trong chương này tôi nhận thấy Ban soạn thảo đã bổ sung rất nhiều điều mới và sửa đổi các điều cũ khá hoàn chỉnh. Tôi cơ bản thống nhất với nội dung mà dự thảo đề cập đến, chỉ xin góp một ý trong Điều 40. Điều 40 dự thảo có đề cập đến những lĩnh vực công nghệ được khuyến khích chuyển giao cho vùng nông thôn, địa bàn kinh tế khó khăn, địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn. Trong Khoản 1 có quy định khuyến khích các công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển nguồn gien, cải tạo, nâng cao giá trị kinh tế của giống cây trồng, giống vật nuôi. Theo tôi, ngoài các công nghệ trên, để nâng cao giá trị kinh tế cho giống cây trồng, giống vật nuôi còn có công nghệ lai tạo.

Công nghệ lai tạo cũng góp phần rất lớn trong việc tạo ra các giống mới có chất lượng có tính kháng sâu bệnh cao và rất cần cho người nông dân trong sản xuất. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm ý này vào Khoản 1. Cuối cùng là 1 ý về kỹ thuật câu chữ. Khi tôi đọc Điều 11 với tiêu đề là "đối tượng chuyển giao công nghệ" thì tôi nghĩ rằng, nội dung của Điều 11 sẽ là những tổ chức, cá nhân sẽ được chuyển giao công nghệ giống như Điều 2, tiêu đề là đối tượng áp dụng thì ta hiểu ngay là những tổ chức, cá nhân áp dụng Luật này. Nhưng khi đọc vào nội dung thì tôi thấy Điều 11 lại quy định những loại công nghệ được chuyển giao như là bí kíp kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, giải pháp hợp lý hóa sản xuất v.v... không phù hợp với tên của tiêu đề. Để giúp cho người nông dân dễ hiểu hơn, tôi đề nghị sửa lại tên của tiêu đề 11 là "đối tượng công nghệ được chuyển giao" như phần đầu của Khoản 2 trong Điều này.

Các văn bản liên quan