Trích ý kiến của ĐBQH Mai Anh – Tỉnh Khánh Hoà

Thứ Hai 14:26 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Chúng tôi bày tỏ bản dự thảo của Luật chuyển giao công nghệ trình ra kỳ họp lần này đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu trong Kỳ họp lần thứ 9, ví dụ như trong Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Chúng tôi tán thành với đa số ý kiến trong bản giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy vậy chúng tôi xin có đóng góp một số ý kiến chi tiết vào từng điều để hoàn chỉnh bản dự thảo này.

Thứ nhất, Điều 2, đối tượng áp dụng, chúng tôi tán thành với tinh thần thiết kế của điều này. Nhưng xin thêm một đoạn ngắn nữa tức là tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ với Việt Nam, để cho nó rõ là những người làm việc với Việt Nam nó phù hợp với Điều 1 tức là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Điều 4, áp dụng pháp luật, tại Khoản 5, tinh thần thiết kế là nếu trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì các bên giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ được quyền lựa chọn pháp luật nước ngoài. Chúng tôi kiến nghị nên thiết kế điểm này theo hướng tức là các bên giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ được quyền lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài. Chính vì thế cho nên, nên bỏ đoạn văn "trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định" đi và thêm vào "các bên thoả thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật Việt Nam hay nước ngoài", thì tôi kiến nghị sửa Khoản 5 của Điều 4 như vậy.

Về nội dung quản lý Nhà nước trong Điều 6 chúng tôi tán thành với 5 khoản đã được thiết kế ở đây, chúng tôi kiến nghị nên thêm một khoản nữa liên quan đến giải quyết tranh chấp, tất nhiên chúng ta có hẳn một đoạn đằng sau liên quan đến giải quyết tranh chấp rồi, nhưng nội dung quản lý Nhà nước trong chuyển giao công nghệ cũng nên có khoản nữa là Khoản 6 giải quyết tranh chấp.

Về Điều 11 đối tượng chuyển giao công nghệ thì trong Điểm e, Khoản 1 có nói rằng phần mềm máy tính gắn liền với quy trình sản xuất và dịch vụ thì chúng tôi kiến nghị rằng chúng ta nên hạn chế trong phần mềm máy tính, phần mềm nhúng tích hợp trong các thiết bị để điều khiển quá trình sản xuất thì được coi là đối tượng chuyển giao công nghệ. Nếu chúng ta đưa thêm phần mềm dịch vào thì nó quá rộng, vì tất cả các phần mềm, kết quả làm việc của phần mềm, đối tượng kết quả làm việc của một phần mềm nói chung đều phục vụ cho một dịch vụ nào đó, nếu chúng ta đưa cả phần mềm dịch vụ vào đây thì đối tượng chuyển giao nó rất rộng, sau này chúng ta sẽ rất khó để điều chỉnh ở các khoản dưới.

Về Điều 14 ở đây theo chúng tôi được biết Ban soạn thảo tinh thần thiết kế chúng ta không ủng hộ và hạn chế việc lưu hành chuyển giao một số công nghệ và ở đây chúng ta thiết kế với tên của Điều 14, tức là công nghệ hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. Nhưng, sau khi nghiên cứu Dự thảo danh mục các công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài kèm theo Dự thảo Luật này thì tôi thấy đây là những công nghệ nên hạn chế chuyển giao cả ở trong nước. Tức là giữa các tổ chức trong nước với nhau cũng nên hạn chế chuyển giao công nghệ với nhau chứ không chỉ có từ nước ngoài vào Việt Nam hay từ Việt Nam ra nước ngoài. Chính vì thế, nếu chấp nhận theo tinh thần ấy thì chúng ta phải bổ sung thêm quy trình, thủ tục chuyển giao các công nghệ bị hạn chế ở trong nước thì như thế nào, đối với nước ngoài thì chúng ta có Điều 28, 29 rồi, có các quy định về xuất, nhập khẩu rồi còn ở trong nước thì như thế nào. Cho nên tôi xin kiến nghị là chúng ta nên bổ sung các quy trình đối với trường hợp này.

Điều 17 nói về hình thức chuyển giao công nghệ ở Điểm b Khoản 1 thì đoạn cuối có nói hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị cũng là hình thức chuyển giao công nghệ. Theo tôi nghĩ, nếu chúng ta để như thế này thì nó lại bị lẫn lộn, bị rộng quá. Bởi vì sau này, nếu mua máy móc, thiết bị ở trong nông nghiệp, mua một vài máy tính cũng là hình thức chuyển giao công nghệ thì nó quá rộng. Chúng tôi kiến nghị nên sửa lại là "hợp đồng chuyển giao công nghệ có kèm theo máy móc thiết bị" cho nó phù hợp với định nghĩa về công nghệ ở trong phần giải thích từ ngữ.
Về vấn đề liên quan đến giám định. Giám định ở trong này chúng tôi nghĩ là trong Dự thảo luật này thì giám định là một hoạt động tự nguyện của các bên tham gia chuyển giao công nghệ, không bắt buộc. Không có một nơi nào chúng tôi tìm thấy có quy định hay là có điều chỉnh gì bắt buộc các bên phải tham gia phải có hoạt động giám định công nghệ. Tôi xin có một kiến nghị, chúng ta cân nhắc xem có nên có quy định là khi chuyển giao công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, thì bắt buộc phải có giám định công nghệ.

Hai là Khoản 2, Điều 35 khi nói về các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ giám định, thì thiết kế ở trong này là nếu các tổ chức nước ngoài chưa có đại diện ở Việt Nam thì phải được phép uỷ quyền hoặc thuê một tổ chức ở Việt Nam để thực hiện giám định. Chúng tôi kiến nghị thiết kế điều này theo hướng, nếu cung cấp dịch vụ giám định, nhất là hiện nay đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, thì chúng ta cho phép các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ giám định công nghệ thì được phép hoặc là người ta thông qua đại diện tại Việt Nam nếu người ta đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc có thể trực tiếp tức thời người ta cử người sang Việt Nam, là có thể thuê các tổ chức cung cấp dịch vụ giám định của Việt Nam thì thiết kế theo hướng ấy. Đấy là đối với Khoản 2, Điều 35.

Một ý kiến nữa liên quan đến Điều 47. Điều 47 ở đây thiết kế của Ban soạn thảo tức là vấn đề phân chia thu nhập từ chuyển giao công nghệ được tạo ra bằng ngân sách Nhà nước. Với thiết kế ở đây thì có 2 chủ thể được hưởng thu nhập.

Thứ nhất là cơ quan chủ sở hữu, tức là cơ quan chủ quản của nhóm tác giả.

Thứ hai là nhóm tác giả.

Chúng tôi cũng có một vài lần có phát biểu, tức là, thực ra là có hai đối tượng nữa cũng nên xem xét được hưởng lợi nhuận ở đây.

Thứ nhất tức là Nhà nước, là nơi bỏ tiền ngân sách Nhà nước ra thì Nhà nước cũng nên thu lại một phần tỷ lệ nào đó để bổ sung cho Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Nếu Quỹ ấy chúng ta chỉ lấy từ nguồn Nhà nước, không có nguồn gì bổ sung thì nó cũng sẽ bị hạn hẹp.

Thứ hai, bản thân doanh nghiệp mua công nghệ này, chúng ta đã có một loạt các ưu đãi đằng sau để hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Nhưng nếu chúng ta cho doanh nghiệp ấy thay vì giả 100% trị giá chuyển giao công nghệ thì nay chỉ trả 1 phần thôi thì cũng là cách hỗ trợ. Cũng có thể là chủ trương của chúng ta hiện nay là Nhà nước không thu lại phần nào cả để hỗ trợ hoàn toàn làm đột phá trong đổi mới công nghệ. Tôi nghĩ cũng nên cân nhắc doanh nghiệp cũng được hưởng một phần. Từ đó, chúng tôi kiến nghị, nếu mà thiết kế như ở đây, nhóm tác giả được 20%, cơ quan chủ quản 80% thì nhóm tác giả ít quá, nên cân nhắc có thể nâng lên nhóm tác giả được hưởng tối thiểu là 30%, doanh nghiệp mua công nghệ ấy được hưởng từ 10% - 20% giá trị chuyển giao công nghệ.

Cuối cùng, liên quan đến Điều 50 là khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực ra đối với Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất bé, doanh nghiệp không được gọi là vừa và nhỏ thì đối với thế giới cũng nhỏ. Chúng tôi nghĩ thiết kế Khoản 1 không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà cho doanh nghiệp nói chung, bỏ chữ "vừa và nhỏ" đi. Thứ hai, trong Khoản 1, Điều 50 có thiết kế: "Doanh nghiệp phải sử dụng quỹ để nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ" Khái niệm này, tôi nghĩ nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ với một tỷ lệ phần trăm gì đó của doanh thu thì rất nhỏ. Thế nào gọi là sử dụng số tiền ấy để mà nghiên cứu và phát triển công nghệ? Chúng tôi nghĩ nên có một quy định, nếu chúng ta không quy định trong luật thì nên thêm Khoản 3: "Chính phủ quy định về tiêu chí sử dụng quỹ này" Đó là một số ý kiến đóng góp của chúng tôi cụ thể vào một số điều để hoàn chỉnh Dự thảo Luật này.

Các văn bản liên quan