Trích ý kiến của ĐBQH Bùi Sĩ Tiếu – Tỉnh Thái Bình

Thứ Hai 14:12 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Chúng tôi đánh giá rất cao bản soạn thảo lần này đã tiếp thu kết quả xây dựng, bản dự thảo Luật chuyển giao công nghệ so với lần trước rất tích cực và có trách nhiệm rất cao. Bố cục của bản dự thảo Luật chuyển giao công nghệ đã bao trùm được các lĩnh vực nội dung và các vấn đề chính của những hoạt động chuyển giao công nghệ trong xã hội. Những hoạt động chuyển giao công nghệ này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Vì vậy chúng ta cần có các điều kiện và chính sách phù hợp để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho quá trình phát triển chuyển giao công nghệ. Đi vào cụ thể chúng tôi xin được có mấy ý kiến như sau.

Thứ nhất, Chương I, những quy định chung trong Điều 3 ở khoản này là điều khoản giải thích từ ngữ. Chúng tôi thấy cần phải làm rõ, đưa thêm khái niệm về công nghệ mới, đ ối với địa phương, đối với Việt Nam hay công nghệ mới đối với thế giới. Trong bản dự thảo Luật chuyển giao công nghệ có rất nhiều quy định về các biện pháp khuyến khích và ưu đãi chuyển giao công nghệ mới, ví dụ Điều 49. Tuy nhiên, do nước ta đang ở trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nên một công nghệ có thể là không mới ở Hà Nội, không mới ở Thành Phố Hồ Chí Minh, nhưng lại là mới đối với các tỉnh chưa phát triển công nghiệp, hoặc có thể là công nghệ mới đối với Việt Nam, nhưng lại là không mới đối với thế giới. Vì vậy, chúng tôi đề nghị trong Điều 3 cần bổ sung làm rõ khái niệm công nghệ mới để tránh tình hình ưu đãi tràn lan gây thất thu thuế của Nhà nước có thể xảy ra. Đó là ý kiến thứ nhất về khái niệm cần phải đưa thêm.

Ý kiến thứ hai về Điều 34, Điều 34 mới quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ, gồm hai điều kiện:

Một, phải có chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ theo Luật Doanh nghiệp. Đây là đúng và rất cần thiết.

Điều thứ hai, phải có năng lực và điều kiện vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu dịch vụ chuyển giao công nghệ. Quy định điều này chúng tôi thấy nên bỏ, vì có thể sẽ dẫn đến nguy cơ hình thành thêm một giấy phép con và sẽ hình thành cơ chế xin cho, sẽ gây ra tiêu cực. Vấn đề đặt ra là ai có thẩm quyền, khả năng đưa ra đánh giá về vấn đề này và đánh giá theo tiêu chí nào. Quy định này sẽ hạn chế sự phát triển rộng rãi, nhanh chóng và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ. Đó là vấn đề thứ hai.

Vấn đề thứ ba, về Điều 43. Điều 43 quy định chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, nhưng lại chưa đề cập đến việc hình thành hệ thống đổi mới quốc gia và mối quan hệ giữa hai khái niệm này. Theo chúng tôi việc hình thành hệ thống đổi mới quốc gia đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công và hiệu quả chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, vì nó là loại hệ thống kết nối, điều chỉnh việc liên kết khoa học và công nghệ với quá trình phát triển kinh tế, kỹ thuật mà nội hàm của nó là nhà sản xuất, người phổ biến, người sử dụng và các cơ quan khoa học công nghệ tác dụng lẫn nhau, áp dụng tri thức khoa học công nghệ trong phạm vi toàn xã hội, như vậy mới giải quyết các vấn đề đặt ra như thực hiện các dự án phát triển công nghệ mang tính liên ngành, liên bộ.

Thứ hai, tránh sự trùng lặp, chồng chéo lãng phí, sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn lực khoa học công nghệ và kết quả của khoa học công nghệ. Đây là điểm yếu đang tồn tại trong lĩnh vực khoa học công nghệ của nước ta, cần được sớm khắc phục và đây cũng chính là vấn đề mà Văn kiện Đại hội Đảng X đã đặt ra nhanh chóng phát triển tiềm lực và nâng cao hoạt động khoa học công nghệ.

Vấn đề thứ tư, Điều 44, Khoản 1 quy định về 4 mục tiêu của quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trong đó có a, b, c và d. Theo chúng tôi cần đưa thêm mục tiêu thứ 5, đó là hỗ trợ phát triển các công nghệ mới và tiên tiến sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, vì trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay vấn đề này rất quan trọng để nước ta có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô và thị trường xuất khẩu.

Vấn đề thứ năm, ở Điều 49 quy định về chính sách thuế, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, trong điều, khoản này có quy định rất nhiều ưu đãi về thuế đối với đối tượng công nghệ mới mà chúng tôi đã đề nghị cần làm rõ trong Chương III để tránh ưu đãi thuế một cách tràn lan. Theo chúng tôi, những ưu đãi về chính sách thuế quy định trong điều khoản này là nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến tại Việt Nam. Đặc biệt là các công nghệ mới từ nước ngoài để chúng ta có thể nắm, bắt làm chủ và tiến tới tự phát triển các công nghệ mới. Trên thực tế việc ứng dụng các công nghệ mới tự bản thân nó đã mang lại lợi nhuận kinh tế lớn hơn. Tuy nhiên quá trình chuyển giao các công nghệ mới từ nước ngoài chỉ đạt hiệu quả cao nếu là một qúa trình hỗn hợp. Trong đó phần tham gia của các tổ chức nghiên cứu phát triển trong nước ngày càng được nâng cao, như trường hợp của Tổng công ty LILAMA làm tổng thầu EFC các nhà máy điện, xi măng, phân đạm là một ví dụ điển hình.

Vì vậy, những quy định trong mục 4 và mục 5 của Điều 49 cần làm rõ hơn nữa những ưu đãi về thuế là nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao khoa học, công nghệ cho các tổ chức và doanh nghiệp trong nước tham gia chế tạo các thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghệ mới.
Vấn đề thứ sáu vấn đề cuối cùng ở Điều 50. Điều 50, về quy định khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ mới, trong Mục 1 của Điều 50 quy định: doanh nghiệp vừa và nhỏ được trích một phần lợi nhuận trước thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp trong thời hạn tối đa là 5 năm. Theo chúng tôi mục này nên bỏ, không khống chế thời hạn 5 năm, vì đổi mới công nghệ làm một quá trình liên tục, để đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh của mọi doanh nghiệp ở nước ta trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, mà chúng ta cần phải khuyến khích liên tục, không nên giới hạn 5 năm.

Trên đây là những ý kiến góp thêm một số vấn đề bổ sung, sửa đổi các điều luật chuyển giao công nghệ lần này. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin hết.

Các văn bản liên quan