Trích ý kiến của ĐBQH Lương Phan Cừ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội

Thứ Tư 14:36 09-08-2006

Kính thưa các đồng chí, trước hết tôi cũng bày tỏ sự nhất trí cao với giải trình tiếp thu, chỉnh sửa luật này. Tôi xin tham gia mấy ý kiến sau:

Thứ nhất, tôi xin nêu vấn đề ở Điều 55 và Điều 51 về vấn đề thuế và vấn đề khen thưởng trong dự luật này mà giải trình cũng đã nêu. Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đồng chí Mai Anh nêu là, nếu như chúng ta quy định ở đây về vấn đề khen thưởng, về vấn đề thuế thì việc thực hiện ở đây với Luật thuế cũng như Luật thi đua khen thưởng thì như thế nào. Nếu như chúng ta không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì chắc chắn sẽ xảy ra hai trường hợp: một là không thi hành, hai là không biết thi hành ra sao dự luật này. Cho nên tôi đề nghị ở đây Ban soạn thảo cần phải cân nhắc, chúng ta thống nhất trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chúng ta có hai vấn đề. Một là luật nào ra sau thì có hiệu lực hơn, nhưng đồng thời chúng ta có tuân thủ một nguyên tắc có luật chuyên ngành sẽ tuân thủ luật chuyên ngành. Vậy thì ở cái này của chúng ta sẽ ra luật này, cho nên tôi đề nghị cần phải nghiên cứu lại hai vấn đề này để quy định cho phù hợp. Một theo tôi có thể quy định theo hướng tuân thủ theo Luật Thuế hoặc khuyến khích. Khi chúng ta bàn đến Luật Thuế thì chúng ta bàn cái này để cho đồng bộ. Cũng như đồng chí Mai đã nêu trong quá trình bàn Luật Thuế thu nhập, Luật Thuế giá trị gia tăng chúng ta có đưa một số vấn đề liên quan đến vấn đề chính sách xã hội thì cũng không đươc đưa vào. Như vậy luật này nó như thế nào, cân bằng như thế nào. Cũng như Luật Khen thưởng chúng ta có rất nhiều giải thưởng, chúng ta có nhiều hình thức khen thưởng từ bằng khen, giấy khen tới huân, huy chương v.v... các giải thưởng đều có cả. Vậy ở đây chúng ta quy định cái gì nữa, đây là một vấn đề. Để đảm bảo thống nhất theo ý kiến tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn đề này.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến Điều 10, chúng tôi xin có một suy nghĩ, đề nghị Ban soạn thảo. Ở đây tôi cho rằng Điều 10 chúng ta thể hiện chính sách chúng ta khuyến khích mà chúng tôi cho khuyến khích ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn, đặc biệt là chính đáng thôi. Nhưng nếu chúng ta ghi như Điều 10 này thì tôi nghĩ không còn chỗ nào chúng ta không khuyến khích cả. Bởi vùng nông thôn chúng ta chỉ có vùng nông thôn và vùng thành thị. Vùng thành thị chúng ta rất nhỏ, chúng ta chỉ khuyến khích ở vùng nông thôn thì hết. Vùng đặc biệt khó khăn, vùng kinh tế xã hội v.v... đều nằm ở trong vùng nông thôn cả làm gì có nằm ở trong vùng thành thị là đặc biệt khó khăn được.

Giải quyết vấn đề đó như thế nào, vừa rồi chúng ta có khu công nghệ theo khu chế xuất, khu kinh tế. Thưa các đồng chí nếu chúng ta đều hoạch định chính sách như thế này thì chúng ta không còn chỗ nào mà chúng ta không khuyến khích. Mà đã tất cả mọi nơi khuyến khích thì chúng ta thành không khuyến khích nữa. Cho nên cái này chúng tôi đề nghị, quan điểm đó phải rõ thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề. Điều luật này chúng ta mới thực hiện được.

Có thể chúng ta phải thiết kế theo kiểu tầng lớp một, vùng nào thì chúng ta khuyến khích nhiều hơn, vùng nào chúng ta vừa phải, vùng nào trung bình v.v... thì nó mới thể hiện được. Còn nói như thế này thì thưa các đồng chí coi như trở thành chúng ta chẳng chỗ nào là không khuyến khích cả, mọi cái đều khuyến khích cả.

Còn vấn đề thứ hai, chúng ta có đủ nguồn lực để chúng ta khuyến khích ở vùng rộng như thế này không? nó đại trà như thế này không? nguồn lực về chính sách như thuế, như hỗ trợ, nguồn lực về tài chính để chúng ta khuyến khích. Đây là vấn đề cho nên chúng ta thấy cần phải được xem xét.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi rất đồng tình với nhiều loại ý kiến của các đại biểu. Trong này có Điều 9, Điều 11, Điều 12 cuối cùng giao cho Thủ tướng mà đồng chí Thuận có nêu lên, vấn đề đó chúng tôi không nhắc lại. Nhưng chúng tôi đồng tình với rất nhiều đại biểu là chúng ta nói những từ trong này hoàn toàn định tính, sau đó định tính lại giao cho Chính phủ, nghĩa là trong này cuối cùng định tính đó thì cuối cùng Chính phủ có thể quy định thế nào cũng được. Ở đây các đồng chí nêu rất nhiều như có hại, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng v.v... thì hoàn toàn là định tính thôi. Vấn đề chúng ta đang khắc phục luật khung, luật ống, luật mang tính nguyên tắc.

Thưa các đồng chí, cái này chúng tôi cũng biết trong quá trình soạn thảo tham gia rất khó, nhưng để khắc phục thì chúng ta phải nghĩ thêm để có thể chúng ta có một cái khung nhỏ hơn, trên khung nhỏ hơn đó Chính phủ quy định hoặc Thủ tướng quy định, hoặc các Bộ quy định nó phù hợp hơn thì chúng ta mới khắc phục được điều khác. Còn nếu quy định như thế này thì chúng ta quy định cũng được, không quy định cũng được, bởi vì Chính phủ cứ tha hồ quy định thôi. Chúng tôi thấy cái đó cần làm tốt hơn, vì chúng tôi nghĩ rằng công nghệ cơ bản là tốt, nhưng vấn đề là sử dụng công nghệ vào mục đích gì mục đích xấu thì nó mới là xấu, còn công nghệ là tốt, ví dụ công nghệ thông tin, trong công nghệ thông tin có bao nhiêu công nghệ con trong đó nữa. Thưa các đồng chí, công nghệ thông tin là tốt, bản thân nó là tốt, nhưng có rất nhiều cái xấu trong đó, bởi vì khi sử dụng vào mục đích xấu thì nó xấu thôi. Cho nên đây là vấn đề nếu không rõ thì cái quy định có rất khó.

Thứ hai, như đồng chí Thuận nêu bây giờ giao cho Thủ tướng, chúng tôi thấy danh mục này giao cho Thủ tướng chắc Thủ tướng cũng không ban hành được, rất khó. Vấn đề làm sao để có thể các Bộ chịu trách nhiệm ban hành để dành cho Thủ tướng có những quyền để nghĩ những việc to lớn hơn, đại sự hơn. Còn cái này đã định tính như thế rồi lại đưa lên Chính phủ thì rất khó khăn. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại vấn đề này.

Vấn đề thứ tư, tôi thấy đây là về mặt kỹ thuật thôi. Điều 22 và Điều 23 các đồng chí gộp 2 vấn đề, tôi cho đây là 2 hành vi tương đối độc lập nhau, vấn đề chấp thuận và hồ sơ để động tác để chấp thuận trước khi ký kết chuyển giao công nghệ, thứ hai là đăng ký, 2 hành vi khác nhau, các đồng chí gộp lại. Về mặt kỹ thuật, tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu nó rõ hơn khi đọc thấy nó hơi lẫn lộn, tôi nghĩ rõ hơn về các hành vi, như thế thì nó dễ trong quá trình áp dụng. Cái này về mặt kỹ thuật, chúng tôi xin góp ý như vậy.

Điều cuối cùng, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến anh Minh và anh Cường vừa phát biểu, cái này cũng đã phát biểu nhiều rồi, nếu như chúng ta để điều cuối cùng vẫn có một điều hướng dẫn như thế này, thì thưa các đồng chí là lãnh đạo Quốc hội chúng ta vẫn cứ nói mãi và ở dưới chúng ta vẫn cứ chờ Nghị định, Thông tư thì luật mới có hiệu lực. Nếu quan điểm của chúng ta vẫn cứ giữ điều quét như thế này thì thưa các đồng chí tương lai các điều quét này nó làm cho sai lệch trong quá trình thực thi đạo luật của chúng ta nó khó. Trong quá trình giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật chúng tôi thấy điều đó, ở dưới thông tư đã thiên lệch so với cái khác. Trong Nghị định cũng chép lại như chép lại thêm một vài ý nó cũng lệch hướng khi Quốc hội ban hành luật. Cho nên, chúng tôi đề nghị với tư tưởng như thế:
Một, theo ý kiến chúng tôi là không nên có quy định này.

Hai, trong các điều luật cần giao cho các bộ, giao cho Chính phủ để ban hành ở dưới thì điều luật nào cần giao thì giao ngay trong điều luật đó, giao ngay thẩm quyền đó cụ thể hơn thì luật của chúng ta mới đảm bảo được và như thế chúng ta mới thực thi được luật theo ý Quốc hội. Tôi xin phát biểu một số ý kiến như vậy. Xin hết.

Các văn bản liên quan