Trích ý kiến ĐB Nguyễn Ngọc Trân – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Thứ Tư 14:03 09-08-2006

Kính thưa hội nghị,
Tôi xin phát biểu trước nhất là về Điều 1, Điều 2, Điều 3. Tôi cho rằng không cần thiết phải chi tiết hoá, chi tiết hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước, từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài bởi lẽ như sau: Tôi nghĩ mai mốt chúng ta vào WTO hay là ngày càng chúng ta có những Hiệp định thương mại song phương với các nước, hai quy chế mà ràng buộc chúng ta lại là Quy chế tối huệ quốc và quy chế thứ hai là Quy chế đối xử quốc gia, hai quy chế này làm cho chúng ta không còn ranh giới giữa chuyển giao công nghệ trong nước, từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài nó không còn ý nghĩa nữa. Một người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam họ chuyển giao thì họ yêu cầu nó cũng phải giống như người Việt Nam trong nước chuyển giao công nghệ trong nước cho người Việt Nam. Tôi nghĩ ranh giới này không còn nữa, nhất là ở Điều 2 đã nói rõ luật này đã áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ, tôi nghĩ như vậy là đủ rồi. Vì vậy cho nên tôi đề nghị bỏ ở Điều 1 cụm từ từ chỗ chuyển giao công nghệ, bỏ từ: "Trong nước từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài" Tương tự như vậy, ở Điều 2 cũng bỏ cụm từ: "Chuyển giao công nghệ trong nước từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. Thứ hai, ở Điều 3, tôi nghĩ bỏ hẳn ba Khoản 7, 8, 9. Tôi nhớ là lần họp trước, tôi có phát biểu phần chú ý đối tượng rất quan trọng, có thể giúp chúng ta có thể tham gia rất mạnh vào trong hoạt động chuyển giao công nghệ, đó là đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Chúng ta đưa vào trong này rồi thì không cần thiết phải chi tiết hóa phân biệt 3 loại hình đối tượng chuyển giao công nghệ trong nước từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài.

Ý thứ hai liên quan đến Điều 4 về chính sách, trước hết tôi nghĩ là không nên để cụm: "Đảm bảo quốc phòng an ninh" vì chỗ này đã có ở Điều 11 rồi, tôi sẽ trở lại Điều 11 ở chỗ đồng chí Khanh nói, tôi cũng nghĩ không cần thiết phải để cụm từ: "Bảo vệ môi trường" Vì bảo vệ môi trường cũng nằn trong Điều 11. Ngược lại tôi muốn thêm hai chữ "là phục vụ nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội" Cụm từ bền vững này là nó nằm trong Nghị quyết Đại hội X, mà Nghị quyết của Quốc hội vừa rồi cũng nhắm riêng tới phát triển nhanh và bền vững, mà bền vững đó bao gồm khía cạnh môi trường và bao gồm khía cạnh an ninh chính trị và quốc phòng. Tôi nghĩ nói như vậy rõ hơn, nói một cách khác, tôi xin sửa lại Khoản 1, Điều 4 như sau: "Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển bền vững kinh tế xã hội". Có thể thêm chữ "nhanh" nếu các đồng chí muốn, nhưng tôi nghĩ nên xem cụm từ "bền vững" bỏ hết phía sau "bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh".

Điều 7, tôi thấy các đồng chí viết ở Khoản 1: "Đối tượng chuyển giao công nghệ và toàn bộ công nghệ hoặc một, một số thành phần công nghệ", tôi nghĩ các đồng chí dùng chữ "thành phần" là nó có thể một số bộ phận ở trong về thiết bị, nhưng nó cũng có nghĩa có thể chúng ta nhập một số công đoạn trong cả dây chuyền. Cho nên chữ "thành phần" không bao gồm công đoạn. Vì vậy, tôi nghĩ có một cách viết hay hơn, gọn hơn ở Khoản 1, chúng ta viết lại thế này: "đối tượng chuyển giao công nghệ là toàn bộ hoặc một phần công nghệ". Một phần có thể bao gồm thành phần, mình hiểu theo nghĩa thiết bị và cũng có nghĩa hiểu theo công đoạn của một dây chuyền, như vậy nõ rõ hơn và nó chính xác hơn.

Điều 11, Tôi nghĩ ở chỗ này tôi hơi khác ý anh Khanh, là chuyển giao công nghệ, nếu tôi hiểu không nhầm ý anh Khanh, ý anh Khanh tôi đồng ý thôi. Nhưng chỗ ở Khoản d, Điều 11. Một, "công nghệ chuyển giao có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh Việt Nam". Tôi nghĩ chỗ này mình nên nói rõ ra, bởi công nghệ mình liệt nó vào chuyển giao có điều kiện, thành ra tôi nghĩ càng nói rõ càng tốt, nó không ảnh hưởng gì, nó không mẫu thuẫn mà ngược lại nó vạch ra một phần trừ lại của WTO, hay là những vấn đề trong hội nhập mình giành cho mình quyền này. Tôi nghĩ nên giữ lại khoản này. Tất nhiên hiểu quốc phòng ở đây là hiểu theo nghĩa của Việt Nam hiểu, chứ không phải người nước ngoài hiểu. Cho nên tôi nghĩ chỗ này không sai.

Ý tiếp theo Điều 49, trang 20, Khoản 2, Điểm b tác giả của các kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ không thuộc quy định tại Điểm a, Khoản 2 điều này được hưởng tối thiểu từ 15% trở lên, tôi nghĩ có hai chữ, hoặc chỗ này dư hoặc chỗ kia dư, không thể nào hai chữ cùng tồn tại được, "được hưởng tối thiểu 15% số tiền", hoặc "được hưởng từ 15% trở lên số tiền", chứ không thể nào vừa "tối thiểu" và vừa "trở lên" được nữa, chỗ này các đồng chí phải giữ lại một trong hai, hoặc "tối thiểu" hoặc "trở lên" chứ không thể cả hai.

Cuối cùng, về quỹ, thật ra quỹ nếu như Ban soạn thảo cùng với Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường đề nghị với chúng ta là hai phương án, tôi nghĩ mỗi phương án nó có cái lợi và cái bất lợi của nó. Phương án 1 thì chúng ta có quá nhiều quỹ, mà hiện nay dư luận người ta thấy luật nào cũng ra có quỹ. Nhưng cái lợi của phương án 1 là phạm vi nó rõ, một bên là Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, mà theo lần trước đã quy định và nó chỉ liên quan đến những nghiên cứu cơ bản và những nghiên cứu mà triển vọng đi tới kết quả còn ít nhiều xa vời. Đây là đặc trưng của nghiên cứu cơ bản, mình chưa chắc chắn nó sẽ mang tới kết quả, nhưng mà mình phải đầu tư cho nó vì sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam, tiềm lực khoa học Việt Nam mình phải nghiên cứu. Thành ra theo tôi hiểu phát triển khoa học công nghệ nó có tầm rộng hơn và xa hơn, trong lúc đó Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ thì nó gần hơn, thiết thực hơn. Ví dụ, tôi một doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đổi mới công nghệ, nhưng tôi không đủ tiền, không đủ lực để làm thì tôi tới Quỹ này tôi vay, đó là những công nghệ có thể nói là hoàn toàn không có nghĩa gì là mới, trong cái nghĩ hiểu phát triển trong cái nghĩa là mới, nó chỉ mới với doanh nghiệp của nó thôi. Tôi nghĩ phương án 1 nó có cái lợi của nó là phạm vi của mỗi quỹ nó rõ, tuy là nó có bất lợi là dư luận xã hội có quá nhiều quỹ. Phương án 2 gộp một quỹ, nhưng trong đó "tả pín lù" cái gì cũng vào, thì sẽ khó trong vấn đề quản lý cho Bộ khoa học công nghệ và cơ quan quản lý quỹ. Cho nên tôi thiên về phương án 1, mà mình nói rõ phạm vi của nó ra thì tôi nghĩ không ngại. Tôi xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan