Ý kiến VCCI tổng hợp gửi tới Ban Soạn thảo

Thứ Hai 16:14 22-05-2006
Kính gửi: Ban Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Thuế
V/v: Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi hướng dẫn Hiệp định tránh đánh thuế hai lần


Sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp ý kiến như sau:

Dự thảo được biên soạn khá chi tiết, có nhiều ví dụ để hướng dẫn thực hiện, Phần lớn nhất trí với dự thảo Thông tư, ngoài ra còn có một số ý kiến góp ý cụ thể như sau:

Phần A. QUY ĐỊNH CHUNG
• Mục I.3.2 (cool.gif: Tiêu chí xác định "trụ sở điều hành thực tế". Do đây đã là hướng dẫn để thực hiện nên cần làm rõ các tiêu chí cụ thể để có cơ sở áp dụng thống nhất, chứ không nên viết là "...hoặc các tiêu thức khác có tính chất tương tự " như trong dự thảo. Theo chúng tôi thì Tiểu đoạn này chỉ có câu 1 là chính xác. Câu 2 có mục đích là để giải thích thêm nhưng sự giải thích thêm này làm phức tạp thêm khi áp dụng trên thực tế, vì vậy nếu không cụ thể được thì nên bỏ cả câu 2.

• Mục III.1: Nguyên tắc áp dụng Luật trong nước và Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Nên thay từ “ưu tiên” (Ở khoản 1) bằng nội dung chính là “… thì áp dụng theo quy định của Hiệp định”.

Phần B. THUẾ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI THU NHẬP

Mục I. Thu nhập từ bất động sản

• Mục I.1 Ví dụ 1: Coi là có bất động sản và được coi là bất động sản là hai vấn đề khác nhau vì việc xác định một loại tài sản nào đó là bất động sản là nhằm xác định nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng sở hữu tài sản đó theo Hiệp định. Vì lý do đó, cần sửa thành "nếu đối tượng đó có một đàn gia súc tại Việt Nam liên quan trực tiếp đến quyền sử dụng đất này thì đàn gia súc đó cũng được coi là bất động sản tại Việt Nam.

Mục II. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh

• Điều 7 của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa nước ta và các nước thực chất là quy định việc đánh thuế đối với lợi tức doanh nghiệp tại nước mà tuy doanh nghiệp đó không phải là đối tượng cư trú nhưng lại có hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú. Vì thế, hướng dẫn tại Mục này chính là hướng dẫn các Điều 5 và Điều 7 của Hiệp định. Đề nghị Thông tư có hướng dẫn cụ thể hơn.

• Mục II.2.1.b (ii): Cần xem xét cách bắt đầu tính thời hạn 3 hoặc 6 tháng đối với trường hợp một doanh nghiệp của nước ký kết có tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú tại Việt nam do họ có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp, hoặc tiến hành các hoạt động giám sát liên quan đến các địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp nói trên. Có ý kiến đề nghị lấy thời điểm họ được cấp giấy phép nhận thầu xây dựng tại Việt nam để bắt đầu việc tính thời hạn, còn nếu trước đó họ có một văn phòng tại Việt nam thì việc xác định thời hạn có thể căn cứ vào ngày họ được cấp phép để mở văn phòng đó.

• Mục II.2.2 d: Vẫn có trường hợp phải áp dụng phương pháp phân bổ thu nhập đối với cơ sở thường trú để xác định thu nhập chịu thuế của cơ sở thường trú đó (ví dụ trường hợp của Văn phòng đại diện được ủy quyền thường xuyên ký kết hợp đồng tại Việt nam). Vì thế, tại mục này nên có hướng dẫn phương pháp tính phân bổ thu nhập sẽ được áp dụng để tăng tính minh bạch của quy định pháp luật.

• Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thông qua việc tham gia thành lập pháp nhân tại Việt Nam hoàn toàn không phải là vấn đề của Điều 7 của Hiệp định mà có thể thuộc phạm vi áp dụng của các Điều khác của Hiệp định, do đó không nên nêu ở đây vì cũng phải hướng dẫn tại các điều tương ứng đó.

Mục III. Thu nhập từ hoạt động vận tải quốc tế

• Đề nghị bổ sung nội dung liên quan đến vận tải đa phương thức quốc tế. Bởi lẽ “người kinh doanh vận tải đa phương thức (Multimodel transport operator) là người (tổ chức, doanh nghiệp) nhận trách nhiệm ký hợp đồng vận tải đa phương thức, tự chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó mà không phải là đại lý hoặc người đại diện của người gửi hàng thay mặt người vận chuyển tham gia các hoạt động thực hiện vận tải đa phương thức” (xem Nghị định 125/2003/NĐ-CP ngày 29/10/2003). Do đó người kinh doanh vận tải đa phương thức không có phương tiện được coi là phương tiện do doanh nghiệp của nước ký kết thực hiện (như định nghĩa về vận tải quốc tế - Dự thảo đã ghi) nhưng lại là người phát hành chứng từ vận tải đa phương thức (duy nhất một bản manifest) và được hưởng thu nhập từ hoạt động vận tải quốc tế, tất nhiên có nghĩa vụ nộp thuế và phải được hưởng quyền tránh đánh thuế 2 lần.

• Cũng tương tự như vậy đối với hoạt động liên kết vận tải quốc tế giữa các phương tiện do doanh nghiệp của cả Việt Nam và nước ký kết cùng thực hiện (liên hiệp vận chuyển).

Mục IV. Thu nhập từ lãi cổ phần

• Mục IV.1: Định nghĩa tiền lãi cổ phần: Đề nghị có hướng dẫn đối với trường hợp khoản tiền được trích từ thu nhập của hoạt động hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng tại Việt nam trả cho Bên nước ngoài hợp doanh (mà không thuộc trường hợp hợp doanh trong vận tải quốc tế)?

• Mục IV.3: Khi đề cập những trường hợp không áp dụng Điều 10 của Hiệp định, để dễ dàng cho việc áp dụng Hiệp định, đề nghị nêu là trường hợp đó sẽ áp dụng Điều nào của Hiệp định, còn nếu nói Hiệp định không áp dụng đối với trường hợp đó thì có thể là chưa chuẩn xác.

Mục V. Thu nhập từ lãi tiền vay

• Mục V.3:Tương tự như trên, đề nghị nêu là trường hợp đó sẽ áp dụng Điều nào của Hiệp định.

Mục VI. Thu nhập từ tiền bản quyền

• Mục VI.3: Tương tự như trên, khi đề cập những trường hợp không áp dụng Điều 12 của Hiệp định, đề nghị nêu rõ trường hợp đó sẽ áp dụng Điều nào của Hiệp định.

• Ví dụ 20: đề nghị bổ sung “...Khi liên doanh Việt Nam trả tiền bản quyền cho công ty Hàn Quốc, theo quy định tại Luật thuế Việt Nam, liên doanh phải khấu trừ thuế trên tiền bản quyền là 10% tổng số tiền bản quyền để nộp ngân sách...”.

Mục VII. Thu nhập từ dịch vụ kỹ thuật

• Ví dụ số 23: Cách nêu ví dụ làm cho doanh nghiệp gặơ khó khăn khi họ có ý định tìm hiểu quy định pháp luật. Nên quy định rõ rằng, việc khấu trừ thuế sẽ được thực hiện theo quy định về chế độ thuế đối với nhà thầu nuớc ngoài hoạt động tại Việt nam không theo các hình thức của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam. Và mức khấu trừ đối với trường hợp này theo Thông tư 169/1998/TT-BTC chính xác là 7,5% doanh thu tính thuế, chứ không phải là "không quá 7,5%" như trong Dự thảo Thông tư.

Mục VIII. Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản

• Mục VIII.2.1: Đề nghị sửa “chuyển nhượng bất động tài sản” thành “chuyển nhượng bất động sản”.

• Mục VIII.2.4: “Phần lớn” các Hiệp định có quy định, vậy nếu có Hiệp định không có quy định thì sao, vì nếu theo Luật của ta thì phải nộp thuế thu nhập?

• Mục VIII.2.5: “... có thể không phải nộp thuế...” ở đây đề nghị quy định cụ thể, không nên dùng từ “có thể”.

Mục XIII. Thu nhập từ tiền lương hưu

• Mục XIII.1: Định nghĩa thu nhập từ tiền lương hưu: Dự thảo Thông tư định nghĩa thiếu hẳn một vế của vấn đề. Đó là tiền lương hưu do đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được từ công việc trước đây làm tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét.

Mục IX. Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập

• Mục IX.1: Định nghĩa thu nhập hoạt động ngành nghề độc lập: Đề nghị sửa cụm từ “cụ thể là” bằng “như” (được sử dụng trong rất nhiều Hiệp định giữa Việt Nam và các nước).

• Ví dụ 29: Nên sửa “... toàn bộ thu nhập và chi phí của ông Z trong thời gian làm việc tại Việt Nam thuộc công ty N...” thành “...do Công ty N chi trả”.

Phần C. BIỆN PHÁP TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN TẠI VIỆT NAM
1. Phần C của Dự thảo Thông tư mới chỉ dừng lại ở việc cho các đối tượng nộp thuế và các cán bộ thuế biết là chúng ta có thỏa thuận trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần việc thực hiện một biện pháp hoặc kết hợp các biện pháp tránh đánh thuế hai lần như biện pháp khấu trừ, biện pháp khấu trừ số thuế khoán và biện pháp khấu trừ gián tiếp; và mô tả về nội dung chính của từng biện pháp đó. Và vì thế chưa thể coi là sự hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh đánh thuế hai lần theo các Hiệp định đã ký được.

Lý do là khi một đối tượng nộp thuế cầm trong tay một Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Thông tư hướng dẫn, anh ta không thể xác định một cách chắc chắn rằng ở trường hợp của anh ta thì biện pháp nào sẽ được cơ quan thuế Việt nam áp dụng để khấu trừ thuế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiên liệu của các đối tượng nộp thuế là các cá nhân và doanh nghiệp và do đó giảm tính minh bạch của pháp luật trên thực tế.

Từ những lý do trên, đề nghị ở phần hướng dẫn các biện pháp tránh đánh thuế hai lần cần được cơ cấu lại theo hướng:
o Đối với từng biện pháp cần chỉ ra những dấu hiệu được quy định trong Hiệp định mà với những dấu hiệu đó thì biện pháp tránh đánh thuế hai lần này sẽ được áp dụng;
o Cách tính thuế của biện pháp này cụ thể ra sao (theo những bước nào và do đó kết quả là thế nào);
o Trường hợp có hai biện pháp cùng được phối hợp thì cách tính và khấu trừ thuế sẽ được thực hiện ra sao (chẳng hạn như trường hợp áp dụng phối hợp biện pháp khấu trừ trực tiếp và khấu trừ số thuế khoán, ....)


2. Ý kiến đối với một số điểm cụ thể trong Dự thảo Thông tư:
Ví dụ số 40 về việc khấu trừ thuế gián tiếp: cách hướng dẫn của Dự thảo gây cách hiểu phức tạp cho người áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại cách thể hiện ví dụ này cho ngắn gọn, chính xác mà lại dễ hiểu hơn.

Có thể theo các bước như sau:
o Xác định số lợi nhuận trước thuế mà Công ty V của Việt Nam được hưởng trong tổng số lợi nhuận của Công ty N tại Nga: chúng ta dễ dàng biết được đó là 20.000 đô la (20% của 100.000 đô la lợi nhuận trước thuế)
o Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty N đã nộp tại Nga trên số lợi nhuận nói trên: chúng ta dễ dàng biết được đó là 6.000 đô la (thuế suất 30%)
o Xác định lợi tức cổ phần được chia sau thuế của Công ty V của Việt Nam: chúng ta dễ dàng biết được đó là 14.000 đô la (20.000 - 6.000)
o Xác định số thuế mà Công ty V của Việt Nam phải nộp tại Nga đối với lợi tức cổ phần được chia: chúng ta dễ dàng biết được đó là 1.400 đô la (thuế suất 10%)
o Xác định tổng số thuế mà Công ty V của Việt Nam đã phải nộp tại Nga: chúng ta dễ dàng biết được đó là 7.400 đô la (6.000 + 1.400)
o Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty V của Việt Nam phải nộp ở Việt nam theo luật pháp Việt nam: chúng ta lấy số lợi nhuận trước thuế mà Công ty V của Việt Nam được hưởng trong tổng số lợi nhuận của Công ty N tại Nga (tức 20.000 đô la) đem nhân với thuế suất 28%: chúng ta biết kết quả là 5.600 đô la.
o Theo quy định về cách khấu trừ gián tiếp, Công ty V của Việt Nam chỉ được phép khấu trừ 5.600 đô la trong tổng số thuế mà họ đã phải nộp tại Nga.


Trên đây là một số ý kiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp gửi tới quý Cơ quan để nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng.

Các văn bản liên quan