Luật Kiểm toán nhà nước của Việt Nam: Đạt chuẩn quốc tế

Thứ Hai 15:13 22-05-2006
[size=18]Luật Kiểm toán nhà nước của Việt Nam: Đạt chuẩn quốc tế

Ngày 20.5 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Kiểm toán nhà nước. Có thể khẳng định đây là một đạo luật về kiểm toán nhà nước mang tính tiến bộ trên thế giới. Nhiều chuyên gia về kiểm toán nhà nước của Đức, Đan Mạch, Thụy Điển... khi làm việc với ban soạn thảo luật đã đánh giá cao dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước của VN. Dưới đây là bài viết của ông Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thư ký Ban Soạn thảo Luật Kiểm toán nhà nước

Tính tiến bộ của Luật Kiểm toán nhà nước được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau đây:

Về nguyên tắc độc lập. Khoản 1, Điều 7: "Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Đây là nguyên tắc pháp lý cơ bản làm cơ sở để xây dựng các chế định cụ thể của luật, đảm bảo tính độc lập của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước cả về tổ chức và hoạt động. Theo tuyên bố Lima về kiểm tra tài chính công của Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), mà Kiểm toán Nhà nước VN là thành viên chính thức, thì tính độc lập của cơ quan này là nguyên tắc tối cao, là tiền đề cơ bản đảm bảo cho công tác kiểm tra tài chính công có hiệu lực và hiệu quả. Để đảm bảo một cách có hiệu lực và vững chắc sự kiểm tra tài chính độc lập, cần phải quy định rõ tính độc lập của cơ quan Kiểm toán Nhà nước ngay trong các điều khoản Hiến pháp, những quy định cụ thể hơn được quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước.

Về địa vị pháp lý. Điều 13 của luật quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước: "Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Tính độc lập trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước tương tự như Viện KSNDTC và TANDTC ở nước ta, nhưng Kiểm toán Nhà nước không thuộc hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp. Quy định về địa vị pháp lý của cơ quan Kiểm toán Nhà nước như trên đã có sự phù hợp Điều 5 tuyên bố Lima "Cơ quan Kiểm toán Nhà nước chỉ có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình một cách khác quan và thật hiệu quả khi nó có vị trí độc lập với cơ quan bị kiểm tra và được bảo vệ trước những ảnh hưởng từ bên ngoài".

Về thẩm quyền và quy trình bổ nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Cơ chế bổ nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước có tác động rất lớn đến những quyết định do họ đưa ra, bởi vì Tổng Kiểm toán Nhà nước phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tổ chức hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trước pháp luật, trước Quốc hội, UBTV Quốc hội và Chính phủ; do đó tính độc lập được thể hiện thông qua thẩm quyền và quy trình bổ nhiệm do pháp luật quy định. Khoản 2, Điều 17 của luật quy định về thẩm quyền bổ nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước: "Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Quốc hội sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Chính phủ". Như vậy, Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất - đã quy định thẩm quyền và quy trình bổ nhiệm cao nhất cho Tổng Kiểm toán Nhà nước để đảm bảo tính độc lập, khách quan của Tổng Kiểm toán Nhà nước nói riêng và cơ quan Kiểm toán Nhà nước nói chung khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Về việc quyết định kế hoạch kiểm toán năm.
Tuyên bố Lima về kiểm tra tài chính công của Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao nhấn mạnh phải để cho các cơ quan Kiểm toán Nhà nước tự mình lập chương trình (kế hoạch) kiểm toán và không được để công việc này nằm trong phạm vi tác động của các cơ quan nhà nước khác, bảo đảm tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước. Khoản 1, Điều 15 của Luật quy định: Kiểm toán Nhà nước "Quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo với Quốc hội, Chính phủ trước khi thực hiện". Quy định như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của nước ta.

Về công bố các kết quả kiểm toán. Theo tuyên bố Lima, việc công bố công khai kết quả kiểm toán theo quy định là không thể thiếu được, tối thiểu là đối với những nước chấp nhận những cơ cấu cơ bản của một nhà nước pháp quyền dân chủ. Việc công bố công khai kết quả kiểm toán cần phải có cơ sở pháp lý trong mỗi luật kiểm toán nhà nước, song mới chỉ có một số luật kiểm toán quy định rõ quyền (nghĩa vụ) công bố đó. Luật Kiểm toán Nhà nước của VN đã có những quy định cụ thể về thời hạn nội dung, hình thức và phạm vi công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; công khai báo cáo kết quả kiểm toán của từng cuộc kiểm toán (tại Điều 58, Điều 59) để bảo đảm cho nhân dân biết được thông tin và thảo luận sâu rộng về kết quả kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực thi các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Luật Kiểm toán Nhà nước đã có sự phù hợp với những nguyên tắc, chuẩn mực của Tuyên bố Lima về kiểm tra tài chính công của Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao. Đây là một đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh tế - tài chính của Nhà nước ta, có vị trí trung tâm trong hệ thống các quy định về kiểm tra, kiểm soát nền kinh tế, là công cụ pháp lý cho việc nâng cao vị trí, vai trò, hiệu lực pháp lý và chất lượng kiểm toán nhà nước như một công cụ mạnh của Nhà nước, góp phần làm minh bạch và lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Lao Động

Các văn bản liên quan